BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2978/BVHTTDL-VP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:
1. Vừa qua Trung ương đã tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có phát biểu: “Phải đặt văn hóa ngang bằng với phát triển kinh tế”, nhưng hiện nay các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa không còn, rất khó để thực hiện. Cử tri cho rằng sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài vào thế hệ trẻ gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội; các kênh truyền thông hiện nay có nhiều nội dung, hình thức chưa phù hợp nhưng công tác quản lý còn lỏng lẻo; các giải pháp để ngăn chặn, phản bác các luận điệu chống phá, xuyên tạc, các thông tin độc hại trên mạng internet của các cơ quan có thẩm quyền còn chậm, chưa kịp thời; một số cá nhân lợi dụng các quyền tự do, dân chủ phát ngôn gây hoang mang dư luận trong thời gian dài chậm được xử lý… Cử tri kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, có giải pháp bảo vệ các giá trị văn hóa tinh thần của người Việt Nam, ngăn chặn văn hóa độc hại, đồng thời tăng cường đầu tư để lĩnh vực văn hóa phát triển tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Hiện nay, qua khảo sát, một số công trình, khu di tích cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh bị xuống cấp nghiêm trọng: Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ (Ba Tri), Di tích Căn cứ quân khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tiên Thủy,... Kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ phân bổ ngân sách để trùng tu, tôn tạo các công trình, khu di tích để phát huy truyền thống văn hóa - lịch sử gắn với phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
1. Về đề nghị có giải pháp bảo vệ các giá trị văn hóa tinh thần của người Việt Nam, ngăn chặn văn hóa độc hại, đồng thời tăng cường đầu tư để lĩnh vực văn hóa phát triển tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm định hướng, đầu tư và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được của cả hệ thống chính trị trong giai đoạn vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:
1.1 Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa
Thực hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam, cụ thể:
- Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”;
- Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành:
+ Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 1909/QĐ- TTg ngày 12/11/2021);
+ Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 31/12/2021); Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới;
+ Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021 - 2026;
+ Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/03/2017 về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình;
+ Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09//2018 về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời, phát huy được hiệu quả, hiệu lực quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở, góp phần quan trọng trong việc đề cao vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội. Nhiều giá trị, chuẩn mực văn hóa đã trở thành hiện thực trong đời sống, trở thành nền nếp, tạo ra những giá trị mới phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy tính chủ động, tham gia tích cực trong việc xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam trong tình hình mới.
1.2. Xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam
Xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam luôn là một trong những nội dung quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Giai đoạn 2016-2021, nhiều kế hoạch, hoạt động về công tác xây dựng đạo đức, lối sống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành và triển khai thực hiện:
- Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam đến năm 2020; Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020; Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020; Kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định số 3020/QĐ-BVHTTDL ngày 30/8/2019 ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp ngăn ngừa mê tín dị đoan, loại bỏ hủ tục lạc hậu, văn hóa phẩm đồi trụy trái với thuần phong mỹ tục giai đoạn 2020-2022;
- Quyết định số 2708/QĐ- BVHTTDL ngày 02/8/2019 ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025”;
- Triển khai xây dựng các đề án, đề tài nghiên cứu, hội thảo khoa học để nghiên cứu những giá trị văn hóa tốt đẹp phát huy và những hủ tục cần được loại bỏ nhằm hướng tới xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam như: Đề tài nghiên cứu khoa học “Vai trò của hương ước, quy ước đối với xây dựng đạo đức lối sống hiện nay”; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Hội thảo xây dựng văn hóa gia đình trong xã hội đương đại; xây dựng mô hình cưới văn minh tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán; văn hóa ứng xử trong lễ hội…; Tổ chức thí điểm thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực như: du lịch, đào tạo, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp...
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình vừa bảo đảm tính răn đe, vừa bảo đảm tính giáo dục để hướng đến xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.
1.3. Công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành trong triển khai các biện pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa ứng xử
Văn hóa là lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ý thức sâu sắc vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương chú trọng triển khai có hiệu quả các chương trình phối hợp, cụ thể:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức các đợt phát động sáng tác tranh cổ động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao; tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Chương trình phối hợp về xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung lồng ghép, triển khai các nội dung tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc việc cưới, việc tang và lễ hội với các phong trào khác như: phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, phong trào xây dựng gia đình nông dân sản xuất giỏi, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa;
- Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng chương trình phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nam, nữ thanh niên về trách nhiệm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm cho thanh, thiếu niên về giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng đội ngũ thanh, thiếu niên yêu nước, có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác xây dựng môi trường văn hóa, thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo hướng thực chất; thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm đạo đức trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bản quyền tác giả, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch, thể dục, thể thao, nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa; siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại.
1.4. Tăng đầu tư cho văn hóa
- Nguồn lực đầu tư cho văn hóa năm 2022 của các địa phương bước đầu đã có những sự thay đổi tích cực, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Dự toán ngân sách năm 2022 của nhiều tỉnh/thành phố phân bổ ngân sách cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương.
Cụ thể so với năm 2021: Tỉnh Bắc Giang tăng 12,7%; Tỉnh Hòa Bình, tỉnh Đắk Lắk tăng 17%; Tỉnh Kon Tum tăng 18%; Tỉnh Bến Tre tăng 19%; tỉnh Phú Thọ tăng 29%; Tỉnh Bình Thuận tăng khoảng 44%… Tỉnh Vĩnh Long chi 2,78%; tỉnh Lào Cai chi 3,33%; tỉnh Ninh Bình 4% tổng chi ngân sách địa phương cho lĩnh vực văn hóa... Thành phố Hà Nội bố trí 15.100 tỷ đồng đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2021-2025 (thể thao 610 tỷ, di sản 14.000 tỷ, bảo tàng 400 tỷ).
- Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đưa vào hoạt động có hiệu quả, phát huy tốt công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; đồng thời, phục vụ tốt công tác tuyên truyền, cổ động thực hiện các nhiệm vụ chính trị; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao giữa các vùng, khu vực, tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước: Tỉnh Phú Thọ khởi công xây dựng công trình Nhà văn hóa nghệ thuật tỉnh với mức đầu tư gần 400 tỷ đồng; tỉnh Tiền Giang đầu tư gần 300 tỷ đồng cho thiết chế văn hóa, thể thao như xây dựng Khu thể thao dưới nước, chỉnh trang Khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, giai đoạn 2023-2025 sẽ tiếp tục đầu tư 221 tỷ đồng cho các thiết chế văn hóa, thể thao như xây dựng Công viên văn hóa, Bảo tàng, Thư viện tỉnh.
- Bên cạnh việc bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã chú trọng triển khai công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, tuyên truyền, thể thao, du lịch và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành mạnh mẽ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn (Lâm Đồng, Đồng Nai, Thái Bình, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng…) góp phần tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển văn hóa tại địa phương.
Những thông tin, số liệu nêu trên là minh chứng rõ rệt cho thấy nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước đã được nâng nên và lan tỏa trong xã hội. Có sự chuyển biến về tư duy, quan điểm đối với lĩnh vực văn hóa từ đầu tư cho văn hóa tốn kém, không mang lại hiệu quả sang chăm lo cho văn hóa, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững, có tính chất lâu dài.
Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; những nhiệm vụ của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu, của đảng viên.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống các văn bản pháp luật về xây dựng hành vi ứng xử văn hóa.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, nhân cách con người; biểu dương cái tốt, bài trừ cái xấu, lên án cái ác, ca ngợi cái đẹp, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục, cổ vũ, khuyến khích tính hướng thiện trong mỗi người.
- Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng.
- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm văn hóa của các dân tộc, vùng, miền, góp phần giáo dục đạo đức, tạo dựng lối sống lành mạnh.
Khi nhiệm vụ xây dựng văn hoá trở thành thường trực, nền tảng văn hoá được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi người, đặc biệt là giới trẻ thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, tốt đẹp, định vị bản thân, giá trị, bản sắc dân tộc gắn với khát vọng hội nhập, cống hiến sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái phản cảm, lố lăng và đó là chính là biểu hiện thuyết phục nhất của sức mạnh nội sinh văn hóa.
2. Về đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ phân bổ ngân sách để trùng tu, tôn tạo các công trình, khu di tích trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Triển khai Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, ngày 17/5/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 1677/BVHTTDL-KHTC về việc rà soát danh mục các dự án tu bổ di tích thuộc chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có Dự án bảo tồn, tôn tạo Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (Danh nhân văn hóa được UNESCO ghi danh năm 2021).
Đối với các di tích xếp hạng quốc gia, căn cứ khả năng cân đối vốn cho Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích được xếp hạng quốc gia theo quy định. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre chủ động đưa các dự án tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích cấp quốc gia vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn của địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre để trả lời cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Công văn 2978/BVHTTDL-VP năm 2022 về giải pháp bảo vệ các giá trị văn hóa tinh thần của người Việt Nam, ngăn chặn văn hóa độc hại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
Số hiệu: | 2978/BVHTTDL-VP |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch |
Người ký: | Nguyễn Văn Hùng |
Ngày ban hành: | 10/08/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 2978/BVHTTDL-VP năm 2022 về giải pháp bảo vệ các giá trị văn hóa tinh thần của người Việt Nam, ngăn chặn văn hóa độc hại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
Chưa có Video