BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 230/BYT-BM-TE |
Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2020 |
Kính gửi: Ủy Ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Ngày 25 tháng 12 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1896/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” (Chương trình dinh dưỡng 1.000 ngày đầu).
Để triển khai thực hiện Chương trình dinh dưỡng 1.000 ngày đầu, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo Sở Y tế, các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện những công việc sau:
1. Tổ chức quán triệt đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình dinh dưỡng 1.000 ngày đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể xã hội từ tỉnh đến cơ sở;
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Chương trình dinh dưỡng 1.000 ngày đầu bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của Chương trình dinh dưỡng 1.000 ngày đầu trong việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, cải thiện tầm vóc và thể trạng trẻ em Việt Nam;
3. Giao Sở Y tế làm đầu mối phối hợp với các sở/ban/ngành liên quan xây dựng và triển khai “Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình dinh dưỡng 1.000 ngày đầu của tỉnh” để thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu của Chương trình dinh dưỡng 1.000 ngày đầu.
- Kế hoạch hành động của địa phương cần cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của tỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn của người dân, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương cũng như các nội dung cần ưu tiên trong lĩnh vực dinh dưỡng. Chú ý ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các khu vực tình trạng suy dinh dưỡng còn cao.
- Triển khai toàn diện các can thiệp về chăm sóc dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời bao gồm: thực hiện chăm sóc sức khỏe và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng tuổi kết hợp với ăn bổ sung hợp lý cho trẻ; định kỳ theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ.
4. Kinh phí triển khai Chương trình được chi từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ y tế, dân số, lồng ghép trong các Chương trình, Dự án có liên quan theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Ngoài ra kinh phí còn được chi từ nguồn dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội.
5. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp để thực hiện Chương trình dinh dưỡng 1.000 ngày đầu theo các mục tiêu, nội dung quyết định của Thủ tướng
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố gửi báo cáo kết quả thực hiện Chương trình trước ngày 30 tháng 11 hằng năm về Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế - 138A Giảng Võ - Ba Đình - Hà Nội để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, đề nghị trao đổi với Vụ SK BM-TE - Bộ Y tế - ĐT 024 38464060 để hướng dẫn và xử lí kịp thời.
Xin trân trọng cảm ơn.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Công văn 230/BYT-BM-TE năm 2020 về thực hiện Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu: | 230/BYT-BM-TE |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Y tế |
Người ký: | Nguyễn Trường Sơn |
Ngày ban hành: | 15/01/2020 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 230/BYT-BM-TE năm 2020 về thực hiện Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” do Bộ Y tế ban hành
Chưa có Video