BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14049/BTC-NSNN |
Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2006 |
Kính gửi : Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 116/TB-VPCP ngày 08/8/2006 về công tác phòng, chống lụt, bão; Để quản lý, sử dụng nguồn cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai đúng Mục đích, có hiệu quả, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai như sau:
I- VỀ QUẢN LÝ NGUỒN CỨU TRỢ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI:
1- Nguồn cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm:
- Nguồn hỗ trợ từ trung ương: bao gồm tiền bổ sung từ ngân sách trung ương, xuất Quỹ dự trữ quốc gia bằng hiện vật (lương thực, các loại vật tư, phao cứu sinh, xuồng,…) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.
- Nguồn ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
- Nguồn huy động, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho địa phương; hỗ trợ địa phương thông qua đầu mối là Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các nguồn cứu trợ khác (bao gồm cả tiền và hiện vật).
2- Về tổ chức tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ:
Để tổ chức, quản lý tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ có hiệu quả và thống nhất trên một địa bàn, Ủy ban nhân dân các cấp thành lập Ban chỉ đạo tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm trưởng ban, Lãnh đạo ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và Lãnh đạo ngành Tài chính là phó ban, lãnh đạo các Ban, ngành có liên quan và Mặt trận tổ quốc, Hội chữ thập đỏ là thành viên. Ban có nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ, chỉ đạo thành lập các đội xung kích để thực hiện cứu trợ khẩn cấp, kịp thời cho nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng bị cô lập.
3- Về tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ:
a- Tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ bằng tiền:
- Toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, ủng hộ địa phương đều phải tập trung vào tài Khoản tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai do Sở Tài chính mở tại Kho bạc nhà nước. Riêng đối với số tiền ngân sách trung ương bổ sung có Mục tiêu cho ngân sách địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được hạch toán vào tài Khoản thu, chi ngân sách địa phương.
- Đối với số tiền do các tổ chức, cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài) ở trung ương, địa phương và các cơ quan khác trực tiếp thu được qua các đợt phát động phong trào quyên góp, ủng hộ, truyền hình trực tiếp, các tổ chức, cơ quan có trách nhiệm phân bổ cụ thể cho từng địa phương bị thiên tai và làm thủ tục chuyển tiền ngay vào tài Khoản tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai của các địa phương; đồng thời tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số tiền huy động và số tiền đã chuyển cho từng địa phương chậm nhất là 45 ngày sau khi thiên tai xảy ra.
- Các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình nạn nhân cần phối hợp với chính quyền địa phương hoặc thông báo cho chính quyền địa phương biết các Khoản đã hỗ trợ cho từng hộ gia đình để địa phương có chính sách, phương án hỗ trợ hợp lý phù hợp với thực tế của địa phương.
- Trường hợp các tổ chức, cá nhân ủng hộ địa phương bằng ngoại tệ, Ban chỉ đạo tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ, trực tiếp thu tiền và bán số ngoại tệ cho Ngân hàng Thương mại; đồng thời đề nghị Ngân hàng thương mại mua ngoại tệ chuyển tiền vào tài Khoản tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai số tiền đồng Việt Nam tương ứng theo tỷ giá Ngân hàng Thương mại công bố tại thời Điểm thanh toán.
b- Tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ bằng hiện vật:
Căn cứ Điều kiện cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định và có văn bản hướng dẫn các ngành, các cấp của địa phương thành lập các Điểm tiếp nhận hàng cứu trợ; toàn bộ hàng hóa cứu trợ phải được giao, nhận đầy đủ về số lượng, chất lượng tại các Điểm tiếp nhận hoặc kho tiếp nhận theo quy định của cấp có thẩm quyền. Trường hợp cần phải cứu trợ khẩn cấp và để giải phóng nhanh hàng hóa tại Điểm tiếp nhận, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phân phối ngay hàng hóa thiết yếu (quần áo, gạo, mỳ ăn liền, thực phẩm khác,…) cho các đối tượng được hỗ trợ theo mức do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
Riêng đối với lương thực, vật tư hàng hóa được xuất kho từ dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Cục Dự trự quốc gia có trách nhiệm giao hàng cho địa phương tại tỉnh lỵ hoặc các huyện lỵ theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
II- SỬ DỤNG NGUỒN CỨU TRỢ:
1- Nguyên tắc sử dụng các nguồn cứu trợ: căn cứ chế độ chính sách chi khắc phục hậu quả thiên tai do Chính phủ quy định và nguồn cứu trợ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chế độ, phân phối hàng hóa, tiền cứu trợ theo nguyên tắc thống nhất trên địa bàn địa phương đảm bảo mối quan hệ hợp lý giữa các đợt thiên tai; giữa nạn nhân, gia đình bị nạn với các đối tượng chính sách như gia đình thương binh, liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng…; nghiêm cấm các cấp, các ngành đặt ra các chế độ riêng trái với quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đối với các Khoản hỗ trợ có tính cấp bách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể Điều chỉnh mức hỗ trợ cho phù hợp với thực tế của địa phương, nhưng không được thấp hơn mức hỗ trợ do Chính phủ quy định.
2- Đối tượng được hỗ trợ: nạn nhân, thân nhân của nạn nhân (ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con) bị ảnh hưởng của thiên tai trong các trường hợp như: ngư dân trên biển gặp bão, áp thấp nhiệt đới; nạn nhân bị bão, lở đất, lở núi, lũ cuốn, lũ quét, lốc cuốn, mưa đá, tai nạn lao động do khắc phục hậu quả thiên tai…
3- Nội dung chi cho công tác cứu trợ: căn cứ nguồn cứu trợ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai cho các nội dung sau:
a- Hỗ trợ khẩn cấp; cứu đói, cứu rét (lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh…), cấp cứu người bị thương, hỗ trợ tiền mai táng đối với gia đình có người chết; thăm hỏi gia đình có người bị nạn; hỗ trợ xây dựng nhà bị đổ, bị trôi, bị hư hỏng nặng…; nhằm ổn định cuộc sống trước mắt đối với nạn nhân, thân nhân của nạn nhân.
b- Hỗ trợ có tính chất lâu dài: sau khi đã sử dụng nguồn cứu trợ để chi hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định tại Điểm a Mục này mà kinh phí còn dư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyết định sử dụng kinh phí để thực hiện các chính sách, chế độ, hỗ trợ có tính lâu dài phù hợp với khả năng ngân sách và nguồn cứu trợ của địa phương, cụ thể:
- Hỗ trợ kinh phí cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân có lao động chính bị chết để mua hoặc sửa chữa công cụ, phương tiện sản xuất chủ yếu bị mất, hư hỏng nặng do thiên tai gây ra để tiếp tục sản xuất.
- Hỗ trợ giống, phân bón phục vụ cho sản xuất; sửa chữa đường giao thông, các công trình thủy lợi thiết yếu, đê Điều, trường học, bệnh viện, trạm y tế…
- Hỗ trợ kinh phí để xóa nhà tạm (nếu còn) cho những gia đình bị nạn; có chính sách ưu tiên trợ cấp xã hội hàng tháng cũng như lâu dài đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là các nạn nhân, thân nhân của người bị nạn không còn nơi nương tựa, không còn khả năng lao động.
4- Công khai kinh phí cứu trợ: Chính sách hỗ trợ cũng như mức hỗ trợ cho các đối tượng theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thực hiện công khai theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước đối với cá nhân, dân cư.
5- Nguồn cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai qua từng đợt huy động chưa sử dụng hết được sử dụng cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai đợt sau. Trường hợp trong năm nguồn cứu trợ còn dư được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện.
III- TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH, CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN:
1- Trong Điều kiện khẩn cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định những vấn đề cấp bách liên quan đến việc cứu trợ, cứu nạn và chịu trách nhiệm về việc ủy quyền này. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và trước pháp luật về những vấn đề đã quyết định.
2- Kho bạc nhà nước có trách nhiệm giải quyết kịp thời kinh phí, thực hiện chi trả kinh phí cho các cơ quan, đơn vị, đối tượng được hưởng kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận và sử dụng kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí và nguồn cứu trợ bằng hiện vật theo đúng quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đồng thời có trách nhiệm báo cáo kết quả sử dụng cho cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp báo cáo Ban Phòng chống lụt bão địa phương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
IV- QUẢN LÝ TÀI CHÍNH, CHẾ ĐỘ BÁO CÁO;
1- Quản lý tài chính:
- Sở Tài chính có trách nhiệm mở sổ sách theo dõi chi Tiết các Khoản thu, chi phát sinh, số dư trên tài Khoản cứu trợ thiên tai theo quy định. Kho bạc nhà nước thực hiện kiểm soát chi theo quy định.
- Cấp phát kinh phí: căn cứ quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Sở Tài chính làm thủ tục đề nghị Kho bạc nhà nước trích tiền từ tài Khoản tiền gửi tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai nộp vào ngân sách nhà nước (ngân sách địa phương hưởng 100%, Mục 054, Tiểu Mục 03); đồng thời làm thủ tục chi hỗ trợ có Mục tiêu cho ngân sách cấp dưới hoặc bổ sung dự toán ngân sách cho các Sở, cơ quan đơn vị.
Đối với các Khoản tiền cứu trợ trực tiếp cho dân, Ủy ban nhân dân xã trực tiếp nhận tiền mặt từ Kho bạc nhà nước để chi trả cho dân. Việc giao nhận tiền phải có ký nhận theo quy định.
- Đối với các Khoản tiếp nhận, cấp phát bằng hiện vật: các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, phân phối hàng viện trợ tại các địa Điểm giao nhận hàng hóa theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đồng thời mở sổ sách theo dõi các Khoản nhập, xuất, tồn kho hàng hóa theo quy định.
2- Chế độ báo cáo và quyết toán:
- Chậm nhất 60 ngày sau khi thiên tai xảy ra, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương về số hàng hóa, kinh phí đã huy động được (chi Tiết theo từng nguồn: ngân sách địa phương, ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn ủng hộ đóng góp…) và số đã sử dụng, chi cho từng Mục tiêu (cứu trợ dân sinh, xử lý môi trường…).
- Kết thúc năm ngân sách, các đơn vị được cấp kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai có trách nhiệm báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng theo chế độ tài chính hiện hành cho cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp báo cáo Sở Tài chính để tổng hợp quyết toán chi ngân sách các cấp theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng nguồn cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định tại văn bản này./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Công văn số 14049/BTC-NSNN của Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng nguồn cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai của các địa phương
Số hiệu: | 14049/BTC-NSNN |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính |
Người ký: | Trần Văn Tá |
Ngày ban hành: | 10/11/2006 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn số 14049/BTC-NSNN của Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng nguồn cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai của các địa phương
Chưa có Video