NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 239/NHNN-TD |
Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2019 |
Kính gửi: Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận được Công văn số 12462/VPCP-ĐMDN ngày 24/12/2018 của Văn phòng Chính phủ chuyển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thẩm quyền xử lý kiến nghị của Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội tại Công văn số 7/CV-CLBCĐBQH ngày 04/12/2018 liên quan đến hoạt động ngân hàng. Trước hết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin trân trọng cảm ơn Ban chủ nhiệm Câu lạc Bộ cựu đại biểu Quốc hội đã quan tâm đến hoạt động của ngành ngân hàng, đặc biệt hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Đối với kiến nghị của Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội “Có chính sách quan tâm hơn đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong việc vay vốn để sản xuất kinh doanh như chính sách bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn và có chính sách ưu đãi trong việc vay vốn với những ngành nghề cần khuyến khích phát triển”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trân trọng tiếp thu để hoàn thiện công tác chỉ đạo, điều hành chính sách tín dụng ngân hàng trong thời gian tới, đồng thời cũng có ý kiến giải trình thêm với Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội cụ thể như sau:
1. Để hỗ trợ doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong việc tiếp cận vốn, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, cụ thể như sau:
- Ban hành Quyết định 443/QĐ-NHNN ngày 16/3/2018 trong đó xác định chương trình hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thời gian thực hiện gắn với việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính đồng bộ trong các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
- Triển khai hiệu quả Chương trình hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, với các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng.
- Chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các TCTD tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; kết hợp chặt chẽ với các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khác trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
- Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách, chương trình tín dụng hỗ trợ vốn cho những ngành nghề cần khuyến khích phát triển, đồng thời chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù như: (i) Chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), hiện nay là 6,5%/năm; (ii) Chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% để phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP; (iii) Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; với lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn từ 0,5%-1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn; (iv) Cho vay có hỗ trợ lãi suất vay vốn lên đến 100% cho các khách hàng đầu tư máy móc thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ; (v) Chính sách cho vay lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được vay vốn tối đa 70% vốn đầu tư tại các TCTD trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh; (vi) Một số chính sách ưu đãi về lãi suất cho các DNNVV hoạt động tại các địa bàn kinh tế khó khăn.
- Chỉ đạo các TCTD quan tâm nhiều hơn tới các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp DNNVV, thiết kế và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp hơn đối với đối tượng doanh nghiệp này; cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quy trình cho vay theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ cho doanh nghiệp để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc tín dụng, an toàn vốn vay.
2. Về chính sách bảo lãnh cho DNNVV vay vốn
Để hỗ trợ và phát triển DNNVV, từ năm 2001, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (do Bộ Tài chính chủ trì). Theo đó, NHNN cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong cho vay DNNVV có bảo lãnh của các tổ chức này.
Để hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ DNNVV, ngày 12/6/2017, Luật hỗ trợ DNNVV đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (thay thế cho Quyết định 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Nhằm triển khai Luật hỗ trợ DNNVV và thực hiện nhiệm vụ được giao, NHNN đã ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các TCTD trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP.
3. Đối với kiến nghị của Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội về việc doanh nghiệp khoa học công nghệ được dùng tài sản của doanh nghiệp (gồm cả sản phẩm phát minh, sáng chế đã được đăng ký sở hữu trí tuệ) làm tài sản thế chấp vay vốn
Theo Bộ Luật Dân sự năm 2015 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2016, tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, đồng thời quy định quyền tài sản là một loại tài sản và là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Vì vậy, các sản phẩm phát minh, sáng chế đã được đăng ký sở hữu trí tuệ có thể được coi là tài sản bảo đảm để vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tại Việt Nam và quốc tế cho thấy, việc thế chấp đối với quyền sở hữu trí tuệ tại hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều hạn chế một phần do khó định giá quyền sở hữu trí tuệ, phần khác do giá trị của quyền sở hữu trí tuệ chỉ được đảm bảo trong chuỗi các hoạt động của doanh nghiệp đó, khó chuyển giao khi phải xử lý tài sản bảo đảm. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp chưa chứng minh phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi sẽ là khó khăn, tạo áp lực rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng khi xem xét cho vay.
Tiếp thu ý kiến của Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện khung pháp lý để triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển theo chủ trương của Đảng và Chính phủ; triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV; chỉ đạo các TCTD tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm, chương trình tín dụng với lãi suất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đề nghị Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội thông tin tới Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh về các chương trình, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các quy định của pháp luật liên quan để các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thể vận dụng nhằm được hưởng chính sách tín dụng phù hợp; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị để các tổ chức tín dụng thuận lợi hơn trong việc thẩm định, xem xét và quyết định cho vay.
Trân trọng./.
|
KT. THỐNG ĐỐC |
Công văn 239/NHNN-TD năm 2019 về tín dụng đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Số hiệu: | 239/NHNN-TD |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Người ký: | Đào Minh Tú |
Ngày ban hành: | 09/01/2019 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 239/NHNN-TD năm 2019 về tín dụng đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Chưa có Video