TỔNG CỤC THUẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15990/CT-TTHT |
Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2020 |
Kính gửi: Công ty TNHH Kiểm toán và
tư vấn Tín Việt AICA- Chi nhánh Hà Nội
(Địa chỉ: Tầng 10 Tòa nhà Charmvit Tower, 117 Trần Duy Hưng, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội,
MST: 0309440694-004)
Trả lời công văn không số nhận ngày 20/1/2020 của Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn Tín Việt AICA- Chi nhánh Hà Nội hỏi về giao dịch liên kết, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
+ Tại Khoản 3 Điều 4 giải thích từ ngữ
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
...3. “Giao dịch liên kết” là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.”
+ Tại Điều 5 quy định các bên có quan hệ liên kết
“Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết
1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:
a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
2. Các bên liên kết tại khoản 1 Điều này được quy định cụ thể như sau:
a) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
b) Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
c) Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;
d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;
đ) Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;
e) Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;
g) Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, ông nội, bà nội, cháu nội, ông ngoại, bà ngoại, cháu ngoại, cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột;
h) Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
i) Một hoặc nhiều doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;
k) Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia.”
+ Tại Khoản 3 Điều 8 quy định xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù
“Điều 8. Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù
...3. Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.
Quy định này không áp dụng với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm.
Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”
+ Tại Khoản 2 Điều 11 quy định các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết
“Điều 11. Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết
...2. Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này nhưng được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong các trường hợp sau:
a) Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng;
…”
+ Tại Khoản 3 Điều 10 quy định quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết
“3. Người nộp thuế có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này có trách nhiệm kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.”
Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội trả lời theo nguyên tắc như sau:
1. Trường hợp trong kỳ tính thuế, Công ty chỉ phát sinh giao dịch liên kết từ hoạt động vay, cho vay với bên có quan hệ liên liên kết mà tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ dưới 30 tỷ đồng thì Công ty được miễn lập hồ sơ xác định giao dịch liên kết nhưng vẫn có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP nêu trên.
2. Trường hợp cá nhân không góp vốn vào Công ty nhưng trực tiếp điều hành Công ty thì Công ty và cá nhân này là các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 20/2017/NĐ-CP nêu trên. Nếu Công ty và bên có quan hệ liên kết phát sinh giao dịch liên kết quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 20/2017/NĐ-CP thì Công ty có trách nhiệm kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
3. Việc doanh nghiệp có khoản vốn vay tại ngân hàng (không phải vay của doanh nghiệp khác) thuộc trường hợp điều chỉnh của Điểm d Khoản 2 Điều 5 Nghị định 20/2017/NĐ-CP có bị khống chế lãi vay theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP hay không, Cục Thuế TP Hà Nội đang có công văn báo cáo, xin ý kiến Tổng cục Thuế. Khi có công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ hướng dẫn đơn vị.
Trong quá trình thực hiện, nếu còn vướng mắc, đề nghị Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn Tín Việt AICA - Chi nhánh Hà Nội cung cấp hồ sơ cụ thể và liên hệ với Phòng Thanh kiểm tra thuế số 8 để được hướng dẫn cụ thể.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn Tín Việt AICA - Chi nhánh Hà Nội được biết và thực hiện./.
|
KT. CỤC
TRƯỞNG |
Công văn 15990/CT-TTHT năm 2020 về giao dịch liên kết do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: | 15990/CT-TTHT |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Cục thuế thành phố Hà Nội |
Người ký: | Nguyễn Tiến Trường |
Ngày ban hành: | 30/03/2020 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 15990/CT-TTHT năm 2020 về giao dịch liên kết do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
Chưa có Video