TỔNG CỤC THUẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 99438/CTHN-TTHT |
Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2020 |
Kính gửi: Công ty cổ phần Everpia
(Địa chỉ: Cụm
dân cư Nội Thương, Xã Dương Xá, Huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội - MST: 0101402121)
Trả lời công văn số 2210/20/EP-ACC nhận ngày 23/10/2020 của Công ty cổ phần Everpia (sau đây gọi tắt là Công ty) điều kiện áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với hàng xuất khẩu tại chỗ, gia công xuất khẩu chuyển tiếp, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ điều 43 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật quản lý ngoại thương:
"Điều 43. Gia công chuyển tiếp
Thương nhân được quyền gia công chuyển tiếp, cụ thể như sau:
1. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này được sử dụng làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam.
2. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo”
- Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
+ Tại Điều 63 quy định:
"Điều 63. Thủ tục giao, nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp
1. Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo qui định tại Điều 33 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP phải làm thủ tục hải quan như thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 86 Thông tư này.
2. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân Bên giao, Bên nhận chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sản phẩm gia công chuyển tiếp được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư của hợp đồng gia công và được sử dụng đúng mục đích gia công.
3. Trường hợp hợp đồng gia công có sản phẩm gia công chuyển tiếp (hợp đồng gia công giao) và hợp đồng gia công sử dụng sản phẩm gia công chuyển tiếp làm nguyên liệu gia công (hợp đồng gia công nhận) cùng một tổ chức, cá nhân nhận gia công thì tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ của cả Bên giao và Bên nhận.”
+ Tại điểm c khoản 1 điều 86 quy định:
“Điều 86. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ gồm:
...c) Hàng hóa mua hán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.”
- Tại khoản 58 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại thông tư số 38/2015/TT-BTC
“58. Khoản 3, 4, 5 Điều 86 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Hồ sơ hải quan
Hồ sơ hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.
Trường hợp hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thì người khai hải quan sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính thay cho hóa đơn thương mại. Riêng trường hợp cho thuê tài chính đối với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thì người khai hải quan không phải nộp hóa đơn thương mại hoặc hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng.
4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông quan hàng hóa xuất khẩu, người nhập khẩu tại chỗ phải làm thủ tục hải quan.
5. Thủ tục hải quan
a) Trách nhiệm của người xuất khẩu:
a.1) Khai thông tin tờ khai hải quan xuất khẩu và khai vận chuyển kết hợp, trong đó ghi rõ vào ô “Điểm đích cho vận chuyển bảo thuế” là mã địa điểm của Chi cục Hải quan làm thủ tục hải quan nhập khẩu và ô tiêu chí “Số quản lý nội bộ của doanh nghiệp” trên tờ khai xuất khẩu phải khai như sau: #&XKTC hoặc tại ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan giấy;
a.2) Thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa theo quy định;
a.3) Thông báo việc đã hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu để người nhập khẩu thực hiện thủ tục nhập khẩu và giao hàng hóa cho người nhập khẩu;
a.4) Tiếp nhận thông tin tờ khai nhập khẩu tại chỗ đã hoàn thành thủ tục hải quan từ người nhập khẩu tại chỗ để thực hiện các thủ tục tiếp theo.
b) Trách nhiệm của người nhập khẩu:
b.1) Khai thông tin tờ khai hải quan nhập khẩu theo đúng thời hạn quy định trong đó ghi rõ số tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ tương ứng tại ô “Số quản lý nội bộ doanh nghiệp” như sau: #&NKTC#& số tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ tương ứng hoặc tại ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan giấy;
b.2) Thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo quy định;
b.3) Ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ thì thông báo việc đã hoàn thành thủ tục cho người xuất khẩu tại chỗ để thực hiện các thủ tục tiếp theo;
b.4) Chỉ được đưa hàng hóa vào sản xuất, tiêu thụ sau khi hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan.
c) Trách nhiệm của cơ quan hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu:
c.1) Thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Chương II Thông tư này;
c.2) Theo dõi những tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa thực hiện thủ tục nhập khẩu tại chỗ và thông báo cho Chi cục Hải quan nơi dự kiến làm thủ tục nhập khẩu để quản lý, theo dõi, đôn đốc người nhập khẩu tại chỗ thực hiện thủ tục hải quan.
d) Trách nhiệm của cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu:
…”
- Căn cứ Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT:
+ Tại Điều 9 quy định về thuế suất 0%:
“1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; ...
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
a) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả ủy thác xuất khẩu;
- Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế;
- Hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam;
- Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam;
- Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật:
+ Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài.
+ Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật.
+ Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.
…
đ) Các hàng hóa, dịch vụ khác:
…
- Hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;
…
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
a) Đối với hàng hóa xuất khẩu:
- Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;
- Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
- Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.
…”
+ Tại Điều 11 quy định thuế suất 10%:
“Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại.
…”
+ Tại Điều 14 quy định nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (đã được bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính)
+ Tại Điều 15 quy định điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính)
+ Tại Điều 16 quy định về điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
“Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (trừ các trường hợp hướng dẫn Điều 17 Thông tư này) để được khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT đầu vào phải có đủ điều kiện và các thủ tục nêu tại khoản 2 Điều 9 và khoản 1 Điều 15 Thông tư này, cụ thể như sau:
1. Hợp đồng bán hàng hóa, gia công hàng hóa (đối với trường hợp gia công hàng hóa), cung ứng dịch vụ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu là hợp đồng ủy thác xuất khẩu và biên bản thanh lý hợp đồng ủy thác xuất khẩu (trường hợp đã kết thúc hợp đồng) hoặc biên bản đối chiếu công nợ định kỳ giữa bên ủy thác xuất khẩu và bên nhận ủy thác xuất khẩu có ghi rõ: số lượng; chủng loại sản phẩm, giá trị hàng ủy thác đã xuất khẩu; số, ngày hợp đồng xuất khẩu của bên nhận ủy thác xuất khẩu ký với nước ngoài; số, ngày, số tiền ghi trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng với nước ngoài của bên nhận ủy thác xuất khẩu; số, ngày, số tiền ghi trên chứng từ thanh toán của bên nhận ủy thác xuất khẩu thanh toán cho bên ủy thác xuất khẩu; số, ngày tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu của bên nhận ủy thác xuất khẩu.
2. Tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Đối với cơ sở kinh doanh xuất khẩu sản phẩm phần mềm dưới các hình thức tài liệu, hồ sơ, cơ sở dữ liệu đóng gói cứng để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào, cơ sở kinh doanh phải đảm bảo thủ tục về tờ khai hải quan như đối với hàng hóa thông thường.
Riêng các trường hợp sau không cần tờ khai hải quan:
…
3. Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải thanh toán qua ngân hàng
a) Thanh toán qua ngân hàng là việc chuyển tiền từ tài khoản của bên nhập khẩu sang tài khoản mang tên bên xuất khẩu mở tại ngân hàng theo các hình thức thanh toán phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của ngân hàng. Chứng từ thanh toán tiền là giấy báo Có của ngân hàng bên xuất khẩu về số tiền đã nhận được từ tài khoản của ngân hàng bên nhập khẩu. Trường hợp thanh toán chậm trả, phải có thỏa thuận ghi trong hợp đồng xuất khẩu, đến thời hạn thanh toán cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Trường hợp ủy thác xuất khẩu thì phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng của phía nước ngoài cho bên nhận ủy thác và bên nhận ủy thác phải thanh toán tiền hàng xuất khẩu qua ngân hàng cho bên ủy thác. Trường hợp bên nước ngoài thanh toán trực tiếp cho bên ủy thác xuất khẩu thì bên ủy thác phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và việc thanh toán như trên phải được quy định trong hợp đồng.
b) Các trường hợp thanh toán dưới đây cũng được coi là thanh toán qua ngân hàng:
…
d) Các trường hợp xuất khẩu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng được khấu trừ, hoàn thuế:
d.1) Đối với trường hợp bên nước ngoài mất khả năng thanh toán, cơ sở xuất khẩu hàng hóa phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ sau để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng:
- Tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đã đăng ký với cơ quan hải quan tại nước nhập khẩu hàng hóa (01 bản sao); hoặc
- Đơn khởi kiện đến tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước nơi người mua cư trú kèm giấy thông báo hoặc kèm giấy tờ có tính chất xác nhận của cơ quan này về việc thụ lý đơn khởi kiện (01 bản sao); hoặc
- Phán quyết thắng kiện của tòa án nước ngoài cho cơ sở kinh doanh (01 bản sao); hoặc
- Giấy tờ của tổ chức có thẩm quyền nước ngoài xác nhận (hoặc thông báo) bên mua nước ngoài phá sản hoặc mất khả năng thanh toán (01 bản sao).
…”
+ Tại Điều 17 quy định:
“Điều 17. Điều kiện khấu trừ; hoàn thuế GTGT đầu vào đối với một số trường hợp hàng hóa được coi như xuất khẩu
1. Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài:
a) Hợp đồng gia công xuất khẩu và các phụ kiện hợp đồng (nếu có) ký với nước ngoài, trong đó ghi rõ cơ sở nhận hàng tại Việt Nam.
b) Hóa đơn GTGT ghi rõ giá gia công và số lượng hàng gia công trả nước ngoài (theo giá quy định trong hợp đồng ký với nước ngoài) và tên cơ sở nhận hàng theo chỉ định của phía nước ngoài.
c) Phiếu chuyển giao sản phẩm gia công chuyển tiếp (gọi tắt là Phiếu chuyển tiếp) có đủ xác nhận của bên giao, bên nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp và xác nhận của Hải quan quản lý hợp đồng gia công của bên giao, bên nhận.
d) Hàng hóa gia công cho nước ngoài phải thanh toán qua Ngân hàng theo hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư này.
Về thủ tục giao nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp và Phiếu chuyển tiếp thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.
…
2. Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật:
a) Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng gia công có chỉ định giao hàng tại Việt Nam;
b) Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu - nhập khẩu tại chỗ đã làm xong thủ tục hải quan;
c) Hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn xuất khẩu ghi rõ tên người mua phía nước ngoài, tên doanh nghiệp nhận hàng và địa điểm giao hàng tại Việt Nam;
d) Hàng hóa bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng tại Việt Nam phải thanh toán qua ngân hàng bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 16 Thông tư này. Trường hợp người nhập khẩu tại chỗ được phía nước ngoài ủy quyền thanh toán cho người xuất khẩu tại chỗ thì đồng tiền thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối.
đ) Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với quy định tại giấy phép đầu tư.
…
Các trường hợp cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu hoặc hàng hóa được coi như xuất khẩu hướng dẫn tại Điều 16, Điều 17 Thông tư này nếu đã có xác nhận của cơ quan Hải quan (đối với hàng hóa xuất khẩu) nhưng không có đủ các thủ tục, hồ sơ khác đối với từng trường hợp cụ thể thì không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Riêng đối với trường hợp hàng hóa gia công chuyển tiếp và hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nếu không có đủ một trong các thủ tục, hồ sơ theo quy định thì phải tính và nộp thuế GTGT như hàng hóa tiêu thụ nội địa. Đối với cơ sở kinh doanh có dịch vụ xuất khẩu nếu không đáp ứng điều kiện về thanh toán qua ngân hàng hoặc được coi như thanh toán qua ngân hàng thì không được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%, không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế đầu vào.”
Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Về thuế suất thuế GTGT đầu ra:
Trường hợp hoạt động bán hàng cho khách hàng tại Hàn Quốc của Công ty có đầy đủ các tài liệu về hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng gia công ký với nước ngoài trong đó ghi rõ cơ sở nhận hàng tại Việt Nam; chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật; tờ khai hải quan đã làm xong thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật và hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn xuất khẩu ghi rõ tên người mua phía nước ngoài, tên doanh nghiệp nhận hàng và địa điểm giao hàng tại Việt Nam...theo hướng dẫn tại Điều 17 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì đủ điều kiện áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%. Trường hợp không có đủ một trong các thủ tục, hồ sơ theo quy định thì phải tính và nộp thuế GTGT như đối với hàng hóa tiêu thụ nội địa.
- Về khấu trừ thuế GTGT đầu vào:
Trường hợp Công ty không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do bên nước ngoài mất khả năng thanh toán, Công ty phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn tại điểm d.1 Khoản 3 Điều 16 Thông tư 216/2013/TT-BTC để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng của lô hàng xuất khẩu tại chỗ, gia công xuất khẩu chuyển tiếp theo quy định.
Trường hợp Công ty không đáp ứng điều kiện về thanh toán qua ngân hàng hoặc không cung cấp đủ giấy tờ thay thế chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo quy định thì không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào tương ứng của lô hàng xuất khẩu nêu trên.
Đề nghị Công ty căn cứ vào tình hình thực tế, đối chiếu với các quy định tại văn bản pháp luật về thuế và hải quan để thực hiện chính sách thuế theo đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng mắc, Công ty có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm Tra số 5 để được hỗ trợ giải quyết.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty cổ phần Everpia được biết và thực hiện./.
|
KT. CỤC TRƯỞNG |
Công văn 99438/CTHN-TTHT năm 2020 về điều kiện áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% đối với hàng xuất khẩu tại chỗ, gia công xuất khẩu chuyển tiếp do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: | 99438/CTHN-TTHT |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Cục thuế thành phố Hà Nội |
Người ký: | Nguyễn Tiến Trường |
Ngày ban hành: | 16/11/2020 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 99438/CTHN-TTHT năm 2020 về điều kiện áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% đối với hàng xuất khẩu tại chỗ, gia công xuất khẩu chuyển tiếp do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
Chưa có Video