BỘ NÔNG NGHIỆP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5256/BNN-CBTTNS |
Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 487/BDN ngày 14 tháng 6 năm 2022 nội dung kiến nghị như sau:
Nội dung kiến nghị (Câu số 34)
Cử tri phản ánh trong thời gian qua, mặc dù sản lượng hàng nông sản đã được tăng lên nhưng chất lượng chưa đạt hiệu quả; giá cả đầu vô tăng đột biến, giá cả bán ra lại không cao; các doanh nghiệp kinh doanh chưa phát triển theo hướng bền vững mà phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Philipine, Indonesia, Malaysia… chưa mở rộng ra thị trường các nước trong khối liên minh châu Âu, Mỹ... Cử tri kiến nghị Nhà nước cần tập trung vào vai trò hướng dẫn, hỗ trợ thị trường trong đó gồm: đổi mới chính sách về quy hoạch, về quyền tiếp cận đất đai của các hình thức liên kết nhằm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy hoạch vùng nguyên liệu với sự tham gia của doanh nghiệp; đổi mới chính sách quản lý thị trường, quản lý giá, quản lý chất lượng, giống; cần tổ chức lại hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và các thể chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp - thương mại hàng hóa nông sản theo hướng tập trung vào hỗ trợ các mô hình liên kết, vùng chuyên canh có diện tích lớn. Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp Bộ Công Thương hàng năm có chương trình hành động chung về sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản.
Bộ Nông nghiệp và PTNT xin trả lời như sau:
Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng tình với kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc Nhà nước cần tập trung vào vai trò hướng dẫn, hỗ trợ kết nối thị trường thông qua việc đổi mới chính sách và tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ để tạo ra các mô hình liên kết, vùng chuyên canh lớn đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong thời gian qua và trong giai đoạn tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp như sau:
1. Công tác đổi mới chính sách
a) Về chính sách quy hoạch:
Luật Quy hoạch 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ. Do đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương lồng ghép nội dung các quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp đã phê duyệt vào các quy hoạch, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương để tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch. Đến nay, Bộ đã hoàn thành rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch từng ngành hàng, sản phẩm để tích hợp vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, các vùng, cấp tỉnh; đồng thời để chuyển đổi thành các Đề án/Chương trình phù hợp với Luật Quy hoạch, nhằm tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với lợi thế từng vùng và theo nhu cầu thị trường, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.
b) Về quản lý chất lượng:
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/BCSĐB ngày 14/12/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1384/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/4/2022 ban hành Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030” trong đó có các nội dung về hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản, hoàn thiện cơ chế chính sách, tiêu chuẩn quy chuẩn, áp dụng các quy trình sản xuất tốt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Y tế (cơ quan chủ trì) thực hiện tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật an toàn thực phẩm, làm rõ những ưu điểm, tồn tại, nguyên nhân và đề xuất kiện nghị các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm.
c) Về quản lý giống:
- Giống cây trồng: Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2019 về Danh mục loài cây trồng chính; Thông tư số 26/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 quy định về lưu mẫu giống cây trồng, kiểm đỉnh ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng; kiểm tra nhà nước về chất lượng giống cây trồng nhập khẩu; xây dựng và đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ công bố nhiều tiêu chuẩn, qui chuẩn liên quan đến quản lý giống cây trồng; xây dựng và trình cấp thẩm quyền ban hành Luật Trồng trọt có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 01 năm 2020 và Nghị định 94/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ Qui định chi tiết một số điều Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác có hiệu lực thi hành từ 01/02/2020 thay thế Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11.
- Giống vật nuôi: tham mưu Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 27/6/2020 phê duyệt chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 1520/2020/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang đang xây dựng trình Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định về chính sách hỗ trợ “Phát triển sản xuất giống” theo Quyết định số 703/QĐ-TTg và hoàn thiện các thủ tục trình Chính phủ phê duyệt 5 đề án nhằm triển khai Quyết định số 1520/2020/QĐ-TTg, trong đó có đề án phát triển công nghiệp giống vật nuôi giai đoạn 2021 - 2030.
- Giống thủy sản: Được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 26/2018/TT-BNN- PTNT ngày 15/11/2018 quy định về quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 về sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản và Thông tư số 24/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2018 quy định về cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản. Theo đó, quản lý giống thủy sản được quy định theo hướng quản lý hệ thống, kiểm soát đầu vào từ điều kiện cơ sở vật chất chứng nhận đủ điều kiện trước khi hoạt động, phân định rõ phạm vi quản lý giữa cơ quan quản lý cấp Trung ương và các địa phương theo hướng phân cấp triệt để cho địa phương.
2. Tổ chức lại hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và các thể chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp - thương mại hàng nông sản
a) Tổ chức lại hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp
- Ở Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Thực hiện Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ (thay thế Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ). Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ sẽ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức và thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính thuộc Bộ theo Nghị định của Chính phủ và quy định của pháp luật.
- Ở địa phương (cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện): Theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở, chi cục thuộc sở phù hợp với hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn và đăng tải xin ý kiến tổ chức, cá nhân và nhân dân trên cổng thông tin điện tử của Bộ.
b) Tổ chức lại thể chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp - thương mại nông sản theo hướng hỗ trợ các mô hình liên kết, vùng chuyên canh có diện tích lớn.
- Củng cố HTX, THT theo hướng mở rộng quy mô thành viên, hỗ trợ phát triển HTX từ đơn chức năng sang đa chức năng, tích hợp đa giá trị; từ chú trọng đầu vào sang kết hợp chú trọng đầu ra; từ chuỗi cung ứng sang chuỗi giá trị.
- Thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết giữa HTX, THT với các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
- Triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, qua đó tổng kết, đánh giá và nhân rộng.
3. Phối hợp với Bộ Công Thương định hướng thị trường và triển khai chương trình chung về sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản.
a) Về định hướng thị trường, kiểm soát giá cả
- Bộ Nông nghiệp và PTNT với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Giá của Chính phủ và Tổ điều hành Thị trường trong nước đã phối hợp với các cơ quan đầu mối (Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương) định kỳ theo dõi giá cả, diễn biến thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực để kịp thời tham mưu đề xuất các giải pháp nhằm ổn định giá các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
- Bộ đã chủ động kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản tại Quyết định số 3449/QĐ-BNN-TCCB ngày 02/8/2021 nhằm định hướng kế hoạch sản xuất gắn với kế hoạch tiêu thụ và xúc tiến thương mại; xử lý các vấn đề về thị trường, rào cản thương mại và phân tích, dự báo, cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho các nhà quản lý, người sản xuất, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
b) Về triển khai chương trình hành động chung về sản xuất và tiêu thụ nông sản
Ngày 13/7/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công Thương đã ký kết Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. Theo đó, đã tập trung (i) công tác trao đổi, cung cấp nhanh thông tin sản xuất và thị trường phục vụ công tác dự báo, cân đối cung cầu và định hướng sản xuất gắn với tiêu thụ; (ii) phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, tổ chức các tuần hàng nông sản của địa phương tại các đô thị lớn, thúc đẩy đưa hàng nông sản vào kênh phân phối hiện đại qua hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi như BigC, Vinmart, Sai Gòn Co.op, Satra v.v., hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản khi vào vụ thu hoạch rộ; (iii) phối hợp tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, giải quyết vướng mắc, mở rộng thị trường xuất khẩu; trao đổi thông tin liên quan đến các hoạt động hội chợ triển lãm quốc tế, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, Hiệp hội, địa phương tham gia, qua đó đã tăng quy mô và hiệu quả quảng bá sản phẩm nông nghiệp.
Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; trân trọng cảm ơn cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để trả lời cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Công văn 5256/BNN-CBTTNS năm 2022 về chương trình hành động chung về sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu: | 5256/BNN-CBTTNS |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký: | Lê Minh Hoan |
Ngày ban hành: | 11/08/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 5256/BNN-CBTTNS năm 2022 về chương trình hành động chung về sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Chưa có Video