Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 163/TANDTC-PC
V/v giải đáp một số vướng mắc trong xét xử

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự;
- Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

Qua công tác tổng kết thực tiễn xét xử, Tòa án nhân dân tối cao nhận được phản ánh của các Tòa án về một số vướng mắc khi giải quyết các vụ việc. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

I. HÌNH SỰ, TỐ TỤNG HÌNH SỰ

1. Điều 63 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên, trong đó phải có điều kiện “Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”. Trường hợp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong bản án có tuyên cha mẹ bị cáo phải bồi thường cho bị hại. Tuy nhiên, Điều 105 của Bô luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người dưới 18 tuổi không quy định về điều kiện phải bồi thường, nếu cha mẹ của phạm nhân không thực hiện việc bồi thường thì phạm nhân là người dưới 18 tuổi có được giảm mức hình phạt đã tuyên không (các điều kiện khác đều đảm bảo)?

Theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người dưới 18 tuổi thì không quy định điều kiện bồi thường là một trong các điều kiện được xét giảm. Do đó, việc cha mẹ của người dưới 18 tuổi không thực hiện việc bồi thường thì họ vẫn được giảm mức hình phạt đã tuyên.

2. Nguyễn Văn A có hành vi phá két sắt nhằm mục đích trộm cắp tài sản và đã lấy được số tiền 5.000.000 đồng; két sắt do Nguyễn Văn A hủy hoại có giá trị 10.000.000 đồng. Trường hợp này, Nguyễn Văn A chỉ phạm 01 tội là “Tội trộm cắp tài sản” hay phạm 02 tội là “Tội trộm cắp tài sản” và “Tội hủy hoại tài sản”.

Mặc dù Nguyễn Văn A chỉ có động cơ, mục đích là trộm cắp nhưng buộc Nguyễn Văn A phải nhận thức hành vi phá két sắt là hủy hoại tài sản của người khác. Vì vậy, hành vi của Nguyễn Văn A cấu thành 02 tội là “Tội trộm cắp tài sản” quy định tại Điều 173 và “Tội hủy hoại tài sản” quy định tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

3. Quy định “Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn” tại điểm a khoản 1 Điều 182 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được hiểu như thế nào?

Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 182 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được hiểu là người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ mà dẫn đến hậu quả quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên ly hôn.

Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Theo đó, quan hệ vợ, chồng chỉ kết thúc khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án.

4. Nguyễn Văn A là nhân viên của cửa hàng điện thoại di động MT do ông Trần Thanh B làm chủ, cửa hàng MT được đăng ký kinh doanh là hộ kinh doanh. Trong quá trình làm việc tại cửa hàng, Nguyễn Văn A được giao nhiệm vụ thu tiền bán thẻ điện thoại, máy điện thoại và có trách nhiệm trực tiếp quản lý tiền thu được và nộp lại cho chủ cửa hàng. Nguyễn Văn A đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, sau khi thu tiền của khách hàng, Nguyễn Văn A không nộp về cho cửa hàng mà chiếm đoạt số tiền 20.000.000 đồng. Hành vi của Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay “Tội tham ô tài sản”?

Theo khoản 6 Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều này. Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 của Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ...”.  Theo quy định tại khoản 10 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì “doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Như vậy, hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Do đó, hành vi nêu trên của Nguyễn Văn A cấu thành “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

5. Nguyễn Văn A vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây tai nạn chết người. Trong quá trình điều tra phát hiện, Nguyễn Văn A dùng giấy phép lái xe hạng B2 giả (Nguyễn Văn A cung cấp thông tin của mình cho đối tượng làm giả) để điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Trường hợp này, Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” hay “Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức”?

Trường hợp này ngoài việc Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm về quy định tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì bị cáo còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

6. Nguyễn Văn A nhờ người làm giả căn cước công dân đứng tên người khác. Sau khi nhận được căn cước công dân giả thì Nguyễn Văn A dán ảnh của mình trên căn cước công dân đó để lừa đảo chiếm đoạt 1.800.000.000 đồng.

Trường hợp này, Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội là “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 và “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)?

Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” với tình tiết định khung “Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 341 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

7. Một người có một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 158 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong thời gian bao lâu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp con ở cùng nhà với cha mẹ (nhà thuộc quyền sở hữu của cha mẹ) mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác” theo quy định tại Điều 158 của Bộ luật Hình sự không?

Điều 158 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không quy định xâm phạm chỗ ở của người khác trong thời gian bao lâu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 158 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Trường hợp con ở chung với cha mẹ mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, thì hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ” theo quy định tại Điều 185 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

8. Đối với các tội phạm thực hiện hành vi vi phạm kéo dài thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ thời điểm nào, ngày tội phạm thực hiện hay ngày hành vi bị phát hiện?

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nêu trên được xác định như sau: Trường hợp hành vi phạm tội kéo dài đã kết thúc thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ thời điểm tội phạm kết thúc; trường hợp hành vi phạm tội kéo dài chưa kết thúc thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ thời điểm hành vi tội phạm bị phát hiện.

9. Tại khoản 6 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Trường hợp này có phải xác định cụ thể đối tượng mà bị cáo nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hay không?

Theo Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao thì quy định nêu trên không bắt buộc người phạm tội phải hoàn thành hành vi khách quan là gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và cũng không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, trường hợp này, để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 6 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì phải xác định được người mà bị cáo nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe.

10. Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 thì người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì bị tạm hoãn xuất cảnh. Vậy Tòa án có phải ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp trên hay không? Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Thi hành án hình sự năm 2019 không quy định nội dung này?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 thì thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh là cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ.

Đây là quy định mới của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019. Mặc dù, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Thi hành án hình sự năm 2019 chưa quy định thủ tục này. Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng quy định này kịp thời, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa việc trốn tránh nghĩa vụ chấp hành án của người bị kết án, khi ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, Tòa án bổ sung nội dung tạm hoãn xuất cảnh trong quyết định.

11. Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam 45 ngày để đảm bảo thi hành án, bị cáo và những người tham gia tố tụng không kháng cáo. Tuy nhiên, chưa đến ngày ra quyết định thi hành án thì có tài liệu chứng minh bị cáo đang bị bệnh hiểm nghèo, suy tim độ III có thể dẫn đến tử vong, phải nhập viện điều trị, gia đình bị cáo xin bảo lĩnh để tiếp tục điều trị bệnh cho bị cáo. Vậy trường hợp này, thẩm quyền giải quyết như thế nào?

Trường hợp nêu trên, người bị tạm giam vẫn phải thi hành Quyết định tạm giam của Hội đồng xét xử. Nếu bị cáo đang bị bệnh hiểm nghèo, suy tim độ III có thể dẫn đến tử vong phải nhập viện thì gia đình phải liên hệ ngay với cơ quan quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam để thực hiện thủ tục liên quan đến trích xuất đưa đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 20 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.

12. Nguyễn Văn A gửi xe ô tô tại địa điểm do Nguyễn Văn B quản lý, được phép hoạt động, có thu tiền gửi xe. Nguyễn Văn C đã lấy trộm xe ô tô của Nguyễn Văn A. Trường hợp này xác định ai là bị hại?

Trường hợp này, Nguyễn Văn A là bị hại vì xe ô tô thuộc sở hữu của A, Nguyễn Văn B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

13. Bị cáo Nguyễn Văn A bị xét xử sơ thẩm và tuyên án ngày 01/3/2023. Ngày 07/3/2023, Nguyễn Văn A kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. Ngày 10/3/2023, Nguyễn Văn A có đơn xin rút kháng cáo. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chưa ra thông báo về việc kháng cáo. Trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm xử lý như thế nào, có chuyển hồ sơ đến Tòa án cấp phúc thẩm không?

Trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn phải chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án cấp phúc thẩm để giải quyết theo thẩm quyền.

II. THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

1. Việc cho người bị kết án hưởng thời hiệu thi hành bản án thuộc thẩm quyền của Tòa án nào. Tòa án ra bản án hay Tòa án nơi người bị kết án đang chấp hành án?

Trường hợp trên, Tòa án đã ra bản án có thẩm quyền thông báo cho người bị kết án hưởng thời hiệu thi hành bản án[1].

2. Tòa án có phải ra quyết định thi hành án phạt tù đối với quyết định buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo không?

Khi thi hành án treo, Tòa án căn cứ Điều 84 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 ra quyết định thi hành án treo. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào quyết định này để tổ chức thi hành. Để thi hành quyết định buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì Tòa án phải ra quyết định thi hành án phạt tù đối với quyết định này để cơ quan thi hành án hình sự tổ chức thi hành theo quy định.

3. Tòa án có phải ra quyết định thi hành án đối với quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 364 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thì Tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định thi hành án đối với mỗi bản án có hiệu lực pháp luật. Do đó, Tòa án không ra quyết định thi hành án đối với quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án.

4. Trường hợp bị cáo chấp hành xong hình phạt tù của bản án đã tuyên trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm hoặc bị cáo đang tại ngoại nhưng trước đó đã bị tạm giữ, tạm giam mà thời hạn tạm giữ, tạm giam bằng thời hạn phạt tù của bản án đã tuyên thì Tòa án có ra quyết định thi hành án phạt tù không?

Trường hợp trên, Tòa án không ra quyết định thi hành án phạt tù. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án gửi bản án cho cơ quan thi hành án hình sự theo quy định.

III. ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN

Trường hợp người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đang bị đưa vào cơ sở cai nghiện để cắt cơn, giải độc chờ lập hồ sơ. Khi Tòa án mở phiên họp thì cơ quan nào có thẩm quyền dẫn giải đối tượng này đến phiên họp và thủ tục thực hiện như thế nào?

Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) không quy định biện pháp dẫn giải. Đây là biện pháp hạn chế quyền con người, không được quy định bởi luật thì không được áp dụng. Do đó, trường hợp này không được áp dụng biện pháp dẫn giải.

IV. DÂN SỰ, TỐ TỤNG DÂN SỰ

1. Đương sự ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng. Trường hợp Tòa án không thể tống đạt trực tiếp cho người đại diện theo ủy quyền thì có thể tống đạt cho người ủy quyền và người ủy quyền có nghĩa vụ thông báo lại cho người được ủy quyền hay không?

Trường hợp đương sự đã ủy quyền cho người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng thì Tòa án chỉ tống đạt cho người đại diện của đương sự mà không phải tống đạt cho đương sự. Tuy nhiên, trường hợp Tòa án không thể tống đạt trực tiếp cho người đại diện theo ủy quyền thì Tòa án thực hiện thủ tục niêm yết công khai quy định tại Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự và tống đạt trực tiếp cho đương sự ủy quyền.

2. Hiện nay, việc tống đạt cho đương sự cư trú tại các chung cư thường gặp khó khăn do bị cản trở hoặc không hợp tác của bảo vệ, Ban quản lý chung cư. Vậy, Tòa án có thể niêm yết tại khu vực bản tin chung, sảnh chung cư hay không?

Khoản 1 Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này.

Khoản 2 Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở thực hiện theo thủ tục sau đây:

a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;

b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;

c) Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết”.

Như vậy, trong trường hợp này thì Tòa án phải thực hiện niêm yết tại địa chỉ căn hộ của chung cư nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của đương sự đó.

3. Biên bản hòa giải của Tòa án ghi nhận nội dung nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Sau đó, Tòa án hướng dẫn nhưng nguyên đơn không làm đơn rút yêu cầu khởi kiện. Tòa án có căn cứ vào biên bản hòa giải thể hiện nguyên đơn đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự được không?

Trường hợp nêu trên thì Tòa án căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự và biên bản hòa giải thể hiện nguyên đơn đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu trong vụ án đó có bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì Tòa án căn cứ khoản 2 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết như sau:

(1) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;

(2) Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;

(3) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.

Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm thì căn cứ khoản 4 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án khi có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác liên quan (nếu có).

4. Trong việc dân sự tuyên bố một người là đã chết hoặc mất tích, Tòa án có đưa người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết hoặc mất tích vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không?

Trường hợp này, Tòa án xác định tư cách tham gia tố tụng của người bị tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố là đã chết là người bị yêu cầu theo quy định tại Chương XXVI về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích và Chương XXVII về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người đã chết của Bộ luật Tố tụng dân sự.

5. Khi giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, Tòa án xác định ngày chết của người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trong trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 71 của Bộ luật Dân sự năm 2015 như thế nào?

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Ngày chết là ngày quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật

Quan điểm thứ hai cho rằng: Ngày chết là ngày đầu tiên kế tiếp của ngày kết thúc thời hạn biệt tích 5 năm liền.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Ngày chết là ngày có tin tức cuối cùng của người đó.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 71 của Bộ luật Dân sự thì: “Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

... d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này”.

Khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Dân sự quy định: “Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết”.

Khi giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết quy định tại điểm d khoản 1 Điều 71 của Bộ luật Dân sự thì Tòa án xác định ngày chết theo quan điểm thứ hai. Theo đó, ngày chết của người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết được xác định là ngày đầu tiên kế tiếp của ngày kết thúc thời hạn 05 năm liền kể từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng. Việc xác định thời điểm kết thúc thời hạn được thực hiện theo quy định tại Điều 148 của Bộ luật Dân sự.

6. Khoản 4 Điều 388 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích như sau: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo quy định tại khoản 2 Điều này thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu”. Vậy, quyết định mở phiên họp và các văn bản tố tụng khác có cần tiến hành niêm yết tại địa phương đối với người bị yêu cầu hay không? Nếu có thì thời hạn niêm yết là bao nhiêu ngày?

Khoản 1 Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này”.

Như vậy, trong trường hợp này người bị yêu cầu không thể nhận văn bản tố tụng thông qua việc tống đạt trực tiếp nên Tòa án phải tiến hành niêm yết quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự và các văn bản tố tụng khác đối với người bị yêu cầu. Theo quy định tại khoản 3 Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

7. Trong giai đoạn nhận và xử lý đơn khởi kiện, người khởi kiện cung cấp thông tin người bị kiện đã chết trước khi người khởi kiện làm đơn khởi kiện nhưng không cung cấp được giấy chứng tử và người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người bị kiện theo yêu cầu của Tòa án thì có thuộc trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện không?

Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án, sau đó xác minh là bị đơn chết trước thời điểm khởi kiện và nguyên đơn không cung cấp được người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng thì giải quyết như thế nào?

Trong giai đoạn nhận và xử lý đơn khởi kiện, người khởi kiện cung cấp thông tin người bị kiện đã chết trước khi người khởi kiện làm đơn khởi kiện nhưng không cung cấp được giấy chứng tử và người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người bị kiện theo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện của Tòa án thì Tòa án căn cứ điểm e khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự để trả lại đơn khởi kiện.

Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án, sau đó xác minh là bị đơn chết trước thời điểm khởi kiện và nguyên đơn không cung cấp được người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng thì Tòa án hướng dẫn nguyên đơn làm đơn rút yêu cầu khởi kiện. Trường hợp Tòa án đã hướng dẫn nhưng nguyên đơn không làm đơn rút yêu cầu khởi kiện thì Tòa án căn cứ điểm a khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

8. A kiện đòi nợ B và xuất trình giấy vay tiền có chữ ký của B. B không công nhận chữ ký trong giấy vay tiền và yêu cầu trưng cầu giám định (B đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định). Kết luận giám định không phải là chữ ký của B. Sau đó, A rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Trường hợp này, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, nguyên đơn phải chịu chi phí giám định. Tuy nhiên, theo Mẫu số 45-DS Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì chỉ có mục hậu quả của việc đình chỉ quy định tại Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự (cụ thể là về án phí), không có mục quy định về chi phí tố tụng. Tòa án có được giải quyết về chi phí tố tụng ngay trong quyết định đình chỉ không?

Trường hợp này, Tòa án căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 161, khoản 1 Điều 162 của Bộ luật Tố tụng dân sự để xử lý tiền tạm ứng chi phí giám định đã nộp và quyết định nghĩa vụ chịu chi phí giám định trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, theo đó A phải chịu chi phí giám định và B đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định nên A phải hoàn trả cho B.

9. Tranh chấp bất động sản được Tòa án nhân dân huyện A thụ lý, giải quyết đúng thẩm quyền theo nơi có bất động sản, tuy nhiên bản án đã bị Tòa án cấp trên hủy để xét xử lại theo thủ tục chung. Trong quá trình thụ lý, giải quyết lại vụ án, do có việc chia tách, sáp nhập địa giới hành chính nên địa chỉ bất động sản đang có tranh chấp nay thuộc về địa giới của huyện B. Vậy, Tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ án có phải chuyển hồ sơ cho Tòa án nơi có bất động sản sau khi được chia tách, sáp nhập không?

Điểm c khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Đối với tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Do đó, trường hợp sau khi chia tách, sáp nhập địa giới hành chính, bất động sản thuộc về địa giới của huyện khác thì cần phân biệt như sau:

- Trường hợp Tòa án chưa ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án phải chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nơi có bất động sản sau khi được chia tách, sáp nhập để giải quyết theo thẩm quyền.

- Trường hợp Tòa án đã ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án không chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nơi có bất động sản sau khi được chia tách, sáp nhập mà tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

10. Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm, nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện, toàn bộ nội dung tranh chấp còn lại được các đương sự thỏa thuận và thống nhất trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Vậy, trong trường hợp này, Tòa án sẽ phải giải quyết như thế nào?

Trường hợp trong vụ án đương sự vừa rút một phần yêu cầu khởi kiện vừa thỏa thuận được với nhau về giải quyết vụ án trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án không ra quyết định đình chỉ đối với phần yêu cầu đã rút. Trong phần nhận định của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự phải ghi rõ nội dung đương sự đã rút một phần yêu cầu nên Tòa án không xem xét phần yêu cầu mà đương sự đã rút.

11. Các bên tranh chấp đã được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp thực hiện việc hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định của Luật Đất đai. Người khởi kiện đã khởi kiện tranh chấp đất đai và được Tòa án có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án dân sự. Sau đó, người khởi kiện rút đơn khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Khi khởi kiện lại vụ án này thì Tòa án có yêu cầu các bên hòa giải lại tại Ủy ban nhân dân cấp xã hay không?

Theo quy định tại Điều 235 và Điều 236 của Luật Đất đai năm 2024 thì tranh chấp đất đai phải được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Trường hợp khi khởi kiện lại nếu nguyên đơn, bị đơn, đối tượng tranh chấp, quan hệ tranh chấp không thay đổi so với khi hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì không phải hòa giải lại tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

12. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án xét thấy cần phải đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng để xem xét nghĩa vụ liên đới bồi thường cho nguyên đơn. Nguyên đơn không có yêu cầu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bồi thường. Tòa án quyết định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải bồi thường cho nguyên đơn. Việc Tòa án quyết định như vậy có vượt quá yêu cầu của nguyên đơn không?

Khoản 1 Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.

Khoản 1 Điều 288 của Bộ luật Dân sự quy định: “Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”.

Như vậy, trong trường hợp nêu trên, Tòa án quyết định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải bồi thường cho nguyên đơn là vượt quá yêu cầu của nguyên đơn.

13. Trường hợp tại phiên tòa Hội đồng xét xử căn cứ Điều 259 của Bộ luật Tố tụng dân sự ra quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, Tòa án mở lại phiên tòa thì một trong các đương sự vắng mặt tại phiên tòa được mở lại. Vậy, Hội đồng xét xử có được xét xử vắng mặt đương sự không, hay phải hoãn phiên tòa?

Khoản 1 Điều 233 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 84, Điều 227, khoản 2 Điều 229, khoản 2 Điều 230, khoản 2 Điều 231 và Điều 241 của Bộ luật này”.

Như vậy, trường hợp nêu trên không thuộc trường hợp hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, nếu đương sự không được thông báo hợp lệ về thời gian tiếp tục phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa. Nếu đương sự đã được thông báo hợp lệ về thời gian tiếp tục phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 259 của Bộ luật Tố tụng dân sự mà vẫn vắng mặt thì Hội đồng xét xử tiếp tục giải quyết vụ án.

14. Quyết định giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm, giao Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án. Tuy nhiên, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, nguyên đơn đã được trả lại toàn bộ tiền tạm ứng án phí đã nộp. Trong trường hợp này, nếu nguyên đơn không nộp lại tiền tạm ứng án phí thì Tòa án cấp sơ thẩm có thụ lý lại vụ án hay không?

Khoản 7 Điều 18 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định:

“Trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm có hiệu lực pháp luật bị Tòa án xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm mà tiền tạm ứng án phí, án phí đã được trả lại cho người khởi kiện, người kháng cáo thì khi Tòa án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm thụ lý lại vụ án phải yêu cầu người khởi kiện, người kháng cáo nộp lại tiền tạm ứng án phí”.

Như vậy trong trường hợp nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án kể từ thời điểm nhận lại hồ sơ vụ án. Sau khi thụ lý vụ án mà nguyên đơn không nộp lại tiền tạm ứng án phí thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự và giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có) theo quy định tại khoản 4 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Do nguyên đơn không nộp lại tiền tạm ứng án phí nên Tòa án không phải quyết định về án phí khi giải quyết hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại khoản 3 Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

15. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được công chứng, chứng thực do vi phạm điều kiện tách thửa. Tuy nhiên, bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện hai phần ba nghĩa vụ hoặc đã trả hết tiền cho bên chuyển nhượng và đã xây dựng nhà ở trên đất nhận chuyển nhượng mà không bị chính quyền địa phương xử lý. Vậy, trong những trường hợp này Tòa án có công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không?

Đối với trường hợp áp dụng Luật Đất đai năm 2013, Điều 29 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu, như sau:

“1. Thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày văn bản quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Không được công chứng, chứng thực, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không được làm thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối với trường hợp tự chia tách thửa đất đã đăng ký, đã được cấp Giấy chứng nhận thành hai hoặc nhiều thửa đất mà trong đó có ít nhất một thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho thửa đất mới”.

Đối với trường hợp áp dụng Luật Đất đai năm 2024, Điều 146 của Luật này quy định:

“Điều 146. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu

1. Thửa đất đang sử dụng được hình thành trước ngày văn bản quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

2. Không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp tự chia, tách thửa đất đã đăng ký, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thành 02 hoặc nhiều thửa đất mà trong đó có ít nhất 01 thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định tại Điều 220 của Luật này.

3. Trường hợp thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa, hợp thửa nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 220 của Luật này thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho từng thửa đất sau khi tách thửa, hợp thửa.”

Như vậy, trong trường hợp nêu trên, Tòa án chỉ công nhận hiệu lực của giao dịch dân sự khi thửa đất đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 29 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hoặc khoản 1 và khoản 3 Điều 146 của Luật Đất đai năm 2024. Nếu thửa đất thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 29 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hoặc khoản 2 Điều 146 của Luật Đất đai năm 2024 thì Tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu.

16. Do vụ việc không đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự, Chi hội Người cao tuổi thôn A thuộc xã B, huyện C khởi kiện yêu cầu bà D là thành viên đồng thời là thủ quỹ của Chi hội Người cao tuổi thôn khóa trước trả lại tiền quỹ còn dư của khóa trước thì xác định tư cách nguyên đơn trong vụ án như thế nào? Nguyên đơn là Hội Người cao tuổi xã B (Hội Người cao tuổi cơ sở) hay Chi hội Người cao tuổi thôn A (Chi hội có nhiệm vụ thu và quản lý sử dụng hội phí, quỹ hội)?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Người cao tuổi Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định số 288/QĐ-BNV ngày 06/4/2022 của Bộ Nội vụ thì: “Chi hội, tổ hội người cao tuổi thuộc Hội Người cao tuổi cơ sở tại địa bàn thôn, ấp, bản, làng, phum, sóc, tổ dân phố, khu dân cư hoặc tương đương thuộc Hội Người cao tuổi cơ sở”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Người cao tuổi Việt Nam thì: “Hội Người cao tuổi cơ sở là nền tảng của Hội. Hội cơ sở có con dấu, tài khoản, trụ sở, được hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, do Chi hội Người cao tuổi thôn A thuộc Hội Người cao tuổi cơ sở xã B, nên nguyên đơn là Hội Người cao tuổi xã B.

17. Điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định: “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”. Vậy, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, nếu nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, không đến Tòa án để lấy lời khai hoặc tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án có thể ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được không?

Điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”.

Khoản 3 Điều 210 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Sau khi các đương sự đã trình bày xong, Thẩm phán xem xét các ý kiến, giải quyết các yêu cầu của đương sự quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp người được Tòa án triệu tập vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho họ”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, cần phân biệt như sau:

- Trường hợp nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai để lấy lời khai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử văng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.

- Trường hợp nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải mà vẫn vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho đương sự vắng mặt. Do vậy, Tòa án vẫn tiến hành các thủ tục để giải quyết vụ án theo quy định.

Trên đây là giải đáp một số vướng mắc trong xét xử của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo để các Tòa án nghiên cứu tham khảo trong quá trình giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền./.

 


Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Chánh án TANDTC (để b/c);
- Các Phó Chánh án TANDTC;
- Các Thẩm phán TANDTC;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Công an;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Tư pháp;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT (VP, Vụ PC&QLKH).

KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN




Nguyễn Văn Tiến

 



[1] Về vấn đề này, trước đây đã hướng dẫn tại khoản 1 mục V Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 26/12/1986 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn việc áp dụng thời hiệu thi hành bản án hình sự.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công văn 163/TANDTC-PC năm 2024 giải đáp vướng mắc trong xét xử do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu: 163/TANDTC-PC
Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
Người ký: Nguyễn Văn Tiến
Ngày ban hành: 10/09/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [21]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công văn 163/TANDTC-PC năm 2024 giải đáp vướng mắc trong xét xử do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…