BỘ
CÔNG THƯƠNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 521/TCQLTT-CNV |
Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2019 |
Kính gửi: Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 14 tháng 3 năm 2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp bàn các biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo và ý kiến phát biểu của các đơn vị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ghi nhận công tác tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi của Tổng cục Quản lý thị trường và lực lượng Quản lý thị trường các địa phương, đặc biệt là 16 tỉnh đã và đang xuất hiện dịch bệnh. Các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường được ban hành kịp thời, quyết liệt, bám sát nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện khẩn số 1194/CĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2018 về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2019 triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Các hoạt động phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường địa phương với các lực lượng chức năng trên địa bàn đã hỗ trợ và tạo điều kiện giúp các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiếp tục lây lan tại Việt Nam và chưa có dấu hiệu dừng lại. Để phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan dịch tả lợn Châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay một số công việc như sau:
- Thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường tại công văn số 1147/TCQLTT-CNV ngày 27 tháng 11 năm 2018 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc; công văn số 325/TCQLTT-CNV ngày 20 tháng 02 năm 2019 về việc tăng cường phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan dịch tả lợn Châu Phi; công văn số 452/TCQLTT-CNV ngày 08 tháng 3 năm 2019 về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
- Tổ chức đánh giá và báo cáo cụ thể hiệu quả thực hiện đối với từng nội dung chỉ đạo tại ba văn bản nêu trên, các vấn đề còn tồn tại, bất cập và nguyên nhân, đề xuất những phương án và giải pháp để Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Địa chỉ email nhận báo cáo: haptv@dms.gov.vn.
- Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình cử công chức phối hợp với các ngành có liên quan trên địa bàn tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn vận chuyển qua địa bàn tỉnh tại 02 chốt liên ngành (chốt Quốc lộ 1A, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch và chốt đường Hồ Chí Minh, xã Tân Ấp, huyện Tuyên Hóa) để ngăn chặn dịch lây lan từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung vào các tỉnh phía Nam.
- Cục Quản lý thị trường các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện nghiêm việc kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam.
Đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện ngay các nội dung nêu trên và báo cáo kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện (nếu có) về Tổng cục Quản lý thị trường, số 91 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội để thống nhất chỉ đạo và tổng hợp, báo cáo./.
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Công văn 521/TCQLTT-CNV năm 2019 về tiếp tục tăng cường triển khai biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi do Tổng cục Quản lý thị trường ban hành
Số hiệu: | 521/TCQLTT-CNV |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Tổng cục Quản lý thị trường |
Người ký: | Trần Hữu Linh |
Ngày ban hành: | 14/03/2019 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 521/TCQLTT-CNV năm 2019 về tiếp tục tăng cường triển khai biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi do Tổng cục Quản lý thị trường ban hành
Chưa có Video