Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3025/VPCP-KTTH
V/v công tác điều hành giá năm 2021

Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Xét báo cáo và kiến nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 64/TTr-BTC ngày 22 tháng 4 năm 2021 về kết quả công tác điều hành giá quý I năm 2021 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến như sau:

1. Các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai tập trung các biện pháp sau:

a) Tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chủ động, phối hợp chặt chẽ nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá; tăng cường kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô.

b) Thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung ngay một số văn bản quy phạm pháp luật có vướng mắc, chồng chéo, nhất là những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ trong quản lý điều hành giá; đồng thời chủ động các khâu thuộc quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định giá một số hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá để có thể điều chỉnh giá tại các thời điểm thích hợp; tiếp tục nghiên cứu tổng kết đánh giá thi hành Luật giá và các văn bản hướng dẫn; triển khai các bước tiến hành xây dựng hồ sơ báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật giá.

c) Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp nghỉ lễ, cao điểm du lịch. Chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng để tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng.

d) Làm tốt hơn nữa công tác dự báo, phân tích giá cả, cung cầu thị trường xây dựng các kịch bản điều hành giá theo tháng/quý/năm để có phương án điều hành giá phù hợp từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong đó, chú trọng việc đánh giá, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Trường hợp xem xét điều chỉnh trong năm 2021 cần chủ động tính toán, đánh giá liều lượng và mức độ điều chỉnh cho phù hợp và báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo kịp thời.

đ) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát.

e) Điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2021 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

2. Bộ Công Thương: Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới; tính toán, sử dụng quỹ Bình ổn giá hợp lý, nhất là trong các thời điểm khi mặt bằng giá xăng dầu thế giới tăng cao để hạn chế mức tăng giá đột biến trong nước. Nghiên cứu, xây dựng phương án giá điện năm 2021 theo quy định trên cơ sở đánh giá kỹ các chi phí đầu vào, kế hoạch cung cấp điện, chi phí dự kiến và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện để xây dựng phương án điều hành. Nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu mặt hàng thịt lợn để triển khai các biện pháp cân đối cung cầu phù hợp. Chỉ đạo triển khai quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi, không để dịch bệnh tái phát và lây lan diện rộng.

4. Bộ Y tế sớm hoàn tất việc rà soát, phân loại dịch vụ và định mức kinh tế kỹ thuật, tính toán, đề xuất với Ban Chỉ đạo điều hành giá về phương án triển khai bước 3 (kết cấu chi phí quản lý trong giá dịch vụ), để chủ động thực hiện điều chỉnh khi các điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP.

5. Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; tổ chức đánh giá Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 03 tháng 5 năm 2019 quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa; trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, kiểm soát chặt chẽ phương án kê khai giá sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới và đề xuất phương án quản lý giá sách giáo khoa nhằm mục tiêu bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội gửi Bộ Tài chính tổng hợp, sửa đổi văn bản theo quy định.

7. Bộ Xây dựng chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng. Nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường; rà soát đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; nghiên cứu xây dựng giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp; tham mưu Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (về quy hoạch, chủ trương đầu tư các dự án lớn...) để đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

8. Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản; công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch; thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... Có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

9. Bộ Thông tin và Truyền thông: Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện công tác truyền thông, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá. Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác cho các cơ quan báo chí về công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu; tăng cường công khai, minh bạch thông tin về các yếu tố chi phí đầu vào, nhất là các vật tư quan trọng liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

10. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo điều hành giá để phù hợp với cơ cấu thành viên Chính phủ và cơ cấu nhân sự của các Bộ, cơ quan ngang bộ mới được kiện toàn.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTgCP, các PTTg;
- Thành viên Ban Chỉ đạo điều hành giá;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: TH, TKBT, CN, NN, KGVX;
- Lưu: VT, KTTH (2)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công văn 3025/VPCP-KTTH về công tác điều hành giá năm 2021 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 3025/VPCP-KTTH
Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
Người ký: Mai Thị Thu Vân
Ngày ban hành: 08/05/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [7]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công văn 3025/VPCP-KTTH về công tác điều hành giá năm 2021 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…