Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4935/BNN-KH
V/v trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo công văn số 3864/VPCP-ĐHQP ngày 23 tháng 6 năm 2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 89)

Cử tri đề nghị có những chính sách và giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, vì trong hai năm qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung; từ đó giá cả thị trường luôn biến động, nhất là giá xăng dầu và vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá nông sản (lúa, cá …) lại thiếu ổn định, nông dân sản xuất không có lãi như trước đây. Ngoài ra, cử tri đề nghị giảm các loại phí và thuế nhập khẩu các mặt hàng trên, nhằm làm giảm giá thành và chi phí đầu vào cho nông dân.

Bộ Nông nghiệp và PTNT xin trả lời như sau:

Trong hai năm qua, diễn biến thị trường vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là phân bón trong nước biến động lớn; nguyên nhân chính là do nguồn nguyên liệu trên chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine làm đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, giá xăng dầu liên tục tăng cao làm tăng giá cả nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Cụ thể: Phân Urê tăng 136 - 143%, DAP tăng 143 - 164%, Kali tăng 180 - 200% so với tháng 12 năm 2021. Giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tăng 30 - 45%, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng từ 30 - 35% so với tháng 12 năm 2021. Giá dầu Diesel 0.05S, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng lên 65% (ngày 25/12/2021 là 17.579 đồng/lít đến ngày 20/6/2022 là 29.020 đồng/lít, tăng thêm 11.441 đồng/lít). Như vậy chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng, cộng thêm giá các mặt hàng khác tăng theo 10 - 20%, kéo theo chi phí chuyến biển tăng cao...

Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp, như:

- Giám sát nguồn cung, giá bán nông sản: (i) Hướng dẫn địa phương điều chỉnh kế hoạch tổ chức sản xuất, mùa vụ phù hợp với điều kiện thời tiết và theo tín hiệu thị trường, giúp người nông dân có thu nhập ổn định và có lãi; (ii) Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị, đa ngành; phát triển nông nghiệp tuần hoàn; (iii) Tổ chức lại sản xuất, nhất là liên kết sản xuất; tăng cường sơ chế, bảo quản và chế biến sâu; thúc đẩy hợp tác, liên kết theo chuỗi ngành hàng để phù hợp với yêu cầu của thị trường và giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh; (iv) Phát huy công tác khuyến nông cộng đồng hướng đến “giảm chi phí - tăng chất lượng”; hướng dẫn người dân canh tác hiệu quả, giảm vật tư đầu vào, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp.

- Tăng cường minh bạch hóa thông tin giá cả, thị trường nhằm hạn chế thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường; truyền thông nâng cao nhận thức, khuyến cáo về sản xuất nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, hạn chế tình trạng dư thừa hàng hóa trên thị trường.

- Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản: (i) Tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản địa phương tới thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thông qua các diễn đàn trọng điểm; (ii) Tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn, hữu cơ, sản phẩm OCOP thông qua các sự kiện lớn như hội chợ, triển lãm và các phiên chợ, điểm giới thiệu; (iii) Phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác với các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp phân phối, logistic lớn để hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, HTX nông nghiệp; thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua các kênh phân phối hiện đại, nâng cao ý thức về đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và hạn chế các vấn đề bất ổn về giá cả...

Bên cạnh các giải pháp đồng bộ hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển cũng đã chủ động trình hoặc phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ cho nông dân như: Hỗ trợ sản xuất giống gốc, giống đầu dòng (Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020; thực hiện chính hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022); một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn cho đại dịch covid trong đó có người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021), Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - trong đó có các nội dung về giảm các loại phí và thuế nhập khẩu ... (Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022)...

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện nhiều giải pháp, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Để hỗ trợ kịp thời cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp; thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp và chính sách sau:

1. Một số giải pháp cụ thể:

- Phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương đánh giá cân bằng cung - cầu nông sản, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào; tăng cường kiểm tra công khai giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung nông sản, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản làm công cụ theo dõi sản lượng cung cầu, qua đó đưa ra các kịch bản và giải pháp can thiệp cần thiết điều tiết cung cầu từng nhóm hàng và từng khu vực trong các tình huống.

- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng, Doanh nghiệp tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Thúc đẩy sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng mã định danh, mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá nguyên liệu và giá thành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động nhập khẩu (về nguồn hàng, ưu tiên về giá, chất lượng, vận chuyển, lưu thông) nhằm đảm bảo nguồn cung, ổn định giá cả, tạo điều kiện để Doanh nghiệp và người dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất; tăng cường sử dụng thức ăn tinh, giảm thức ăn thô và tận dụng tối đa phụ phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản.

- Tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản, khai thác tối đa các kênh thương mại điện tử, hạn chế khâu trung gian. Phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương tổ chức kết nối, giới thiệu Doanh nghiệp liên kết hợp đồng tiêu thụ, bảo quản, chế biến nông sản; tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản gặp khó khăn tại địa phương. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.

- Tăng cường công tác thông tin, dự báo tình hình cung cầu nông sản. Xây dựng các chương trình truyền thông dài hạn, phạm vi toàn ngành và phát triển các công cụ dự báo thị trường nông sản.

- Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ để người dân yên tâm sản xuất, như chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng...

2. Cơ chế, chính sách:

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ người sản xuất kinh doanh nông nghiệp tạo động lực mới cho phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, nhất là chính sách đất đai, đầu tư, hợp tác công tư, tín dụng, bảo hiểm...Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, yên tâm sản xuất.

Đối với tỉnh An Giang nói riêng và các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL nói chung, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục: Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh thực chất và hiệu quả hơn, góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2018; Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp, thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 18/6/2022 về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng BĐKH.

Ngoài ra, đối với đề nghị giảm các loại phí và thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nêu trên, trong thời gian tới:

- Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh liên quan đến miễn, giảm thuế, lệ phí.

- Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình giá cả thị trường các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và có phối hợp kịp thời với Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách điều chỉnh phù hợp nhằm làm giảm giá thành và chi phí đầu vào cho nông dân.

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và PTNT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang; trân trọng cảm ơn cử tri tỉnh An Giang đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- Thứ trưởng Trần Thanh Nam;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ QHĐP);
- VP Bộ (Phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT, KH.

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công văn 4935/BNN-KH năm 2022 chính sách và giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu: 4935/BNN-KH
Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký: Lê Minh Hoan
Ngày ban hành: 29/07/2022
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [7]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công văn 4935/BNN-KH năm 2022 chính sách và giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [6]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…