BỘ
Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6636/BYT-BH |
Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2021 |
Kính gửi: Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Khoản 1 Chỉ thị số 07/CT-BYT ngày 15 tháng 7 năm 2021 về việc kiện toàn tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lao, đáp ứng các điều kiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) lao thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); qua khảo sát, đánh giá thực trạng các mô hình KCB lao trên cả 3 tuyến (tỉnh, huyện, xã) hiện đang triển khai cho thấy một số mô hình KCB lao như sau:
Tuyến tỉnh: Mô hình (1): Đang được thực hiện tại các bệnh viện đã ký và đang thực hiện hợp đồng KCB BHYT, bao gồm: Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi tỉnh hoặc Bệnh viện Phổi tỉnh hoặc Khoa Lao, Khoa Truyền nhiễm thuộc bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa khu vực; Mô hình (2): Đang được thực hiện tại các đơn vị chưa ký hợp đồng KCB BHYT, như Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) hoặc Trạm chuyên khoa lao tỉnh.
Tuyến huyện: Mô hình (1): Đang thực hiện ở các cơ sở y tế đã ký và đang thực hiện KCB BHYT, bao gồm: Bệnh viện đa khoa tuyến huyện hoặc Trung tâm Y tế (TTYT) tuyến huyện có chức năng KCB, Mô hình (2): Đang thực hiện tại các đơn vị chưa ký hợp đồng KCB BHYT như TTYT huyện một chức năng.
Tuyến xã: Mô hình (1): Cấp phát thuốc chống lao tại Trạm Y tế tuyến xã đang thực hiện KCB BHYT ban đầu (thông qua hợp đồng do cơ sở KCB tuyến huyện ký); Mô hình (2): Cấp phát thuốc lao tại trạm y tế tuyến xã chưa thực hiện KCB BHYT ban đầu.
Để bảo đảm mục tiêu đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 các cơ sở y tế thống nhất thực hiện công tác KCB trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng các điều kiện KCB lao để được quỹ BHYT chi trả, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Chỉ đạo Phòng chức năng thuộc Sở Y tế hoặc đơn vị chống lao tuyến tỉnh căn cứ mô hình nêu trên để rà soát, báo cáo về mô hình hiện nay trong tổ chức thực hiện KCB lao ở các tuyến trên địa bàn tỉnh. Kết quả khảo sát phải xác định được rõ thực trạng mô hình trên địa bàn thuộc quyền quản lý; lập, gửi báo cáo về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Y tế (qua Chương trình Chống Lao Quốc gia) trước ngày 30 tháng 9 năm 2021.
2. Tổng hợp, trình UBND cấp tỉnh phương án kiện toàn đối với các cơ sở y tế đang thực hiện KCB lao nhưng chưa ký hợp đồng KCB BHYT (mô hình 2 ở các tuyến tỉnh, tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã chưa thực hiện KCB BHYT ban đầu như đã nêu trên) và chỉ đạo các đơn vị này hoàn thành kiện toàn tổ chức trước ngày 30 tháng 11 năm 2021, trong đó:
a) Đối với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (viết tắt là CDC) hoặc trạm chuyên khoa lao tỉnh:
- Trường hợp các đơn vị này đã được cấp phép hoặc đang đề nghị Sở Y tế cấp phép KCB dưới hình thức phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thì cần thúc đẩy tiến độ phê duyệt, cấp phép, làm cơ sở để ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH địa phương thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
- Trường hợp các đơn vị này không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về KCB BHYT, đồng thời trên địa bàn không có bệnh viện chuyên khoa lao, Sở Y tế giao, chỉ đạo bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh:
+ Tổ chức thực hiện việc KCB BHYT đối với người mắc bệnh lao tại một trong các Khoa như: Khoa Truyền nhiễm, Khoa Lây, Khoa Bệnh nhiệt đới hoặc thành lập mới khoa điều trị bệnh lao;
+ Phối hợp chặt chẽ với CDC tỉnh hoặc trạm chuyên khoa lao tỉnh đề thực hiện công tác quản lý người bệnh lao trong quá trình điều trị người bệnh và triển khai các hoạt động phòng chống lao trong toàn tỉnh theo quy định, hướng dẫn về công tác phòng, chống bệnh lao.
b) Đối với TTYT huyện chưa có chức năng KCB:
Tùy điều kiện địa phương, Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh để lựa chọn phương án kiện toàn tổ chức cho phù hợp, nhưng phải bảo đảm được điều kiện để ký hợp đồng KCB BHYT theo quy định của pháp luật, theo đó:
- Phương án 1 (tối ưu): sát nhập TTYT tuyến huyện với bệnh viện đa khoa tuyến huyện thành Trung tâm y tế tuyến huyện hai chức năng;
- Phương án 2: Giao cho bệnh viện đa khoa huyện thực hiện công tác KCB lao và cấp phát thuốc lao. Bệnh viện đa khoa tuyến huyện phối hợp chặt chẽ với TTYT huyện, trạm y tế xã trong quản lý điều trị người bệnh lao;
- Phương án 3: thành lập một trong các Khoa trực thuộc TTYT huyện theo quy định tại Thông tư số 07/2021/TT-BYT ngày 27 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTYT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nếu đủ điều kiện.
c) Đối với tuyến xã (cấp phát thuốc điều trị bệnh lao đang được thực hiện tại các trạm y tế chưa thực hiện KCB BHYT ban đầu): Sở Y tế chỉ đạo một trong các đơn vị y tế tuyến huyện nêu tại Khoản 2 công văn này hướng dẫn trạm y tế thực hiện rà soát, hoàn thiện các điều kiện KCB BHYT ban đầu và nâng cao năng lực cho trạm y tế xã trong việc quản lý, cấp phát thuốc và theo dõi người bệnh điều trị lao.
3. Chỉ đạo các cơ sở y tế đang thực hiện KCB lao trên địa bàn tỉnh tập trung rà soát, bổ sung, kiện toàn một số nội dung để đáp ứng điều kiện KCB lao được quỹ BHYT chi trả từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, trong đó:
Để được quỹ BHYT chi trả đối với các chi phí KCB cho người tham gia BHYT bao gồm cả người bệnh nghi ngờ lao và mắc lao, cơ sở y tế KCB lao cần đáp ứng một số yêu cầu sau:
a) Về hình thức tổ chức (tên gọi) cơ sở KCB:
Cần nghiên cứu, tuân thủ thực hiện theo đúng các quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế (sửa đổi một số điều của Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) và các văn bản có liên quan. Đối với những cơ sở y tế có hình thức tổ chức (tên gọi) chưa đúng với quy định thì phải chỉ đạo khẩn trương tổ chức lại để bảo đảm đúng hình thức tổ chức.
b) Về nhân lực:
Nhân lực tham gia KCB đối với người mắc bệnh lao là người có chứng chỉ hành nghề KCB, bao gồm các chuyên ngành như đa khoa, nội khoa, nội nhi, truyền nhiễm, nội hô hấp... không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề KCB chuyên ngành, chuyên khoa lao. Tuy nhiên, nhân lực thực hiện KCB lao bắt buộc phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP và các văn bản có liên quan. Do đó, bác sĩ thực hiện KCB lao để được quỹ BHYT chi trả ngoài quy định trên thì cần:
- Được tập huấn và có giấy chứng nhận tập huấn về chẩn đoán và điều trị Lao theo quy định tại Quyết định số 1314/QĐ-BYT ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao (“Tất cả các bác sỹ (công và tư) tham gia điều trị người bệnh lao phải được tập huấn theo hướng dẫn của Chương trình Chống lao Quốc gia”);
- Được người đứng đầu cơ sở KCB có văn bản phân công KCB lao.
c) Về trang thiết bị, cơ sở vật chất:
- Đáp ứng theo quy định của pháp luật tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP và các văn bản có liên quan;
- Được mua sắm, quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
d) Xây dựng, thực hiện Quy trình KCB đối với người bệnh nghi ngờ lao, mắc lao và giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT đối với bệnh lao:
Người đứng đầu các cơ sở KCB lao cần khẩn trương rà soát quy trình KCB tại đơn vị, trong đó có KCB lao, bảo đảm đúng quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22 tháng 4 năm 2013 về việc ban hành Hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện, trong đó đặc biệt lưu ý quy trình đăng ký, khám, chẩn đoán và cấp phát thuốc lao, đảm bảo phù hợp với quy trình KCB và giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT thực hiện tại cơ sở KCB, như sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện (gọi tắt là phần mềm HIS), bộ mã danh mục dùng chung, mã bệnh lao theo bộ mã ICD-10, trích chuyển dữ liệu điện tử,... để đáp ứng yêu cầu việc quản lý và giám định, thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT.
4. Chỉ đạo các cơ sở y tế liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ trong quá trình chuyển đổi cơ chế tài chính, kiện toàn, chuyển giao, bảo đảm việc KCB, cấp phát thuốc điều trị đối với người bệnh lao không bị gián đoạn:
a) Ở những đơn vị có chuyển đổi mô hình KCB và cấp phát thuốc lao, TTYT huyện phối hợp chặt chẽ với bệnh viện đa khoa huyện và các trạm y tế xã để tổ chức và triển khai kế hoạch chuyển, tiếp nhận, quản lý điều trị người bệnh lao cho phù hợp.
b) Tuyên truyền, động viên, tư vấn đối với người bệnh chưa tham gia BHYT mua và sử dụng thẻ BHYT để bảo đảm quyền lợi được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe toàn diện, lâu dài trong đó có KCB lao.
c) Xem xét hỗ trợ, đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng chưa tham gia BHYT để bảo đảm có thuốc điều trị bệnh lao đầy đủ, liên tục.
5) Chỉ đạo đơn vị chống lao tuyến tỉnh:
a) Rà soát nhân sự thực hiện KCB lao tại các tuyến trên địa bàn, tổng hợp nhu cầu cần được đào tạo, tập huấn, chủ trì hoặc phối hợp với Chương trình Chống lao Quốc gia và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân lực làm công tác phòng, chống lao, nhất là các y, bác sĩ trực tiếp thực hiện KCB lao để nâng cao năng lực về chẩn đoán, điều trị và quản lý người mắc bệnh lao theo quy định của Bộ Y tế tại quyết định số 1314/QĐ-BYT.
b) Hỗ trợ kỹ thuật, đôn đốc và theo dõi tiến độ kiện toàn việc KCB lao tại các cơ sở y tế trên địa bàn; tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiện toàn, chuyển giao để báo cáo Sở Y tế kịp thời giải quyết; tổng hợp, gửi báo cáo định kỳ về Bộ Y tế theo hướng dẫn của chương trình chống lao quốc gia.
Trên đây là một số nội dung trọng tâm cần triển khai gấp trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu thanh toán bệnh lao do quỹ BHYT chi trả theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Chống lao Quốc gia và Bộ trưởng Bộ Y tế, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế quan tâm chỉ đạo các nội dung hướng dẫn tại công văn này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, bất cập, đề nghị Sở Y tế báo cáo kịp thời về Bộ Y tế (qua Vụ Bảo hiểm y tế) để được xem xét hướng dẫn, giải quyết kịp thời./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Công văn 6636/BYT-BH năm 2021 hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 07/CT-BYT do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu: | 6636/BYT-BH |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Y tế |
Người ký: | Nguyễn Trường Sơn |
Ngày ban hành: | 14/08/2021 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 6636/BYT-BH năm 2021 hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 07/CT-BYT do Bộ Y tế ban hành
Chưa có Video