Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4943/BNN-TCTS
V/v trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An do Văn phòng Chính phủ chuyển đến trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại Công văn số 3864/BDN ngày 23/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 83)

a) Cử tri phản ánh theo quy định chính sách tín dụng đóng tàu mới tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản thì chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay, không bắt buộc bổ sung tài sản thế chấp khác. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các Ngân hàng cho vay đều yêu cầu chủ tàu bổ sung tài sản đảm bảo là nhà đất. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản như: ảnh hưởng của dịch covid-19, nguồn lợi thủy sản dần suy giảm, cạn kiệt, ngư trường đánh bắt bị thu hẹp, giá nhiên liệu tăng cao… làm chủ tàu gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng. Các ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu hồi nợ, nhiều khoản vay mới chỉ thu hồi nợ gốc chưa đến 10% giá trị khoản vay, giá trị tàu cá bảo đảm cho khoản vay sụt giảm từ 80 % đến 90% so với giá trị định giá ban đầu. Cử tri phản ánh, kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, cụ thể:

(i) Mặc dù theo quy định chính sách tín dụng đóng tàu mới tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản thì chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay, không bắt buộc bổ sung tài sản thế chấp khác, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các Ngân hàng cho vay đều yêu cầu chủ tàu bổ sung tài sản đảm bảo khác, chủ yếu là nhà đất. Hiện nay, nhiều trường hợp nợ quá hạn phải xử lý nợ, thanh lý tài sản thế chấp là tàu cá và nhà đất, thậm chí có nhiều ngư dân rơi vào hoàn cảnh không còn nơi ở. Cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, có giải pháp, chỉ đạo các Ngân hàng tiến hành giải chấp các tài sản thế chấp là nhà đất (hoặc tài sản khác không phải là tàu cá) đối với các khoản vay đóng mới tàu cá.

(ii) Cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, có chính sách khoanh nợ, xóa nợ cho chủ tàu vì giá trị khoản nợ còn lại rất lớn, hoạt động khai thác thủy sản khó khăn, hầu hết chủ tàu thuộc nhóm nợ xấu đều không có khả năng tiếp tục trả nợ.

(iii) Cử tri phản ánh hiện tại đang trong thời gian xem xét, sửa đổi quy tắc bảo hiểm tàu cá, PJICO dừng bán bảo hiểm cho chủ tàu từ cuối năm 2019, chủ tàu phải mua từ công ty khác nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc mua bảo hiểm tàu cá cho ngư dân trong thời gian chờ sửa đổi quy tắc bảo hiểm để cử tri tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Đồng thời, kiến nghị bổ sung chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm đối với trang thiết bị, ngư lưới cụ của tàu cá.

(iv) Cử tri phản ánh việc triển khai cơ chế chuyển đổi chủ tàu theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP và Thông tư số 12/2018/TT-NHNN gặp khó khăn, nguyên nhân chính là do giá trị tài sản tại thời điểm chuyển đổi thấp hơn rất nhiều so với giá trị khoản nợ nên khó tìm được chủ tàu mới nhận bàn giao lại toàn bộ khoản nợ. Cử tri kiến nghị sửa đổi cơ chế chuyển đổi chủ tàu với các điều kiện linh hoạt hơn.

b) Cử tri kiến nghị sớm triển khai đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác đánh bắt hải sản vùng biển chung trong ngư trường Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc; đồng thời tăng cường, củng cố đội tàu chấp pháp, an ninh ở ngoài khơi để bảo vệ ngư dân yên tâm khai thác, đánh bắt hải sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

1. Về một số kiến nghị liên quan đến thực hiện chính sách tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ, cụ thể như sau:

a) Về kiến nghị Chính phủ quan tâm, có giải pháp, chỉ đạo các Ngân hàng tiến hành giải chấp các tài sản thế chấp là nhà đất (hoặc tài sản khác không phải là tàu cá) đối với các khoản vay đóng mới tàu cá

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung không quy định các ngân hàng thương mại chỉ được nhận con tàu là tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm. Do vậy, việc bổ sung tài sản bảo đảm ngoài con tàu cho khoản vay là thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng, không trái với quy định của pháp luật.

Trường hợp chủ tàu không trả được nợ vay ngân hàng theo cam kết đã thỏa thuận, buộc các ngân hàng phải khởi kiện ra tòa, xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ vay.

b) Về kiến nghị Chính phủ quan tâm, có chính sách khoanh nợ, xóa nợ cho chủ tàu vì giá trị khoản nợ còn lại rất lớn, hoạt động khai thác thủy sản khó khăn, hầu hết chủ tàu thuộc nhóm nợ xấu đều không có khả năng tiếp tục trả nợ

Hiện nay, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 không có quy định về chính sách khoanh nợ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp ý kiến và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 67, trong đó có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho chủ tàu để đảm bảo sản xuất và trả nợ vốn vay.

c) Về kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong việc mua bảo hiểm tàu cá cho ngư dân theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP do doanh nghiệp bảo hiểm ngừng bán từ 2019 đến nay và bổ sung chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm đối với trang thiết bị, ngư lưới cụ của tàu cá

- Thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm theo Nghị định 67, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm. Trong đó có yêu cầu đối với doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo về năng lực tài chính, quản trị, mạng lưới và kinh nghiệm triển khai khi tham gia.

Hiện nay chỉ có 4 doanh nghiệp Bảo hiểm đăng ký tham gia là: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex, Tổng công ty Bảo hiểm PVI.

- Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 các doanh nghiệp bảo hiểm đã có văn bản thông báo tạm dừng triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Nguyên nhân được các doanh nghiệp bảo hiểm trên báo cáo là do tàu cá bị tổn thất quá lớn trong khi không tìm thấy xác tàu, không xác định được nguyên nhân tổn thất và không loại trừ khả năng có gian lận bảo hiểm, trục lợi chính sách. Trường hợp tiếp tục triển khai các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thua lỗ lớn, ảnh hưởng lớn đến khả năng tài chính của doanh nghiệp.

- Theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm tàu cá không phải là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Pháp luật về thủy sản cũng không quy định việc chủ tàu phải thực hiện việc mua bảo hiểm thân tàu trước khi ra khơi, trừ bảo hiểm cho thuyền viên. Doanh nghiệp bảo hiểm và ngư dân thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm trên nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với quy định pháp luật. Ngư dân có thể lựa chọn mua bảo hiểm theo chính sách hỗ trợ tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP hoặc chính sách bảo hiểm khác.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã nhiều lần có văn bản và trao đổi với Bộ Tài chính liên quan nội dung này. Bộ Tài chính cũng đã có các công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan để triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm và chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm đối với trang thiết bị ngư lưới cụ của tàu cá tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67.

d) Về kiến nghị sửa đổi cơ chế chuyển đổi chủ tàu với các điều kiện linh hoạt hơn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về thực hiện chính sách chuyển đổi chủ tàu cá theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP đến nay đã thực hiện chuyển đổi đối với 20 tàu cá với dư nợ gần 99 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ chế này hiện nay không còn phù hợp với giá trị thực tế con tàu đã thấp hơn nhiều so với khoản vay của chủ tàu cũ. Hiện nay các khó khăn, vướng mắc đã được tổng hợp, báo cáo và đưa vào dự thảo nội dung sửa đổi cơ chế chuyển đổi chủ tàu (giữa chủ tàu cũ không đủ năng lực khai thác, không trả nợ đúng hạn, không có khả năng khắc phục sẽ được chuyển cho chủ tàu mới có khả năng khai thác, tài chính tốt hơn, sử dụng khai thác tàu hiệu quả hơn) sẽ được trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 67 trong thời gian tới.

2. Hiệp định Hợp tác Nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký kết năm 2000. Đến ngày 30 tháng 6 năm 2020 Hiệp định nói trên đã hết hiệu lực, hai bên cũng đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả 15 năm triển khai Hiệp định.

Từ cuối năm 2020 đến nay, Chính phủ hai nước đã nhất trí tiếp tục giao các cơ quan liên quan tổ chức đàm phán điều ước quốc tế mới về hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên từ năm 2020 đầu năm 2022 do ảnh hưởng của đại dịch covid-19 nên việc đàm phán giữa hai nước đã bị gián đoạn. Hiện nay hai Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức nối lại các cuộc đàm phán để ký được thỏa thuận trong thời gian tới.

Để hỗ trợ ngư dân yên tâm khai thác, đánh bắt hải sản, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quân đã được tăng cường về năng lực và trang thiết bị, đặc biệt là lực lượng kiểm ngư; thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, kịp thời hỗ trợ ngư dân khi cần thiết.

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An; trân trọng cảm ơn cử tri tỉnh Nghệ An đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An để biết và trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Dân nguyện;
- UBND tỉnh Nghệ An;
- VP Bộ (Phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT, TCTS (10 bản).

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công văn 4943/BNN-TCTS năm 2022 quy định chính sách tín dụng đóng tàu mới và mua bảo hiểm tàu cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu: 4943/BNN-TCTS
Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký: Lê Minh Hoan
Ngày ban hành: 29/07/2022
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [5]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công văn 4943/BNN-TCTS năm 2022 quy định chính sách tín dụng đóng tàu mới và mua bảo hiểm tàu cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…