VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1120/VKSTC-V14 |
Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2023 |
Kính gửi: |
- Viện kiểm sát quân sự trung ương; |
Thực hiện Công văn số 393/VKSTC-VP ngày 16/12/2022 của VKSND tối cao, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) đã rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, VKS các cấp trong 03 năm (năm 2020 - 2022) để giải đáp một số nội dung liên quan trách nhiệm của Vụ 14, cụ thể như sau:
I. Về khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất thuộc lĩnh vực hình sự
Trả lời:
Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong các vụ án về tội phạm xâm phạm sở hữu. Theo quan điểm của Vụ 14 thì tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong các vụ án về tội phạm xâm phạm sở hữu là hậu quả của hành vi xâm phạm sở hữu (cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản) mà người phạm tội thực hiện dẫn đến phá vỡ trật tự, kỷ cương của xã hội một cách nghiêm trọng khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân mất niềm tin, gây hoang mang lo lắng cho nhân dân, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Hậu quả này phải là hậu quả trực tiếp từ hành vi xâm phạm sở hữu. Ví dụ: Đối tượng thường xuyên trộm cắp tài sản là vật nuôi tại khu dân cư[1],... Ngoài ra, các đơn vị có thể tham khảo thêm hướng dẫn về tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” nêu tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 về hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.
2. Khoản 1 Điều 475 BLTTHS quy định thời hạn giải quyết khiếu nại của VKS cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, kể cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Quy định như vậy là không bảo đảm thời hạn giải quyết, nhất là những vụ việc phức tạp vì cần phải rút hồ sơ, nghiên cứu, kiểm tra, phối hợp với các đơn vị (VKSND tỉnh Hưng Yên, thành phố Đà Nẵng - năm 2020).
Trả lời:
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, kịp thời xem xét, xử lý, đối với các quyết định, hành vi tố tụng trái pháp luật, khoản 1 Điều 475 và các quy định khác của BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu thường là 07 ngày và thời hạn giải quyết lần hai là 03 ngày là hợp lý, đòi hỏi cơ quan giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại cần nhanh chóng xem xét, giải quyết.
Đây là kiến nghị đề nghị sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015. Do vậy, đề nghị các đơn vị, VKS các cấp tiếp tục tổng hợp các khó khăn, vướng mắc khác trong quá trình thi hành BLTTHS năm 2015 để Vụ 14 tổng hợp chung, tham mưu Lãnh đạo VKSND tối cao báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sơ kết, tổng kết BLTTHS năm 2015.
3. Quy định nhận dạng, nhận biết giọng nói chỉ được thực hiện trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 lại quy định được thực hiện trong quá trình giải quyết nguồn tin tội phạm. Như vậy, dẫn đến mâu thuẫn, áp dụng không thống nhất (VKSND các tỉnh: Lâm Đồng, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bến Tre - năm 2020). Đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 147 BLTTHS theo hướng bổ sung một số biện pháp điều tra có thể áp dụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, như: đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, để đảm bảo việc giải quyết nguồn tin về tội phạm có đủ căn cứ và đúng quy định của pháp luật, đồng thời tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các điều luật khác. Vì giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đã quy định là một giai đoạn tố tụng hình sự thì không cần hạn chế biện pháp điều tra mà cần áp dụng các biện pháp điều tra phù hợp để chứng minh được có hay không có tội phạm và người phạm tội bởi vì đây là giai đoạn quan trọng để điều tra tránh oan, sai (VKSND tỉnh Gia Lai - năm 2020).
Trả lời:
Khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015 quy định:
“3. Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:
a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;
b) Khám nghiệm hiện trường;
c) Khám nghiệm tử thi;
d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản”.
Như vậy, ngoài 04 hoạt động cụ thể (khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản) thì khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành hoạt động mang tính chất chung (thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin).
Ngoài ra, theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 83 BLTTHS năm 2015 thì: “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền: d) Có mặt khi đối chất; nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân thì “Khi thực hiện việc thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân cỏ liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm được quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS được thực hiện cụ thể như sau: ....2. Tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và các hoạt động khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình theo sự phân công của cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (trừ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt quy định tại Chương XVI BLTTHS năm 2015)”. Do vậy, mặc dù không được quy định cụ thể tại Điều 147 BLTTHS năm 2015 nhưng khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói với tính chất để kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, không được hiểu là những biện pháp điều tra theo các quy định của BLTTHS năm 2015[2] trong giai đoạn điều tra.
Trả lời:
Căn cứ khoản 2 Điều 337 BLTTHS năm 2015 quy định về thời hạn kháng nghị: “Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định”.
Căn cứ Điều 343 BLTTHS năm 2015 quy định về hiệu lực của bản án, quyết định số thẩm của Tòa án không có kháng cáo, kháng nghị: “Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị”.
Như vậy, thời hạn thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện được xác định là hết 15 ngày (sau 15 ngày), kể từ ngày Tòa án ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Trả lời:
5.1. Về thời hạn quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm
Nội dung này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành án hình sự mà được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 367 BLTTHS năm 2015, cụ thể như sau: “Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”.
5.2. Về thời gian Chủ tịch nước ký Quyết định chấp thuận hoặc bác đơn đối với người bị kết án tử hình
Pháp luật về tố tụng, thi hành án và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan không quy định thời hạn Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm án tử hình. Để giúp Chủ tịch nước trong việc xét đơn xin ân giảm án tử hình, Văn phòng Chủ tịch nước đã cùng với các cơ quan VKSND tối cao, TAND tối cao ban hành quy chế phối hợp (Quy chế số 581QCPH/VPCTN-VKSNDTC ngày 14/4/2022, Quy chế số 582QCPH/VPCTN-TANDTC ngày 14/4/2022), trong đó có các nội dung về trao đổi, phối hợp trong việc chuyển giao văn bản, tài liệu giữa Văn phòng Chủ tịch nước với hai cơ quan để làm cơ sở, căn cứ giúp cho Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc ân giảm án tử hình.
6. Chưa có hướng dẫn đối với những trường hợp bị kết án tù nhưng cho hưởng án treo áp dụng trước khi BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực pháp luật nhưng vi phạm nghĩa vụ thi hành án chưa có hướng dẫn việc bắt buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo theo quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS và Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (VKSND tỉnh Tây Ninh - năm 2020).
Trả lời:
Căn cứ khoản 2 Điều 7 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), khoản 2 Điều 207 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì trường hợp bị kết án tù cho hưởng án treo áp dụng trước khi BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực pháp luật nhưng vi phạm nghĩa vụ thi hành án sẽ không áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Luật Thi hành án hình sự năm 2019 để bắt buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo.
Trả lời:
Vấn đề này đã được quy định tại các điều 10, 13, 14 và 20 của Thông tư liên tịch số 02/2020/TTLT-BCA-BQP-BYT-BNG-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/10/2020 quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
8. Hướng dẫn nêu tại Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của VKSND tối cao mâu thuẫn với quy định tại tiểu mục 6.2 Mục 6 và tiểu mục 7.3 Mục 7 Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 khi quy định “Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù 02 năm đến 07 năm”. Như vậy, bất kể người nào đủ năng lực trách nhiệm hình sự có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đều là chủ thể của tội phạm, không loại trừ trường hợp đó là người nghiện ma tuý (VKSND thành phố Hải Phòng - năm 2021).
Trả lời:
Căn cứ Điều 25, khoản 4 Điều 154, khoản 2 Điều 172 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thì Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 và Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007 không có giá trị hướng dẫn đối với các quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hướng dẫn Công văn số 5442/VKSTC-V14 nêu trên dựa trên các quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); đồng thời, có tham khảo hướng dẫn của TAND tối cao tại Công văn số 89/TAND-PC ngày 30/6/2020.
9. Hướng dẫn thực hiện khoản 4 Điều 163 BLTTHS về nội dung “Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can có thẩm quyền điều tra hành vi của bị can xảy ra tại địa bàn huyện khác hoặc tỉnh khác” tại Công văn số 5887/VKSTC-V14 ngày 05/12/2019 của VKSND tối cao gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Đắk Nông khi phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử bị can vừa phạm tội ở tỉnh Đắk Nông vừa phạm tội ở tỉnh khác dẫn đến bị VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị giám đốc thẩm (Quyết định kháng nghị số 191/QĐ/VC3-V1 ngày 22/7/2021 kháng nghị Bản án số 21/2020HS-ST ngày 24/6/2020 của TAND tỉnh Đắk Nông vì vi phạm khoản 4 Điều 163 BLTTHS). (VKSND tỉnh Đắk Nông - năm 2021).
Trả lời:
Khoản 4 Điều 163 BLTTHS năm 2015 quy định: “Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt”. Do vậy, nội dung hướng dẫn tại Công văn số 5887/VKSTC-V14 là phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 163 BLTTHS năm 2015 nêu trên, theo đó, Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm hoặc nơi bị can cư trú hoặc nơi bị can bị bắt có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau.
10. Khó khăn khi thực hiện Công văn số 3269/VKSTC-V14 ngày 29/7/2020 của VKSND tối cao với Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn về hành vi đánh bạc, tại mục 4 Điều 1 khi xử lý hành vi đánh đề của một người trong 1 lần, 1 ngày với tổng số tiền đánh là 5 triệu đồng nhưng chia đều theo kết quả xổ số của đài Miền Bắc, Miền Nam hoặc Miền Trung (VKSND tỉnh Đắk Nông - năm 2021).
Trả lời:
Công văn số 3269/VKSTC-V14 ngày 29/7/2020 của VKSND tối cao nêu quan điểm trao đổi về nhận thức pháp luật hướng dẫn trong việc xác định số tiền đánh bạc 01 lần để xử lý hành vi đánh bạc dưới hình thức chơi số đề dựa trên cơ sở vận dụng tinh thần của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 và mang tính chất tham khảo bởi VKSND tối cao không có thẩm quyền tự mình hướng dẫn chi tiết quy định của BLHS. Do vậy, trong thời gian chưa có văn bản quy phạm hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này, VKS các cấp cần chủ động phối hợp, thống nhất với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp để xử lý, có thể vận dụng tinh thần Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 trong giải quyết vụ án, vụ việc cụ thể.
Về khó khăn, vướng mắc liên quan đến tội Đánh bạc, Vụ 14 và Vụ 7 đã tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tối cao ban hành Công văn của VKSND tối cao gửi TAND tối cao về việc kiến nghị sửa đổi Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP (Công văn số 3687/VKSTC-V7 ngày 16/9/2021, Công văn số 3652/VKSTC-V14 ngày 29/8/2018). Qua trao đổi nắm được, hiện nay, các đơn vị có trách nhiệm của TAND tối cao đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn về tội Đánh bạc. Để bảo đảm giải quyết kịp thời, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn liên quan đến tội phạm này, Vụ 14 đã đề xuất Lãnh đạo VKSND tối cao giao Vụ 7 trên cơ sở rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc qua công tác nghiệp vụ của đơn vị, VKS các cấp tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tối cao có văn bản đề nghị TAND tối cao nghiên cứu, quy định giải quyết đầy đủ những khó khăn, vướng mắc trong dự thảo Nghị quyết nêu trên.
11. Không lấy được lời khai của người bị tố giác, lời khai của những người có liên quan đến vụ việc thì có được xác định là “Đã yêu cầu cá nhân cung cấp tài liệu quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 148 BLTTHS để tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hay không? (VKSND tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ngãi, Gia Lai - năm 2021)
Trả lời:
Việc không thể lấy lời khai của người bị tố giác hoặc lời khai của người liên quan đến vụ việc không phải là căn cứ để tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS, bởi vì, theo quy định của pháp luật[3], người tố giác, cung cấp tin báo về tội phạm có quyền không cung cấp thông tin cá nhân (bao gồm cả thông tin về địa chỉ thường trú). Trường hợp không biết người tố giác, cung cấp tin báo về tội phạm đang ở đâu nhưng trong đơn tố giác, tin báo về tội phạm đã có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để kiểm tra, xác minh thì cơ quan có thẩm quyền vẫn phải tiếp tục xử lý theo quy định mà không được ra quyết định tạm đình chỉ. Trường hợp không biết người tố giác, cung cấp tin báo về tội phạm đang ở đâu và thông tin tố giác, tin báo không đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh, nếu xác định được có dấu hiệu tội phạm thì liên ngành tố tụng ở địa phương phải phối hợp, đánh giá chứng cứ, xem xét, cân nhắc để ra quyết định khởi tố vụ án, chuyển sang giai đoạn điều tra để có thể thực hiện các biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ; hoặc nếu không xác định được có dấu hiệu tội phạm thì không khởi tố vụ án căn cứ theo quy định tại Điều 143 và Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trả lời:
12.1. Về khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án giết người những bị hại không chết, từ chối giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể, người bị hại cố tình trốn tránh việc dẫn giải
Hiện nay, Bộ Công an đã ban hành Công văn số 2854/CSĐT-C01 ngày 16/6/2021 (Mật) hướng dẫn về việc áp dụng biện pháp dẫn giải quy định tại Điều 127 BLTTHS, trong đó đã hướng dẫn về việc ra quyết định dẫn giải, những trường hợp có thể bị dẫn giải và việc tổ chức thi hành dẫn giải.
12.2. Về việc xác định như thế nào được xem là “bỏ trốn” (Nội dung câu hỏi không rõ)
Nội dung câu hỏi nêu trên chưa rõ. Tuy nhiên, các đơn vị, VKS có thể tham khảo câu số 43.1 Phần I Cuốn giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết các vụ án, vụ việc về tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy đã giải đáp việc áp dụng tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau: “Hiện nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý đối với người phạm tội, cần thu thập tài liệu chứng minh: người phạm tội đã nhận được tài sản nhưng sau đó bí mật đi khỏi nơi đăng ký thường trú, nơi tạm trú, nơi làm việc mà không thông báo cho chủ tài sản, những người sống cùng, làm việc cùng, người thân thiết biết. Người phạm tội cắt đứt liên lạc với chủ sở hữu tài sản như thay đổi, chặn số điện thoại, địa chỉ email, mạng xã hội,...”.
12.3. Về vai trò giúp sức của đồng phạm trong các vụ án chiếm đoạt tài sản
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 17 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì đồng phạm là trường hợp có 02 người trở lên cố ý thực hiện tội phạm; người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về vai trò giúp sức của đồng phạm trong các vụ án chiếm đoạt tài sản. Tùy từng vụ án cụ thể mà các cơ quan có thẩm quyền phải đánh giá tính chất, mức độ hành vi của người giúp sức để xác định việc tạo những điều kiện vật chất hay tinh thần cho việc thực hiện tội phạm như: giúp sức về vật chất là các trường hợp cung cấp tiền bạc, công cụ, phương tiện, khắc phục những trở ngại... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hành thực hiện tội phạm; giúp sức về tinh thần là các trường hợp như: chỉ dẫn, cung cấp tình hình, cổ vũ, kích động, ủng hộ tinh thần, góp ý, vạch kế hoạch, cách thức thực hiện tội phạm, hoặc hứa hẹn che giấu, không tố giác, hứa hẹn nuôi dưỡng người thân sau khi phạm tội, hoặc tạo dựng cho người phạm tội một lợi ích tinh thần nào đó đối với người thực hiện tội phạm... để đánh giá về vai trò giúp sức của đồng phạm trong các vụ án chiếm đoạt tài sản.
13. Hướng dẫn tại mục 3, phần I, Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của VKSND tối cao về việc áp dụng tình tiết “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS đối với người xúi giục là người dưới 18 tuổi còn chưa thống nhất, bởi có trường hợp người xúi giục còn ít tuổi hơn người bị xúi giục (VKSND tỉnh Hòa Bình - năm 2022).
Trả lời:
Vụ 14 đã có nguyên quan điểm nêu tại Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của VKSND tối cao, theo đó: Phần thứ nhất và Chương XII của BLHS năm 2015 không có quy định loại trừ việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người xúi giục là người dưới 18 tuổi, do đó, nếu người dưới 18 tuổi có hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội thì vẫn có thể bị xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”. Tuy nhiên, khi áp dụng tình tiết này, cần bảo đảm nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại Điều 91 BLHS. Bởi, theo quy định tại Điều 90 BLHS thì: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo nhũng quy định của Chương XII; theo quy định khác của Phần thứ nhất của BLHS năm 2015 mà không trái với quy định của Chương này”.
Trả lời:
Thực hiện sự phân công của Lãnh đạo VKSND tối cao, trong năm 2022, Vụ 14 đã phối hợp với các đơn vị, cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức một số lớp tập huấn cho người tiến hành tố tụng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia là người dưới 18 tuổi như: phối hợp với Vụ 2 tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/02/2022 về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; phối hợp với Dự án EUJULE tổ chức tập huấn cho Kiểm sát viên và Giảng viên nguồn về kỹ năng tố tụng thân thiện với người chưa thành niên khi giải quyết các vụ án xâm hại tình dục có nạn nhân là người chưa thành niên. Trong thời gian tới, Vụ 14 sẽ hoàn thiện tài liệu tập huấn nêu trên để chuyển giao cho trường Đại học kiểm sát để tổ chức giảng dạy (nếu được sự cho phép của cấp có thẩm quyền); hoàn thiện sổ tay Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi để tăng cường hơn nữa năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của Kiểm sát viên khi giải quyết các vụ án này.
Trả lời:
Để khắc phục khó khăn do BLTTDS năm 2015 quy định Tòa án chỉ gửi văn bản trả lại đơn khởi kiện cho VKS mà không gửi kèm theo hồ sơ, tài liệu liên quan, Điều 21 TTLT số 02/2016/TTLT- VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS đã quy định VKS có quyền yêu cầu Tòa án cho sao chụp một số hoặc toàn bộ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được yêu cầu của VKS, Toà án giao cho VKS văn bản cần sao chụp tại trụ sở Tòa án. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được văn bản cần sao chụp, VKS trả lại văn bản cho Tòa án. Do thời gian rất ngắn nên Kiểm sát viên có thể trao đổi trước với Tòa án để khi mang văn bản yêu cầu đến Tòa, Tòa có thể giao tài liệu cho Kiểm sát viên sao chụp ngay. Trường hợp Tòa án không thực hiện đúng quy định về thời hạn nêu trên thì VKS kiến nghị với Tòa án.
Trả lời:
Khoản 3 Điều 106 BLTTDS quy định:
“Trường hợp có yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thay cần thiết, Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án”.
Như vậy, Điều 106 BLTTDS năm 2015 đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ khi Tòa án có yêu cầu trong thời hạn 15 ngày mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ của Toà án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khoản 1 Điều 495 BLTTDS quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chủng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang quản lý, lưu giữ thì có thể bị Tòa án xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật”. Điều 48 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng đã quy định cụ thể về thẩm quyền, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền của TAND. Như vậy, trường hợp đã hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu không trả lời thì Tòa án có quyền xem xét xử phạt hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15.
3. Theo quy định tại khoản 2 Điều 220 BLTTDS thì sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải gửi ngay hồ sơ vụ án cho VKS nghiên cứu, trong thời hạn 15 ngày VKS phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án là quá ngắn, không được trừ ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết là không phù hợp, nhất là đối với các vụ án phức tạp (VKSND các tỉnh: Điện Biên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Trà Vinh, Lâm Đồng - năm 2020).
Trả lời:
Quy định về thời hạn nghiên cứu hồ sơ của VKS là 15 ngày đã được kế thừa từ các pháp lệnh, bộ luật về tố tụng dân sự trước đó[4], quy định này vẫn không thay đổi.
Trường hợp gần hết thời hạn 15 ngày mà Kiểm sát viên chưa nghiên cứu xong hồ sơ thì Kiểm sát viên có thể photo tài liệu trong hồ sơ để tiếp tục đọc, nghiên cứu còn hồ sơ phải trả lại Tòa án đúng thời hạn theo quy định của BLTTDS. Ngoài ra, VKS cần tạo quan hệ phối hợp tốt với Tòa án để có thể được cho mượn hồ sơ cho đến gần ngày mở phiên tòa trong những trường hợp cần thiết do vụ án phức tạp.
Trả lời:
Điều 280 BLTTDS quy định “Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của VKS cùng cấp là 15 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án. Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 10 ngày kể từ ngày VKS cùng cấp nhận được quyết định”.
Thời hạn kháng nghị phúc thẩm nêu trên tương tự quy định về thời hạn kháng nghị phúc thẩm tại BLTTHS năm 2015 (Điều 337) và Luật TTHC năm 2015 (Điều 213). Về mặc nguyên tắc, các thời hạn dùng cho các hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng đều không được pháp luật cho phép trừ ngày nghỉ, lễ, tết để bảo đảm việc giải quyết vụ án, vụ việc được khẩn trương, kịp thời, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng.
Kiểm sát viên đã kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự từ khi thụ lý, đã nghiên cứu hồ sơ, tham gia tất cả các phiên tòa nên nắm rõ các tình tiết, nội dung vụ án, quá trình giải quyết của Tòa án nên việc phát hiện vi phạm và tiến hành kháng nghị ngang cấp là không quá khó khăn. Trường hợp dự liệu được thời hạn kháng nghị dành cho VKS cùng cấp không đủ thì kịp thời báo cáo VKS cấp trên trực tiếp để kháng nghị.
Trả lời:
Điểm b khoản 2 Điều 30 Quy định về hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm (được ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ- VKSTC ngày 04/10/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao) đã hướng dẫn: “Trường hợp tại phiên tòa, vụ án phát sinh các tình tiết cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ nhưng Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử mà không tạm ngừng phiên tòa thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa và tự chịu trách nhiệm về đề nghị của mình.
Khi Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà Hội đồng xét xử không chấp nhận, vẫn tiến hành xét xử thì Kiểm sát viên tiếp tục tham gia phiên tòa, phát biểu quan điểm của VKS nêu rõ việc chưa có đủ cơ sở để giải quyết vụ án vì thiếu những chứng cứ mà Kiểm sát viên đã yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập bổ sung”.
6. Khoản 3 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ quy định về giám hộ trong BLDS, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn”, Như vậy, trong vụ án ly hôn mà một bên vợ hoặc chồng là người bị tâm thần thì vụ án được giải quyết như thế nào? (VKSND tỉnh Gia Lai - năm 2020).
Trả lời:
6.1. Trường hợp chưa có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự thì tham khảo câu số 6 mục IV Giải đáp số 01/GĐ- TANDTC ngày 07/4/2017 của TAND tối cao về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, có nêu: Trong vụ án dân sự, đương sự có dấu hiệu tâm thần nhưng chưa có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án giải quyết như thế nào? TAND tối cao giải đáp: “...khi có chủ thể cho rằng một người là đương sự trong vụ án mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án phải giải thích, hướng dẫn để họ thực hiện quyền yêu cầu tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự theo quy định ...; trường hợp họ có yêu cầu và Tòa án thụ lý, giải quyết yêu cầu này thì Tòa án áp dụng điểm d khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015 để tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; trường hợp họ không yêu cầu thì Tòa án giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục chung”.
6.2. Trường hợp đã có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự thì theo khoản 2, khoản 3 Điều 53 BLDS năm 2015, người giám hộ đương nhiên cho người vợ (chồng) mất năng lực hành vi dân sự trong trường hợp trên lần lượt là: người con cả hoặc người con tiếp theo hoặc cha, mẹ của người bị mất năng lực hành vi dân sự. Nếu không có người giám hộ đương nhiên thì Tòa án đề nghị UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ cử người giám hộ theo Điều 54 BLDS năm 2015 để làm người đại diện cho người mất năng lực hành vi dân sự trong vụ án ly hôn nêu trên.
Trả lời:
7.1. Việc giải quyết yêu cầu cấp dưỡng cho con trong vụ án hôn nhân và gia đình cần lưu ý các quy định sau đây:
- Khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Như vậy, khi quyết định mức cấp dưỡng nuôi con, Tòa án phải căn cứ vào cả hai yếu tố: (1) thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng; (2) việc cấp dưỡng phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
- Khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì “khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” được hiểu là “người đó có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó”.
- Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hướng dẫn như sau: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý”.
- Tham khảo Mục 2 Phần III của Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của TAND tối cao: “Tòa án phải xem xét đến khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người phải đóng góp phí tổn cũng như khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người nuôi dưỡng con. Trong đó mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 (một phần hai) mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con” để làm căn cứ giải quyết.
- Các quy định, hướng dẫn có liên quan khác.
7.2. Trong tình huống nêu trên, bị đơn vắng mặt tại phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ theo các điềm b và c khoản 2 Điều 227, Điều 228 BLTTDS. Nếu nguyên đơn không thể cung cấp được tài liệu, chứng cứ về thu nhập của bị đơn thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập. Tòa án có thể tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS (cần đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án).
Trường hợp Tòa án đã áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ cần thiết mà không thể thu thập được thì Tòa án giải quyết yêu cầu trên cơ sở, tài liệu chứng cứ đã có; nếu vẫn không có đủ cơ sở giải quyết (không thể xác định được thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng) thì Tòa án đình chỉ giải quyết yêu cầu cấp dưỡng của nguyên đơn.
8. Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về các trường hợp việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu nhưng không quy định ai là người có quyền yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu và hậu quả pháp lý nếu thỏa thuận đó bị vô hiệu? (VKSND tỉnh Gia Lai - năm 2020).
Trả lời:
- Yêu cầu Tòa án tuyên bố việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân vô hiệu có thể là vụ án dân sự hoặc việc dân sự, có thể coi là các tranh chấp, yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật theo khoản 8 Điều 28, khoản 11 Điều 29 BLTTDS.
Việc xác định ai là người có quyền yêu cầu Tòa án tuyên việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân vô hiệu phải căn cứ vào khoản 2 Điều 68 (nếu là vụ án dân sự) hoặc khoản 5 Điều 68 BLTTDS (nếu là việc dân sự).
- Nếu thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bị Tòa án tuyên vô hiệu thì hậu quả pháp lý là tài sản được chia lại trở thành tài sản chung của vợ, chồng như trước kia. Nếu người được nhận tài sản theo thỏa thuận trước đó đã làm cho tài sản không còn hoặc bị sụt giảm giá trị thì tùy từng trường hợp cụ thể phải thay thế bằng tài sản khác cùng loại hoặc số tiền tương đương.
Trả lời:
Đối với việc hướng dẫn, áp dụng thống nhất pháp luật dân sự, hành chính thời gian qua, VKSND tối cao đã tích cực phối hợp với TAND tối cao trong việc ban hành nhiều án lệ. Trong thời điểm từ 2017 đến 2021, đã phối hợp với TAND tối cao xem xét, thẩm định và thông qua 36 án lệ về dân sự, hành chính[5] nhằm hướng dẫn các nội dung mà pháp luật chưa rõ, còn có cách hiểu khác nhau, có giá trị hướng dẫn, áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử,... Bên cạnh đó, VKSND tối cao đã tích cực phối hợp xây dựng nhiều Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, Thông tư liên tịch[6], liên quan đến việc hướng dẫn, áp dụng thống nhất pháp luật[7].
VKSND tối cao cũng đã tổng hợp những vướng mắc liên quan đến BLTTDS, Luật TTHC năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong 02 Báo cáo sơ kết 05 năm BLTTDS và Luật TTHC[8] và kiến nghị đến TAND tối cao, các cơ quan có thẩm quyền nhằm phối hợp, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định liên quan. Thời gian tới, VKSND tối cao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TAND tối cao trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, áp dụng thống nhất pháp luật dân sự, hành chính. Đối với những quy định pháp luật còn chưa điều chỉnh hoặc quy định không rõ ràng, đề nghị VKS các cấp phản ánh cụ thể thông qua văn bản thỉnh thị hoặc báo cáo gửi tới VKSND tối cao để nắm thông tin và có phương án giải quyết phù hợp.
10. VKSND tối cao cần phối hợp với TAND tối cao nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS và Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Luật TTHC, theo hướng: cần có những quy định cụ thể về thời gian đối với việc Tòa án chuyển hồ sơ vụ án cho VKS có văn bản yêu cầu và điều chỉnh thời gian Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án cho phù hợp với tình hình thực tế như trên; đề xuất đối với các vụ án, vụ việc có tính chất phức tạp cần tăng thời hạn nghiên cứu hồ sơ của VKS; cần có chế tài xử lý đối với Tòa án về vi phạm khi không gửi hay gửi chậm bản án, quyết định cho VKS để hạn chế được tình trạng này tiếp diễn, kéo dài; quy định rõ những trường hợp nào được xem là lý do khách quan kháng nghị quá hạn, từ đó tạo căn cứ pháp lý cho Tòa án và VKS thống nhất trong áp dụng pháp luật, tạo tính khả thi cho quy định về kháng nghị quá hạn; đưa ra chế tài hợp lý trong việc Tòa án tiếp tục tái vi phạm sau khi Viện kiểm sát đã ban hành kiến nghị khắc phục vi phạm (năm 2021).
Trả lời:
02 Thông tư liên tịch nêu trên được ban hành có phạm vi hướng dẫn quy định BLTTDS, Luật TTHC năm 2015 nên nội dung không nằm ngoài và không được trái với các quy định của BLTTDS, Luật TTHC năm 2015. Do đó, những kiến nghị, đề xuất nêu trên là những nội dung mới so với luật nên cần phải được sửa đổi trong BLTTDS, Luật TTHC năm 2015. VKSND tối cao đã ghi nhận các đề xuất, kiến nghị trên tại Báo cáo số 134/BC-VKSTC ngày 01/10/2021 về “Sơ kết 05 năm thi hành Luật TTHC năm 2015 trong ngành Kiểm sát nhân dân (2016- 2020)”, Báo cáo số 141/BC-VKSTC ngày 05/10/2021 về “Sơ kết 05 năm thi hành BLTTDS năm 2015 trong ngành Kiểm sát nhân dân (2016-2020)” và kiến nghị đến TAND tối cao, các cơ quan có thẩm quyền để phối hợp, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định này.
Trả lời:
Các nội dung kiến nghị, đề xuất nêu trên đã được hướng dẫn, giải đáp tại Mục 8 Công văn số 1492/VKSTC-V14 ngày 17/4/2018 của VKSND tối cao về giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng quy định của Luật TTHC năm 2015 và nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong ngành Kiểm sát nhân dân và Mục 3 Công văn số 2964/VKSTC-V14 ngày 19/7/2018 của VKSND tối cao về giải đáp vướng mắc pháp luật thuộc lĩnh vực dân sự, hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật, đề nghị VKS các cấp nghiên cứu và thực hiện.
Trả lời:
Việc chuyển giao, phổ biến, triển khai ứng dụng kết quả thực hiện các đề tài khoa học, đề án đã được quy định cụ thể tại Quy chế quản lý đề tài khoa học, đề án của VKSND tối cao (được ban hành kèm theo Quyết định số 108/QĐ-VKSTC ngày 26/3/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao) (viết tắt là Quy chế số 108).
Ngay trong nội dung Hồ sơ thuyết minh chi tiết đề tài khoa học, Điều 20, mẫu PL7-TMNV của Quy chế số 108 đã quy định cụ thể việc Ban Chủ nhiệm phải thuyết minh về dự kiến sản phẩm chính của kết quả nghiên cứu, trong đó, các bài báo, sách chuyên khảo và các sản phẩm khác được coi là một dạng của sản phẩm nghiên cứu với các yêu cầu cụ thể: (1) ghi rõ tên sản phẩm; (2) xác định các yêu cầu khoa học cần đạt; (3) Dự kiến nơi công bố (Tạp chí, Nhà xuất bản). Như vậy, các bài báo đăng trên Tạp chí Kiểm sát cũng như trên các ấn phẩm thông tin báo chí khác được khuyến khích và được coi là một dạng của sản phẩm nghiên cứu. Tuy nhiên, khi đăng tải kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Kiểm sát cũng như các ấn phẩm thông tin báo chí khác, Ban chủ nhiệm đề tài, đề án cần lưu ý tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến danh mục bí mật nhà nước thuộc VKSND, của các bộ, ngành khác cũng như quy định về công tác của Nhà nước, của Ngành.
Điều 45 Quy chế số 108 quy định: Sau khi hoàn thành việc nghiên cứu, Báo cáo tổng thuật kết quả thực hiện đề tài, đề án phải được chuyển giao cho Văn phòng (Phòng Lưu trữ) 02 bộ để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham khảo của công chức, viên chức thuộc VKSND tối cao nói riêng và của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung; chuyển giao 01 cho Đại học Kiểm sát Hà Nội và 01 bộ cho Trưởng Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy. Đồng thời, hàng năm, Vụ 14 đã phát hành 01 tập Thông tin Khoa học kiểm sát phổ biến kết quả nghiên cứu, thực hiện các đề tài, đề án. Theo đó, việc quy định lưu trữ đề tài, đề án mang tính chất bắt buộc tại Tạp chí Kiểm sát là không phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Tạp chí Kiểm sát là đơn vị thông tin, tuyên truyền.
Trả lời:
- Hằng năm, VKSND tối cao (Vụ 14) luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc đề nghị cấp kinh phí chi sự nghiệp khoa học công nghệ cho ngành Kiểm sát nhân dân. Trên cơ sở kinh phí được cấp, Vụ 14 đã tham mưu lãnh đạo VKSND tối cao xây dựng, ban hành Quyết định phân bổ kinh phí khoa học và công nghệ đảm bảo đúng quy định pháp luật, bám sát Quyết định của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, Kế hoạch khoa học và công nghệ, định hướng nghiên cứu khoa học của ngành Kiểm sát nhân dân được Viện trưởng VKSND tối cao phê duyệt và căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của Ngành; cũng như cân nhắc đề xuất, đăng ký thực hiện đề tài, đề án của các đơn vị. Năm 2022, thực hiện chủ trương “hướng về cơ sở”, VKSND tối cao đã triển khai nghiên cứu đề tài, đề án đến các VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu của các VKSND cấp dưới và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND (năm 2022 có 02 đề án và 07 đề tài khoa học cấp cơ sở được giao cho VKSND cấp dưới nghiên cứu). Kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện đã góp phần quan trọng vào hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND các cấp, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại địa phương.
- Nhìn chung, kinh phí được cấp cho hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành Kiểm sát nhân dân có xu hướng tăng qua các năm[9], tuy nhiên, mức kinh phí được cấp vẫn còn hạn chế so với nhu cầu nghiên cứu thực tế của Ngành và đề xuất của VKSND tối cao. Riêng đối với các đơn vị T2 và T3, trong các năm qua, với điều kiện kinh phí còn hạn hẹp nhưng VKSND tối cao luôn quan tâm phân bổ kinh phí nghiên cứu khoa học cho T2 và T3 trên cơ sở đăng ký của các Trường, tập trung phục vụ cho việc xây dựng các Giáo trình công tác kiểm sát[10]. Bên cạnh đó, T2 và T3 còn có nguồn kinh phí tự chủ cho sự nghiệp khoa học và công nghệ, do đó, T2 và T3 cần chủ động phát huy hơn nữa hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí này cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của các đơn vị này.
Trên đây là giải đáp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, VKS các cấp trong năm 03 năm (năm 2020 - 2022) của Vụ 14, kính gửi các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp./.
|
TL. VIỆN TRƯỞNG |
[1] Vụ 14 cũng đã có ý kiến trao đổi tại câu số 39 Phần I.I cuốn sách “Giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết các vụ án, vụ việc về tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy” do Văn phòng - Vụ 14, VKSND tối cao phối hợp với Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản năm 2019.
[2] Vụ 14 cũng đã có ý kiến trao đổi tại câu số 10 phần II Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020.
[3] Điều 25 Luật Tố cáo năm 2018, khoản 3 và khoản 7 Điều 5 Thông tư số 28/2020/TT-BCA
[4] Nội dung này đã được quy định từ khi Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 (khoản 4 Điều 47), rồi đến BLTTDS năm 2004, BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), BLTTDS năm 2015.
[5] Trên tổng số 43 án lệ đã được Tòa án công bố.
[6] Thông tư số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Thông tư số 03/2016/TTLT- VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính,
[7] Nghị quyết Hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của quốc hội về việc thi hành bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính; Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật phá sản; Nghị quyết số 04/2016/NQ-HDTP Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, Thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử; Nghị Quyết 04/2017/NQ-HĐTP Hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án; Nghị Quyết 02/2018/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân; Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ; Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự...
[8] Báo cáo số 134/BC-VKSTC ngày 01/10/2021 về “Sơ kết 05 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 trong ngành Kiểm sát nhân dân (2016-2020)”, Báo cáo số 141/BC-VKSTC ngày 05/10/2021 về “Sơ kết 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 trong ngành Kiểm sát nhân dân (2016-2020)”.
[9] Năm 2021 được cấp 4.210 triệu đồng, năm 2022 được cấp 4.210 triệu đồng, năm 2023 được cấp 4.800 triệu đồng...
[10] Năm 2021 T2 được giao nghiên cứu 03 đề tài khoa học cấp bộ, T3 được giao nghiên cứu 01 đề tài khoa học cấp bộ; năm 2022 T2 được giao nghiên cứu 02 đề tài khoa học cấp bộ, T3 được giao nghiên cứu 01 đề tài khoa học cấp bộ.
Công văn 1120/VKSTC-V14 năm 2023 về tổng hợp, giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp trong 03 năm (năm 2020-2022) do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu: | 1120/VKSTC-V14 |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Người ký: | Hoàng Thị Quỳnh Chi |
Ngày ban hành: | 28/03/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 1120/VKSTC-V14 năm 2023 về tổng hợp, giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp trong 03 năm (năm 2020-2022) do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Chưa có Video