BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3356/BCT-XNK |
Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2024 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Nhằm đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2024, bàn các giải pháp, phương hướng điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới góp phần tiêu thụ lúa và đảm bảo lợi ích cho người nông dân theo chính sách hiện hành, triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới, ngày 26 tháng 4 năm 2024, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị với sự tham gia của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố nơi thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có trụ sở chính, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan tới tình hình và phương hướng điều hành hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới như sau:
1.1. Kết quả xuất khẩu gạo năm 2023
- Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022.
- Về thị trường, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt hơn 6 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi với kết quả xuất khẩu đạt gần 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 7,2%. Khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,6%) nhưng vẫn đạt 132,6 nghìn tấn.
Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại các thị trường truyền thống, cụ thể:
+ Philippines - thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 38,7% tổng lượng xuất khẩu, tương đương xuất khẩu đạt 3,14 triệu tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2022.
+ Indonesia - thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 14,5% trong tổng lượng xuất khẩu, tương đương 1,18 triệu tấn, tăng gần 10 lần về lượng so với cùng kỳ năm 2022.
+ Trung Quốc - là thị trường xuất khẩu gạo đứng thứ 3, chiếm trên 11,3% trong tổng lượng xuất khẩu, tương đương 918,3 nghìn tấn, tăng 10,1 % so với cùng kỳ năm 2022.
- Chủng loại gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng gia tăng giá trị cho hạt gạo. Chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt gần 40% tổng lượng xuất khẩu; tiếp đến là chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 34,2% tổng lượng xuất khẩu; chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8% tổng lượng xuất khẩu.
1.2. Kết quả xuất khẩu gạo quý I năm 2024
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 2,18 triệu tấn, tăng 17,8% về lượng; trị giá đạt 1,43 tỷ USD, tăng 45,6% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân 653,9 USD/tấn, tăng 23,6% về giá so với quý I năm 2023.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 1,01 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 641,7 USD/tấn, tăng 13,2% về lượng, tăng 44% về kim ngạch và tăng 27,3% về giá so với cùng kỳ năm 2023; Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2, chiếm trên 20% trong tổng lượng xuất khẩu của cả nước, đạt 445.326 tấn, tương đương 285,06 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 640 USD/tấn, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tiếp theo, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia, chiếm trên 4% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 98.917 tấn, tương đương 61,55 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 622,3 USD/tấn, tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch và tăng 24,7% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Một số chủng loại gạo xuất khẩu trong quý I năm 2024 vẫn được ưa chuộng trên thị trường: gạo thơm các loại (ST24, ST 25, ĐT8, Hàm Châu, Nàng Hoa v.v.), gạo jasmine, gạo japonica, gạo trắng 5% v.v. (Chi tiết thị trường, chủng loại xuất khẩu theo Phụ lục đính kèm).
2. Đánh giá chung tình hình xuất khẩu gạo thời gian qua
Mặc dù hoạt động thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành về các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 và quý I năm 2024 đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:
- Xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng cao. Tổng xuất khẩu gạo trong Quý I năm 2024 Việt Nam đã tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước và tăng trưởng tại tất cả các thị trường.
- Công tác điều hành xuất khẩu gạo đã góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa và đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu; đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.
- Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và chủng loại gạo mà Việt Nam có lợi thế ngày càng tăng mạnh như: gạo thơm, ST các loại, gạo trắng cao cấp, gạo japonica với giá xuất khẩu đã lập đỉnh sau 10 năm.
- Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như: EVFTA, CPTPP), cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, hay châu Phi, cũng đã mở rộng sang các thị trường “khó tính” như châu Âu ... với giá trị cao tuy khối lượng chưa lớn. Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính đồng thời cho thấy sự tận dụng tốt ưu đãi của các Hiệp định.
Bên cạnh đó, thương nhân cũng tận dụng tốt cơ hội trong những thách thức từ thị trường thương mại lương thực toàn cầu (như: sản lượng sản xuất lương thực giảm tại nhiều quốc gia và khu vực (Trung Quốc, Indonesia ...) do biến đổi khí hậu, tác động của hiện tượng El Nino; một số quốc gia điều chỉnh chính sách xuất khẩu lương thực (Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng, Nga và UAE cấm xuất khẩu gạo) để trở thành nguồn cung thay thế ở nhiều thị trường tiềm năng như Mỹ, Canada, Chile.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, cụ thể là:
- Chiến lược đa dạng hóa thị trường của thương nhân vẫn còn hạn chế, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia.
- Công tác phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng. Năm 2023, Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam mới tổ chức được 02 Chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường Hồng Kông, Trung Quốc (ít hơn rất nhiều so với tần suất các ngành hàng khác). Do vậy, tần suất và quy mô chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương, hiệu quả kỳ vọng từ các thương nhân, trong khi đây là công tác quan trọng, cần tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai đều đặn, đáp ứng tốt tín hiệu thị trường để kịp thời hỗ trợ thương nhân thâm nhập, mở rộng thị phần tại các khu vực tiềm năng.
- Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
- Theo quy định của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, thương nhân xuất khẩu chưa tận dụng được những “cải cách” của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng hàng này (Từ khi ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP đến nay, xuất khẩu chủng loại gạo này vẫn đang là các thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện).
- Chi phí sản xuất gia tăng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh, đẩy giá thành thu mua thóc, gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong khi giá chào gạo xuất khẩu chưa tăng nhiều. Bên cạnh đó, gạo xuất khẩu Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nguồn cung khác như Thái Lan, Myanmar, Pakistan.
- Giá cước vận tải quốc tế vẫn ở mức cao do hoạt động vận tải hàng hóa chịu tác động từ các diễn biến địa chính trị khu vực châu Âu và Trung Đông.
II. TÌNH HÌNH NGUỒN CUNG VÀ DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU GẠO
1. Về nguồn cung thóc, gạo hàng hóa và cân đối tiêu thụ, xuất khẩu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung tổng diện tích gieo cấy năm 2024 ước đạt 7,09 triệu ha, sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn thóc, giảm khoảng 35 nghìn tấn so với năm 2023.
Theo số liệu cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa cho xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung tình hình sản xuất cả nước năm 2024, sau khi trừ đi tiêu dùng nội địa, lượng thóc hàng hóa dùng cho xuất khẩu chủ yếu tập trung tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 15,2 triệu tấn thóc tương đương 7,6 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu[1]. Trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.
Về khả năng xuất khẩu, dự báo lượng gạo xuất khẩu năm 2024 như sau:
- Quý I đã xuất khẩu 2,18 triệu tấn.
- Quý II dự kiến xuất khẩu 2 triệu tấn (Tháng 4 ước tính xuất khẩu khoảng 1,0 triệu tấn).
Như vậy, lượng gạo dự kiến xuất khẩu trong Quý I và Quý II năm 2024 khoảng 4,18 triệu tấn.
- Quý III và Quý IV lượng gạo dự kiến còn lại để phục vụ xuất khẩu là 3,45 triệu tấn (7,6 triệu tấn - 4,18 triệu tấn = 3,45 triệu tấn)[2].
2. Giá thóc, gạo thị trường nội địa
a) Về giá mua thóc gạo định hướng
Ngày 22/01/2024, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 883/BTC-QLG về việc công bố giá mua thóc định hướng vụ Đông Xuân 2023 - 2024. Theo đó: i) mức giá thành sản xuất thóc kế hoạch vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024 tại các vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 3.566-5.461 đồng/kg; ii) mức giá thành sản xuất bình quân thóc kế hoạch vụ Đông Xuân 2023 - 2024 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 4.008 đồng/kg, tăng 162 đồng/kg so với vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023.
b) Về giá lúa gạo nội địa
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tuần từ 04/4 - 11/4/2024, giá lúa gạo nội địa bắt đầu đi ngang, điều chỉnh tăng nhẹ so với tuần trước do nguồn cung tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long không còn nhiều, cụ thể: bình quân giá lúa tươi tại ruộng ở mức 7.786 đồng/kg, tăng 243 đồng/kg so với tuần trước; gạo nguyên liệu ở mức 11.583 đồng/kg, tăng 413 đồng/kg; gạo thành phẩm 5% tấm ở mức 13.818 đồng/kg, tăng 225 đồng/kg.
Hiện trong nước đang bước vào cuối vụ Đông Xuân, vụ mùa lớn nhất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng dồi dào, phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu gạo. Theo trao đổi của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, do đây là khoảng thời gian thương nhân đàm phán, chuẩn bị thực hiện các hợp đồng lớn, cần thu mua gạo từ người trồng lúa nên giá gạo nội địa sẽ không tiếp tục giảm và có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường trên thế giới vẫn được dự báo ở mức cao hơn tổng cung toàn cầu nên giá gạo xuất khẩu vẫn được kỳ vọng tăng.
III. TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG VÀ DỰ BÁO XUẤT KHẨU GẠO NĂM 2024
1. Tình hình thị trường thương mại gạo thế giới
- Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn; các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia ... cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023- 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
- Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tỷ lệ các quốc gia và khu vực không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới. Vì vậy, gần 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa. Tuy các mặt hàng lúa mỳ và ngô là hai mặt hàng lương thực phân khúc tiêu dùng khác nhưng phần nào sẽ tác động đến giá gạo trong thời điểm nhất định.
2. Các yếu tố dự báo tác động lên hoạt động xuất khẩu gạo
- Về một số thuận lợi: xuất khẩu trong Quý I năm 2024 đã có dấu hiệu khá khả quan so với cùng kỳ năm 2023. Bối cảnh kinh tế thế giới dần có yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, cụ thể:
+ Tình hình kinh tế vĩ mô khả quan hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024 để thúc đẩy tăng trưởng và tiêu dùng.
+ Việt Nam tiếp tục tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu về việc xem xét tiến tới ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo tạo môi trường ổn định bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, mở rộng đàm phán, ký kết Bản ghi nhớ về thương mại gạo với các thị trường mới[3].
+ Việt Nam mới nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ trong năm 2023. Đồng thời, Việt Nam đã tổ chức đón, tiếp thành công chuyến thăm chính thức của nhiều nguyên thủ các nước; trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Các nội dung về hợp tác thương mại được thảo luận và xác lập hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các thị trường lớn này.
+ Các yếu tố của biến đổi khí hậu như nhiệt độ trung bình tăng cao, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ, thiên tai, v.v. đã tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp nói riêng và canh tác nông nghiệp nói chung trên thế giới; làm giảm nguồn cung nhiều mặt hàng, trong đó có gạo, nâng giá các mặt hàng này trên thị trường thế giới, đồng thời tạo ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận và trở thành nhà cung cấp thay thế tại nhiều thị trường.
- Về một số thách thức:
+ Tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 4-5/2024 có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo vụ Hè - Thu năm 2024.
+ Nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước, đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động của El Nino.
+ Theo Liên Hợp Quốc[4], tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 dự báo chỉ đạt 2,4%, thấp hơn mức 2,7% năm 2023; trong đó giảm mạnh ở Mỹ, EU, Trung Quốc nhưng tăng nhẹ ở Nam Á (tập trung ở Ấn Độ), châu Phi. Theo World Bank[5], dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2024 chỉ đạt một nửa mức bình quân trong thập kỷ trước dịch Covid-19 (2010-2020), tương đương 2,4%, thấp hơn mức 2,6% năm 2023. Như vậy, tình hình kinh tế, thương mại thế giới còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi hoàn toàn trong năm 2024.
Tuy kết quả xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2024 có tín hiệu tích cực nhưng vẫn cần quan sát, đánh giá nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ và EU do vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng, kinh tế vĩ mô chưa ổn định hoàn toàn. Đồng thời, quan sát và tận dụng tốt cơ hội ở một số quốc gia, khu vực khác ở châu Á, châu Phi; có kế hoạch phù hợp để đáp ứng trường hợp nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại, dự kiến phục hồi rõ rệt hơn trong nửa sau của năm 2024.
+ Những bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị khu vực và toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt tại khu vực châu Âu và Trung Đông, căng thẳng Biển Đỏ gây ảnh hưởng tới tâm lý giao thương, quá trình giao nhận, giá cả nhiều mặt hàng quan trọng (dầu, nguyên liệu sản xuất, lương thực...).
+ Xung đột Nga - Ukraine (hai nhà xuất khẩu lớn về lúa mì, ngô, dầu hướng dương) đã khiến cho nguồn cung của lúa mì, bắp, dầu hướng dương bị gián đoạn, đẩy giá những mặt hàng này lên cao và gây bất ổn trong nguồn cung các mặt hàng này. Theo FAO, tỷ lệ các quốc gia và khu vực không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới. Vì vậy, gần 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa. Tuy các mặt hàng lúa mỳ và ngô là hai mặt hàng lương thực thuộc phân khúc tiêu dùng khác nhưng phần nào sẽ tác động đến giá gạo trong thời điểm nhất định.
Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của công tác điều hành xuất khẩu gạo đã đề ra tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã tổng hợp và kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện “Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2023, Chỉ thị số 10/CT-TTg, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới, cụ thể như sau:
1. Đối với các Bộ, ngành, địa phương
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
-Tổ chức có hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, Đề án “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025” và Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng tham mưu, đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định quản lý thương hiệu nông sản Việt Nam trong đó có ngành hàng lúa gạo; phối hợp với Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam triển khai quản lý sử dụng Nhãn hiệu quốc gia Gạo Việt Nam/Vietnam Rice, rà soát việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về gạo Việt Nam.
- Rà soát tình hình sản xuất, tập trung sản xuất các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh và nhu cầu thị trường ổn định, có tiềm năng phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất lúa theo các vùng chuyên canh phục vụ xuất khẩu, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến bảo quản. Xây dựng liên kết ngành hàng, không chỉ lúa gạo mà cả các ngành khác có hệ thống sinh thái bền vững.
- Chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu hoạch lúa Hè Thu năm 2024 theo đúng thời vụ, giảm thiểu tổn thất sau khi thu hoạch; chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường lúa, gạo để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu
- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan rà soát, sửa đổi quy định về hạn ngạch xuất khẩu gạo tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU cho phù hợp với thực tế phát triển của sản xuất, xuất khẩu Việt Nam.
- Phối hợp với Bộ Công Thương đề nghị phía Trung Quốc bổ sung danh sách doanh nghiệp được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại gạo giữa hai nước.
- Thúc đẩy đàm phán song phương, đa phương để ký kết các Hiệp định, thỏa thuận quốc tế về sự phù hợp, công nhận lẫn nhau về kiểm dịch, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
b) Bộ Tài chính
- Tiếp tục phối hợp, cung cấp kịp thời số liệu và thông tin liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu gạo theo đề nghị của Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo và phối hợp trong công tác quản lý nhà nước.
- Hướng dẫn cụ thể để xử lý việc hoàn thuế GTGT hoặc cho phép doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho thương nhân xuất khẩu gạo.
c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng nhất là đối với doanh nghiệp thực hiện liên kết với tổ chức nông dân theo chính sách hiện hành.
- Xem xét kiến nghị của VFA về tổ chức đối thoại với thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để thông tin được chia sẻ và tiếp nhận đúng trọng tâm và phù hợp với thực tiễn.
d) Bộ Công Thương
- Để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo trong bối cảnh giá cả nhiều chủng loại hàng hóa trong đó có lương thực biến động hết sức khó lường, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với VFA theo dõi sát tình hình thị trường, động thái của các nước nhằm kịp thời đưa ra những khuyến nghị, động thái cần thiết.
- Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân để nhận thức đầy đủ về các quy định tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Hiệp định song phương như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, v.v. để tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho gạo Việt Nam.
- Tăng cường cảnh báo, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thương nhân trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo; nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng, củng cố đội ngũ thương nhân đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập.
- Tiếp tục linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống, khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ, v.v...; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam qua các hội chợ, triển lãm, tuần hàng, ngày lúa gạo Việt Nam, lễ quốc khánh Việt Nam tại các nước, kết hợp tổ chức hoạt động trải nghiệm, nếm thử hương vị gạo Việt Nam nhân các sự kiện này.
- Tăng cường công tác thông tin thị trường; duy trì chế độ báo cáo, cung cấp thông tin từ các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ nhất là tình hình các thị trường lớn để kịp đề xuất các biện pháp xử lý; chủ động có biện pháp ứng phó khi có diễn biến bất thường, thúc đẩy xuất khẩu gạo.
e) Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương
- Theo dõi sát tình hình sản xuất, giá thóc gạo biến động tại địa phương chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp cân đối, bình ổn kịp thời và phù hợp.
- Phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến xuất khẩu gạo; tăng cường các hoạt động vận động ngoại giao và vận động cơ quan có thẩm quyền của các nước dành sự quan tâm đến nguồn cung cấp gạo từ Việt Nam và tăng cường quan hệ thương mại gạo với Việt Nam.
- Chỉ đạo các cơ quan tham mưu tại địa phương theo dõi sát tình hình hoạt động của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, nhất là việc duy trì điều kiện kinh doanh, kịp thời báo cáo và đề xuất giải pháp đối với vấn đề phát sinh trong thực tế tại địa phương.
- Phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ, ngành đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam qua các hội chợ, triển lãm, tuần hàng, ngày lúa gạo Việt Nam, lễ quốc khánh Việt Nam tại các nước, kết hợp tổ chức hoạt động trải nghiệm, nếm thử hương vị gạo Việt Nam nhân các sự kiện này. Đồng thời, chỉ đạo thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn thường xuyên giữ liên hệ, cung cấp, gửi hàng mẫu, clips, ấn phẩm về các sản phẩm gạo xuất khẩu để các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trưng bày trong phòng mẫu và giới thiệu với các đối tác tại nước sở tại.
- Chỉ đạo thương nhân kinh doanh xuất khẩu trên địa bàn tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng, chủ động nắm bắt, nắm vững và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật và quy định về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm ... của Việt Nam cũng như của thị trường nước ngoài; chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho gạo Việt Nam tại các thị trường.
2. Đối với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo
a) Đối với Hiệp hội Lương thực Việt Nam
- Tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời báo cáo, kiến nghị rõ các biện pháp cần thiết trong công tác điều hành để thúc đẩy xuất khẩu, giữ thị trường; chủ động đề xuất giải pháp củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu gạo.
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong trao đổi, khuyến cáo các thương nhân đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu sang các thị trường quy định chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thực vật như EU, Hàn Quốc,...; nghiêm túc tuân thủ các quy định giao dịch, thương mại với các đối tác, không tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại, tránh việc thị trường nhập khẩu khởi xướng điều tra, gây ảnh hưởng đến uy tín ngành gạo Việt Nam.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của VFA, phát huy vai trò hỗ trợ thương nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm khách hàng, thị trường xuất khẩu gạo.
- VFA chủ động trao đổi, làm việc với 45 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc để thực hiện kịp thời và đầy đủ các công tác cần thiết nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu, điều kiện phía Bạn, cả về đăng ký và kiểm tra trong trường hợp cần thiết.
- Phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam qua các hội chợ, triển lãm, tuần hàng, ngày lúa gạo Việt Nam, lễ quốc khánh Việt Nam tại các nước, kết hợp tổ chức hoạt động trải nghiệm, nếm thử hương vị gạo Việt Nam nhân các sự kiện này. Đồng thời, chỉ đạo các hội viên trong Hiệp hội thường xuyên giữ liên hệ, cung cấp, gửi hàng mẫu, clips, ấn phẩm về các sản phẩm gạo xuất khẩu để các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trưng bày trong phòng mẫu và giới thiệu với các đối tác tại nước sở tại.
- Chỉ đạo các hội viên Hiệp hội nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng, chủ động nắm bắt, nắm vững và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật và quy định về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm ... của Việt Nam cũng như của thị trường nước ngoài; chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho gạo Việt Nam tại các thị trường.
b) Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo
- Duy trì điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, cụ thể: tổ chức thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu; bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước; thực hiện chế độ báo cáo và dự trữ lưu thông thóc, gạo và các chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường nhằm đa dạng hóa thị trường, tránh để lệ thuộc vào một thị trường; tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thế hệ mới mang lại như các khu vực thị trường mới ở châu Mỹ (Peru, Mexico), EU.
- Phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ, ngành, địa phương và VFA đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam qua các hội chợ, triển lãm, tuần hàng, ngày lúa gạo Việt Nam, lễ quốc khánh Việt Nam tại các nước, kết hợp tổ chức hoạt động trải nghiệm, nếm thử hương vị gạo Việt Nam nhân các sự kiện này. Đồng thời, thường xuyên giữ liên hệ, cung cấp, gửi hàng mẫu, clips, ấn phẩm về các sản phẩm gạo xuất khẩu để các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trưng bày trong phòng mẫu và giới thiệu với các đối tác tại nước sở tại.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng, chủ động nắm bắt, nắm vững và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật và quy định về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm ... của Việt Nam cũng như của thị trường nước ngoài; chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các thị trường.
- Tích cực liên hệ, trao đổi với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trước khi tiến hành các hoạt động giao thương để được cung cấp thêm thông tin về đối tác nhập khẩu, lưu ý về vấn đề thanh toán, điều khoản giao hàng, vận tải, bảo hiểm, giải quyết tranh chất... nhằm hạn chế rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
CƠ CẤU CHỦNG LOẠI, THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU GẠO QUÝ I NĂM 2024
Bảng 1: Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu
Chủng loại |
3T.2024 |
3T2023 |
So sánh 3T2024 với 3T2023 |
|
Số lượng (Tấn) |
Tỷ trọng |
Số lượng (Tấn) |
||
Gạo trắng thường các loại |
1,603,153.95 |
72.88 |
996,492.86 |
60.88 |
Gạo 5% |
1,407,225.76 |
63.97 |
763,552.62 |
84.30 |
Gạo trắng cao cấp |
12,030.28 |
0.55 |
26,824.00 |
(55.15) |
Gạo trắng khác |
183,897.91 |
8.36 |
206,116.23 |
(10.78) |
Gạo thơm |
304,372.82 |
13.84 |
512,244.54 |
(40.58) |
Gạo jasmine |
65,424.77 |
2.97 |
48,041.30 |
36.18 |
Gạo tăng cường vitamin |
1,272.39 |
0.06 |
4,100.14 |
(68.97) |
Gạo thơm khác |
237,675.66 |
10.81 |
459,033.10 |
(48.22) |
Gạo Japonica |
52,547.94 |
2.39 |
41,306.20 |
27.22 |
Gạo nếp |
127,231.79 |
5.78 |
158,763.44 |
(19.86) |
Gạo lứt |
2,429.06 |
0.11 |
17,807.74 |
(86.36) |
Gạo tấm các loại |
109,601.34 |
4.98 |
127,845.91 |
(14.27) |
Khác |
320.03 |
0.01 |
1,063.69 |
(69.91) |
(Nguồn: Tổng hợp từ TCHQ)
Bảng 2: Cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo
Thị trường |
3T.2024 |
3T2023 |
So sánh 3T2024 với 3T2023 |
|
Số lượng (Tấn) |
Tỷ trọng |
Số lượng (Tấn) |
||
Philippines |
1,011,399 |
46.35 |
893,254 |
13.23 |
Indonesia |
445,326 |
20.41 |
148,587 |
199.71 |
Trung Quốc |
81,648 |
3.74 |
340,385 |
(76.01) |
Ghana |
69,350 |
3.18 |
58,992 |
17.56 |
Malaysia |
98,917 |
4.53 |
76,816 |
28.77 |
Các nước khác |
475,393 |
21.79 |
336,827 |
41.14 |
TỔNG |
2,182,033 |
|
1,854,861 |
17.64 |
(Nguồn: Tổng hợp từ TCHQ)
TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG XUẤT NHẬP KHẨU GẠO CHÍNH
1. Ấn Độ
- Sản xuất: Cơ quan dự báo khí tượng Ấn Độ (IMD) đưa ra dự báo, từ tháng 4 đến tháng 6, Ấn Độ trải qua đợt nóng diện rộng kéo dài khoảng 10-20 ngày, điều này gây bất lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của Ấn Độ. Theo Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi Nông dân Ấn Độ, niên vụ 2023/24, sản lượng gạo nước này dự kiến ở mức 123,8 triệu tấn, giảm 1% so với dự kiến trước đó.
Theo số liệu của Tổng Công ty Lương thực Ấn Độ (FCI), tính đến ngày 01/01/2024, tồn kho gạo cả nước đạt 51,7 triệu tấn, đã bao gồm 50 triệu tấn lúa quy gạo, lần lượt tăng khoảng 22% so với thời điểm 01/12/2023 và 13% so với cùng kỳ năm trước.
- Xuất khẩu: Theo thông báo mới nhất vào ngày 15/3/2024, Ấn Độ tiếp tục áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati, gạo tấm và áp dụng thuế xuất khẩu 20% đối với thóc, gạo lứt và một số loại gạo khác trừ gạo đồ và basmati đến hết tháng 7 năm 2024 để kiềm chế giá lương thực của nước này, tiếp tục tác động đến tổng cung gạo toàn cầu.
2. Thái Lan
- Sản xuất: Theo thông tin từ Bộ Thương mại Thái Lan, do ảnh hưởng của El Nino, dự kiến sản lượng gạo năm 2024 của nước này đạt 19,15 triệu tấn (giảm 5,8% tương đương 1 triệu tấn so với năm 2023).
- Xuất khẩu: Tính đến hết tháng 02/2024, Thái Lan đã xuất khẩu 1,69 triệu tấn gạo, tăng 19% so với năm 2023 ; ước tính đến hết 3 tháng đầu năm 2024, nước này sẽ xuất khẩu khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, do sản lượng giảm, ước tính năm 2024, Thái Lan sẽ xuất khẩu 7,5 triệu tấn (giảm so với mức 8,7 triệu tấn của năm 2023) với các thị trường là Malaysia, Philippines, Nhật Bản và kỳ vọng tăng trưởng ở Iraq và châu Phi.
3. Campuchia
- Sản xuất: Tổng cục Nông nghiệp, thuộc Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia đã chính thức phát động chương trình “Tiêu chuẩn lúa gạo bền vững ở Campuchia (SRP)” để thúc đẩy sản xuất lúa gạo theo hệ thống giống thuần và nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu. Đây là một chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo đạt tiêu chuẩn cao, bền vững và hướng đến mục tiêu xuất khẩu của Campuchia sang thị trường quốc tế đạt một triệu tấn/năm kể từ năm 2025.
Hiện nay, chính phủ Campuchia đang đặt mục tiêu trở thành một trong 10 quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, đồng thời góp phần vào những nỗ lực rộng lớn hơn để trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.
- Xuất khẩu: Theo thông tin từ Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF), lũy kế xuất khẩu quý 1 năm 2024 đạt 166.451 tấn gạo xay xát các loại, giảm khoảng 5,7% so với cùng kỳ 2023. Cơ quan này cũng đặt mục tiêu xuất khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo mỗi năm, kể từ năm 2025.
4. Pakistan
Theo Cơ quan Thống kê Pakistan, lũy kế xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024 đạt 1,362 triệu tấn, tăng khoảng 51,55% so với cùng kỳ năm 2023. Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo xuất khẩu gạo của Pakistan trong năm 2024 sẽ đạt mức 4,9 triệu tấn, tăng 8% so với 2023, nhờ tồn kho mang sang nhiều và nhu cầu thế giới cao do Án Độ duy trì các chính sách hạn chế xuất khẩu.
II. Tình hình các nước nhập khẩu
1. Philippines
- Sản xuất: Bộ Nông nghiệp Philippiens, năm 2024, sản lượng lúa dự kiến của Philippiens đạt khoảng 20,88 triệu tấn, tăng 0,82 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), do tác động của El Nino đã ảnh hưởng đến sản lượng lúa của nước này sản lượng lúa của Philippies trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4,68 triệu, giảm 0,1 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2023, giảm 2,8% so với dự báo tháng trước của PSA.
- Nhập khẩu: Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), dự báo nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2024 vào khoảng 4,1 triệu tấn, cao hơn con số 3,65 triệu tấn cả năm 2023 theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Philippines. Bên cạnh đó, Tổng thống Philippines đã chấp thuận gia hạn thời gian giảm thuế đối với gạo và các mặt hàng thực phẩm khác cho đến cuối năm 2024 nhằm đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lo ngại về điều kiện thời tiết khô hạn do El Nino gây ra. Như vậy, thuế suất đối với gạo nhập khẩu sẽ vẫn ở mức 35%.
2. Indonesia
- Sản xuất: Chính phủ thông qua đề xuất mở rộng ngân sách hỗ trợ đối với mảng phân bón đầu vào nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nước. Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng đã làm trễ tiến độ xuống giống và thời gian thu hoạch làm ảnh hưởng đến sản lượng gạo của nước này.
- Nhập khẩu: Chính phủ Indonesia dự kiến nhập khẩu gạo năm 2024 khoảng 3,6 triệu tấn, tăng thêm 1,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023. Tính đến hết tháng 3 năm 2024, Indoneisa đã nhập khẩu khoảng 1,2- 1,3 triệu tấn gạo từ các nước: Việt Nam, Thái Lan ... nhằm ổn định nguồn cung lương thực trong nước.
3. Trung Quốc
- Sản xuất: Diện tích canh tác nông nghiệp Trung Quốc dần thu hẹp do ảnh hưởng của El Nino và đô thị hóa. Trong 3 năm vừa qua, diện tích trồng lúa của Trung Quốc liên tục giảm còn hơn 28 triệu ha vào năm 2023. Sản lượng lúa cũng liên tiếp giảm trong 2 năm vừa qua.
- Nhập khẩu: Hạn ngạch nhập khẩu gạo năm 2024 là 5,32 triệu tấn, trong đó hạn ngạch dành cho gạo hạt dài là 2,66 triệu tấn và gạo hạt ngắn là 2,66 triệu tấn. về cơ bản, hạn ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc không thay đổi trong những năm trở lại đây. Trên thực tế, trong năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 2,63 triệu tấn. USDA dự báo năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 1,9 triệu tấn. Trong cơ cấu chủng loại gạo nhập khẩu, gạo chất lượng cao và gạo tấm dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục có xu hướng tăng tỷ trọng.
4. Khu vực Tây Á - châu Phi
Tình hình căng thẳng, bất ổn tại Biển Đỏ và giá dầu tăng có tác động mạnh đến giá gạo xuất khẩu sang châu Phi, đặc biệt là các thị trường chính ở khu vực Tây Phi như Ghana, Bờ Biển Ngà, Senegal (do tăng chi phí vận tải, logistics). Tình hình này càng làm cho các nước châu Phi khó khăn hơn khi muốn nhập khẩu gạo từ các nhà cung cấp Đông Nam Á. Do giá cả trong nước tăng cao và thiếu hụt nguồn cung lương thực, một số nước châu Phi như Sierra Leone, Bờ Biển Ngà trong năm 2023 đã rất quan tâm và đặt vấn đề mua gạo Việt Nam với giá ưu đãi.
Theo dự báo của USDA, các nước Tây Á - Châu Phi có nhu cầu nhập khẩu khoảng 27 triệu tấn gạo trong năm 2024, tăng 6,2% so với năm 2023. Nguyên nhân tăng nhu cầu nhập khẩu là do nhiêu quốc gia chủ động nhập khẩu gạo để dự trữ, phòng trường hợp giá lương thực lại tiếp tục tăng do diễn biến phức tạp tại khu vực. Theo dự báo của USDA, niên vụ 2024/2025, nhu cầu tiêu thụ gạo của Bờ Biển Ngà ước đạt 2,5 triệu tấn, nhu cầu nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn. Nhu cầu tiêu thụ gạo của Ghana ước đạt 1,6 triệu tấn, nhu cầu nhập khẩu khoảng 750 ngàn tấn./.
[1] Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 là 4,38 triệu tấn và 6 tháng cuối năm 2024 là 3,22 triệu tấn.
[2] Xuất khẩu gạo luôn bám sát mục tiêu của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo là tiêu thụ thóc, gạo cho người nông dân và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu của doanh nghiệp.
[3] - Ngày 01/11/2023, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết với Bộ Công nghiệp nhẹ, Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ về Bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ. Trong đó Việt Nam luôn sẵn sàng cung cấp 30.000 tấn gạo nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mông Cổ trong thời gian tới.
- Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Philippines từ ngày 29- 31/01/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo. Theo đó, trong giai đoạn 2024-2028, trừ trường hợp thiên tai, mất mùa, Việt Nam sẵn sàng cung cấp cho Philippines số lượng hàng năm lên tới 1,5 - 2,0 triệu tấn gạo trắng, đồng thời thống nhất triển khai một số biện pháp trao đổi thông tin, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại gạo hai nước.
[4] Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề Kinh tế và Xã hội (Department of economic and social affairs, United Nation)
[5] Báo cáo Kinh tế toàn cầu 2024 (Global Economic Prospects 2024)
Công văn 3356/BCT-XNK về tình hình xuất khẩu gạo năm 2023, Quý I năm 2024 và dự báo xuất khẩu gạo trong thời gian tới do Bộ Công thương ban hành
Số hiệu: | 3356/BCT-XNK |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Công thương |
Người ký: | Nguyễn Sinh Nhật Tân |
Ngày ban hành: | 20/05/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 3356/BCT-XNK về tình hình xuất khẩu gạo năm 2023, Quý I năm 2024 và dự báo xuất khẩu gạo trong thời gian tới do Bộ Công thương ban hành
Chưa có Video