BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2271/TCT/NV2 |
Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 2001 |
Kính gửi: |
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Trả lời công văn số 430/NHNH-CNH ngày 9/5/2001 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam "V/v xin miễn thuế của EIB" và công văn số 75/HHVP ngày 23/4/2001 của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam "kiến nghị một số vấn đề về thuế trong lĩnh vực ngân hàng", Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1/ Về xác định doanh thu, chi phí năm 2000 thực hiện theo Thông tư số 92/2000/TT-BTC của Bộ Tài chính "Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 166/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng". Riêng đối với Ngân hàng thương mại quốc doanh năm 2000 thực hiện theo quy định tại công văn số 5038/TC/TCNH ngày 1/12/2000 của Bộ Tài chính.
2/ Về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung:
Bộ Tài chính đã có công văn số 4089 TC/TCT ngày 4/10/2000 trong đó quy định số thuế thu nhập bổ sung được điều tiết trên phân thu nhập còn lại (sau khi nộp thuế TNDN theo thuế suất 32%) nếu cao hơn 12% giá trị vốn chủ sở hữu. Việc nộp thuế thu nhập bổ sung áp dụng cho mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh có thu nhập sau thuế vượt 12% vốn chủ sở hữu, không phân biệt ngành nghề, hình thức, quy mô kinh doanh, lợi thế cạnh tranh... Do vậy không nên đặt vấn đề hướng dẫn tiếp lợi thế khách quan...
Về vốn chủ sở hữu để tính thuế thu nhập bổ sung chỉ tính phần vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh. Do vậy quỹ khen thưởng, phúc lợi, vốn vay không được coi là vốn chủ sở hữu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung.
Về mức miễn thu thuế thu nhập bổ sung: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2001/NĐ-CP ngày 4/6/2001 trong đó quy định nâng phần vượt thu nhập còn lại (sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất 32%) từ mức 12% lên mức vượt 20% vốn chủ sở hữu hiện có. Do vậy đã giảm mức độ điều tiết thuế thu nhập bổ sung với các doanh nghiệp.
3/ Về thu sử dụng vốn NSNN: Chính phủ đã có Nghị quyết số 05/2001/NQ-CP ngày 24/5/2001 đề cập về vấn đề này như sau: "Từ năm 2001, thực hiện mức thu sử dụng vốn thống nhất theo tỷ lệ 0,15% tháng đối với vốn nhà nước có tại doanh nghiệp". Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện.
4/ Khoản chênh lệch giá do đánh giá lại ngoại tệ: Được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2001/TT -BTC ngày 5/6/2001 và Thông tư số 44/TC/TCDN ngày 8/7/1997 của Bộ Tài chính. Theo quy định này chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ được xử lý cụ thể như sau:
- Đối với chênh lệch tỷ giá phát sinh do việc đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ ngắn hạn (1 năm trở xuống) có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính thì không hạch toán vào thu nhập, chi phí mà để số dư trên báo cáo tài chính, đầu năm sau ghi bút toán ngược lại để xoá số dư. Khoản chênh lệch này không phải kê khai để nộp thuế GTGT và TNDN.
- Đối với chênh lệch tỉ giá phát sinh do việc đánh giá lại số dư cuối năm các khoản nợ phải thu dài hạn (trên 1 năm) có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính được xử lý theo quy định tại điểm 2.2, mục II Thông tư số 44 TC/TCDN nêu trên của Bộ Tài chính.
5/ Việc xác định chi phí hợp lý để tính thu nhập chịu thuế thực hiện theo quy định tại Thông tư số 99/1998/TT-BTC ngày 14/7/1998 và công văn số 4089 TC/TCT ngày 4/10/2000 của Bộ Tài chính. Theo đó thì các khoản chi cho Hội đồng quản trị (HĐQT) và chi phục vụ công tác của ban kiểm soát gắn với hoạt động kinh doanh của Ngân hàng và có hoá đơn, chứng từ hợp lệ được chấp nhận là chi phí hợp lệ. Về tiền lương, không được hạch toán vào chi phí khoản chi phí tiền lương của chung Hội đồng quản trị trừ các thành viên (HĐQT) trực tiếp tham gia điều hành ngân hàng. Như vậy là đối với các khoản chi hợp lý dưới dạng tiền lương, tiền công, hoặc các khoản chi tương tự (mà chế độ tài chính cho phép) cho các đối tượng không cấp được hoá đơn thì chỉ cần chứng từ chi theo chế độ kế toán; các khoản chi mua hàng hoá, dịch vụ của các cơ sở kinh doanh bắt buộc sử dụng hoá đơn theo quy định.
6/ Về thuế thu nhập cá nhân với người có thu nhập cao: các khoản chi bằng tiền về trang phục, ăn giữa ca được tổng hợp vào thu nhập chịu thuế của cá nhân để xác định thu nhập chịu thuế, số thuế phải nộp theo chế độ hiện hành.
7/ Về việc khấu trừ thuế phải nộp của các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã có công văn số 4245 TC/TCT ngày 10/5/2001 hướng dẫn cụ thể thuế khấu trừ tại nguồn đối với lãi tiền vay như sau:
"Căn cứ theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Thông tư số 169/1998/TT-BTC ngày 22/12/1998 của Bộ Tài chính, lãi tiền vay bao gồm cả lãi tiền gửi, thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Các ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp trước khi chi trả lãi cho các đối tượng gửi tiền tại ngân hàng. Việc khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với các khoản lãi tiên gửi phát sinh kể từ ngày 1/1/2001.
Riêng lãi tiền gửi phát sinh từ tài khoản đứng tên của cá nhân nước ngoài kinh doanh, để khuyến khích các cá nhân gửi tiền tại Việt Nam, tạm thời chưa thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản lãi tiền gửi này của các cá nhân nước ngoài".
Về việc cung cấp biên lai thu thuế để cấp cho đối tượng nộp thuế, đề nghị các đơn vị khấu trừ thuế liên hệ với cơ quan thuế trực tiếp quản lý để nhận biên lai thuế về sử dụng theo quy định hiện hành.
8/ Về GTGT tính thuế của hoạt động kinh doanh ngoại tệ được thực hiện theo quy định tại tiết 2 mục III, phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính. Theo quy định này GTGT là chênh lệch giữa doanh số bán ra trừ (-) giá vốn ngoại tệ bán ra.
9/ Việc phân bổ thuế GTGT đầu vào để khấu trừ cho hoạt động chịu thuế được thực hiện theo quy định tại tiết c, điểm 1, mục III phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính. Cụ thể là cơ sở kinh doanh có thể đăng ký với cơ quan thuế tỉ lệ tạm tính hàng tháng theo tỉ lệ doanh số chịu thuế và tổng doanh số chịu thuế và không chịu thuế năm trước hoặc tỉ lệ tạm tính hàng tháng, khi quyết toán năm sẽ điều chỉnh theo thực tế.
10/ Các quy định về hoá đơn, chứng từ theo Thông tư số 157/TT-BTC ngày 12/12/1998 của Bộ Tài chính, các loại chứng từ (hoá đơn) ngân hàng tự in theo mẫu đã được Tổng cục Thuế chấp nhận cho sử dụng theo công văn số 636 TCT/NV2 ngày 30/1/1999 và công văn số 3749 TCT/NV2 ngày 22/7/1999 và công văn số 261 TCT/NV2 ngày 19/1/2001 của Tổng cục Thuế đến nay vẫn được coi là hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định tại điểm 4, mục IV, phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính.
11/ Các kiến nghị khác về: thuế suất thuế GTGT hoạt động dịch vụ ngân hàng, miễn thuế GTGT đối với hoạt động bán tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng, phân bổ trong thời gian ngắn hơn các khoản tiền thuê đất trả trước 99 năm hoặc 50 năm, Tổng cục Thuế ghi nhận ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam để nghiên cứu, tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung, sửa đổi. Riêng vướng mắc về thuế GTGT đối với hoạt động bán tài sản thế chấp, Tổng cục Thuế sẽ báo cáo Bộ Tài chính và có văn bản hướng dẫn riêng cho trường hợp này./.
|
KT/
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ |
Công văn 2271TCT/NV2 về các kiến nghị về thuế do Tổng cục Thuế ban hành
Số hiệu: | 2271TCT/NV2 |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Tổng cục Thuế |
Người ký: | Nguyễn Thị Cúc |
Ngày ban hành: | 21/06/2001 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 2271TCT/NV2 về các kiến nghị về thuế do Tổng cục Thuế ban hành
Chưa có Video