BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6048/BGDĐT-NGCBQLGD |
Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2021 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được Công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021 của Ban dân nguyện về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng gửi tới trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Nội dung kiến nghị:
Cử tri cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song một nhân tố có vai trò quyết định trực tiếp đó là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Việc đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ngành Giáo dục đã được quan tâm, song chất lượng đào tạo có sự chênh lệch khá lớn giữa các trường Trung ương và địa phương (đầu vào và đầu ra). Cử tri kiến nghị Chính phủ cần (1) rà soát và đánh giá tổng thể các trường đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý; (2) từ đó, có giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ nhà giáo đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới (Câu 97).
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Về việc rà soát và đánh giá tổng thể các trường đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý:
Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã triển khai nghiên cứu rà soát và sắp xếp tổ chức lại hệ thống trường sư phạm. Ngày 31/7/2019, Bộ GDĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án "Sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm"; ngày 04/10/2019, Bộ GDĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ "Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập" để hình thành được hệ thống cơ sở GDĐH công lập với số lượng, cơ cấu hợp lý, qua đó tăng hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng GDĐH. Theo Công văn số 196/TB-VPCP ngày 01/6/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thì Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tiếp thu, giải trình ý kiến của các bên liên quan để hoàn thiện và sử dụng 02 Đề án này vào việc xây dựng Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022. Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể các trường đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý và xây dựng hệ thống các trường sư phạm bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Về các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ nhà giáo đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới:
Trước những yêu cầu đổi mới giáo dục đòi hỏi rất nhiều ở đội ngũ nhà giáo, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng được yêu cầu mới, cụ thể:
Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai các đề án đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025" ban hành kèm theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 89/2019/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Các đề án này đã và đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương triển khai theo đúng lộ trình, từng bước chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành các Chương trình bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non, phổ thông để đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm làm căn cứ để quản lý, chỉ đạo, tổ chức và biên soạn tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, nâng cao mức độ đáp ứng của đội ngũ giáo viên đối với yêu cầu phát triển giáo dục.
Ban hành các văn bản để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018: như Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy Tin học và Công nghệ ở tiểu học, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở THCS; quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên; Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Công văn 6048/BGDĐT-NGCBQLGD năm 2021 về rà soát và đánh giá tổng thể các trường đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu: | 6048/BGDĐT-NGCBQLGD |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký: | Nguyễn Kim Sơn |
Ngày ban hành: | 23/12/2021 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 6048/BGDĐT-NGCBQLGD năm 2021 về rà soát và đánh giá tổng thể các trường đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Chưa có Video