Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8438/BCT-XNK
V/v áp dụng biện pháp ký quỹ, đặt cọc đối với nhập khẩu nội tạng trắng đông lạnh

Hà Nội, ngày 20 tháng 09 năm 2013

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 3793/VPCP-KTTH ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá về sự phù hợp và tính khả thi của biện pháp ký quỹ, đặt cọc đối với doanh nghiệp, Bộ Công Thương xin báo cáo nội dung triển khai như sau:

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để xin ý kiến về vấn đề này. Đến nay, Bộ Công Thương đã nhận được văn bản của Bộ Tài chính tham gia ý kiến về việc áp dụng biện pháp ký quỹ, đặt cọc đối với doanh nghiệp nhập khẩu nội tạng trắng. Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa có văn bản tham gia ý kiến về vấn đề này. Sau khi nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến tham gia về vấn đề áp dụng biện pháp ký quỹ, đặt cọc đối với doanh nghiệp nhập khẩu nội tạng trắng đông lạnh, Bộ Công Thương xin báo cáo cụ thể như sau:

Theo ý kiến của Bộ Tài chính, việc yêu cầu doanh nghiệp phải ký quỹ, đặt cọc là cần thiết để có đủ kinh phí tiêu hủy hàng hóa nếu lô hàng không đáp ứng yêu cầu kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch theo quy định. Bộ Tài chính cũng đề nghị áp dụng biện pháp này tại thời điểm nội tạng trắng chính thức được phép nhập khẩu trở lại, nhưng chưa có ý kiến cụ thể về cách thức triển khai, áp dụng biện pháp ký quỹ đặt cọc cũng như mức tiền ký quỹ.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, khả năng áp dụng biện pháp ký quỹ, đặt cọc tại thời điểm này chưa thực sự phù hợp và cần thiết, cụ thể là:

1. Về sự phù hợp

Thứ nhất, việc áp dụng biện pháp ký quỹ, đặt cọc ngay sau thời điểm cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh sẽ dễ gây hiểu lầm, làm giảm ý nghĩa và không phù hợp với tinh thần, mục đích của việc cho phép nhập khẩu trở lại nhằm thể hiện động thái tích cực, nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi các cam kết quốc tế, giúp, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại với các quốc gia, qua đó hỗ trợ việc xử lý tranh chấp, đàm phán mở cửa thị trường đối với một số mặt hàng nông sản. Hơn nữa, việc áp dụng biện pháp ký quỹ, đặt cọc rất có khả năng vi phạm nguyên tắc, quy định, cam kết gia nhập WTO, dẫn tới phản ứng của các nước. Như vậy, Việt Nam sẽ rất khó giải trình cũng như xử lý các vấn đề phát sinh sau này, đồng thời việc đàm phán mở cửa thị trường và quan hệ thương mại với các nước cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ hai, việc chỉ áp dụng biện pháp ký quỹ, đặt cọc đối với mặt hàng nội tạng trắng có thể tạo sự phân biệt đối xử, không thống nhất trong quản lý bởi có nhiều mặt hàng khác chưa bị áp dụng biện pháp ký quỹ, đặt cọc như nội tạng đỏ, thịt, cá, rau củ quả,... cũng có khả năng và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm tương tự nội tạng trắng.

Thứ ba, biện pháp này không phù hợp áp dụng cho loại hình nhập khẩu thông thường vì như vậy doanh nghiệp sẽ phải thường xuyên ký quỹ và làm thủ tục hoàn tiền khi mở tờ khai và sau khi thông quan. Biện pháp ký quỹ, đặt cọc chỉ phù hợp áp dụng cho một số lĩnh vực đặc thù như kinh doanh tạm nhập tái xuất, theo đó ký quỹ, đặt cọc là điều kiện để cấp, duy trì giấy phép kinh doanh và là chế tài để đảm bảo doanh nghiệp phải thực hiện việc tái xuất.

2. Về sự cần thiết

Thứ nhất, số lượng nhập khẩu mặt hàng nội tạng trắng đông lạnh không lớn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 36 nghìn USD trong năm 2008 và 155 nghìn USD trong năm 2009. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2009 là 477,7 tấn và trong năm 2010 là 22,5 tấn, chủ yếu là từ Hoa Kỳ, Australia và Ba Lan.

Thứ hai, các biện pháp kỹ thuật, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, kiểm dịch, quy định về cửa khẩu,... áp dụng đối với nhập khẩu mặt hàng nội tạng trắng đông lạnh theo như báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 1296/BC-BNN-HTQT ngày 17 tháng 4 năm 2013 và Thông báo số 2408/BNN-TY ngày 20 tháng 7 năm 2013 đã đảm bảo quản lý chặt chẽ.

Thứ ba, việc xử lý vi phạm, tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch đã có quy định đầy đủ, cụ thể trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Bên cạnh đó, để tăng cường quản lý có thể áp dụng biện pháp yêu cầu nhà nhập khẩu nội tạng trắng đông lạnh phải nộp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) khi làm thủ tục thông quan theo quy định tại Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Việc áp dụng biện pháp này, Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến tham gia, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 6577/BTC-TCHQ ngày 24 tháng 05 năm 2010 gửi Văn phòng Chính phủ về việc kiểm soát sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo thẩm quyền quản lý về CFS đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản, gia súc, gia cầm,... có quy định cụ thể chủng loại hàng hóa doanh nghiệp phải nộp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) khi làm thủ tục tại Hải quan cửa khẩu. Theo Bộ Công Thương, đây là biện pháp phù hợp, khả thi, cần thiết trong việc quản lý, cũng như ngăn chặn các sản phẩm không an toàn của nước ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng trong nước.

Với những nội dung đánh giá, tổng hợp nêu trên, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ như sau:

- Chưa áp dụng biện pháp ký quỹ, đặt cọc tại thời điểm này và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, kiểm tra tình hình hoạt động nhập khẩu nội tạng trắng sau khi cho nhập khẩu trở lại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông có tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét áp dụng bổ sung các biện pháp quản lý khi cần thiết.

- Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, triển khai thực hiện việc áp dụng biện pháp yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu nội tạng trắng đông lạnh phải nộp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) khi làm thủ tục thông quan theo quy định tại Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên đây là nội dung báo cáo về khả năng áp dụng biện pháp ký quỹ, đặt cọc đối với doanh nghiệp nhập khẩu nội tạng trắng đông lạnh, Bộ Công Thương xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ NN&PTNT;
- Bộ Tài chính;
- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (để b/c);
- Vụ: Pháp chế; CSTM Đa biên;
- Lưu: VT, XNK (2).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công văn 8438/BCT-XNK năm 2013 áp dụng biện pháp ký quỹ, đặt cọc đối với nhập khẩu nội tạng trắng đông lạnh do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu: 8438/BCT-XNK
Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Công thương
Người ký: Trần Tuấn Anh
Ngày ban hành: 20/09/2013
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [5]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công văn 8438/BCT-XNK năm 2013 áp dụng biện pháp ký quỹ, đặt cọc đối với nhập khẩu nội tạng trắng đông lạnh do Bộ Công thương ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…