BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:
5138/BGDĐT-GDĐH |
Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2022 |
Kính gửi: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trân trọng báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về một số nội dung chính trong công tác tuyển sinh đại học (ĐH) và tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (CĐ) năm 2022 như sau:
1. Về công tác chuẩn bị triển khai thực hiện
a) Để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản[1]: Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu, Quy chế tuyển sinh, Kế hoạch tuyển sinh, Công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh và các Công văn đôn đốc triển khai thực hiện.
b) Quy chế tuyển sinh năm 2022 có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật sau:
- Thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ sau khi đã thi tốt nghiệp THPT và thời gian đăng ký kết thúc khi thí sinh đã được thông báo kết quả phúc khảo điểm thi THPT (năm 2021 đăng ký xét tuyển vào đại học thực hiện cùng thời điểm với việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT);[2]
- Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển của tất cả phương thức xét tuyển vào ĐH, CĐ Hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung (Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia - gọi chung là Hệ thống), bao gồm cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển sớm đã được cơ sở đào tạo (CSĐT) thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT);[3]
- Việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ, nộp lệ phí xét tuyển và xác nhận nhập học thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống;[4]
- Các CSĐT tổ chức xét tuyển sớm, tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng chung giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký và đủ điều kiện trúng tuyển;
- Từ năm 2023 áp dụng chính sách giảm điểm ưu tiên đối tượng và khu vực đối với thí sinh có kết quả điểm xét tuyển cao (từ 22,5 điểm trở lên khi quy đổi theo thang điểm 10 và tổng điểm 3 môn) nhằm đảm bảo sự công bằng và khắc phục tình trạng có thí sinh đạt kết quả điểm xét tuyển là 30 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển ĐH, CĐ.
c) Tuyên truyền, phổ biến Quy chế tuyển sinh và chuẩn bị các điều kiện về công nghệ thông tin để triển khai công tác tuyển sinh
- Bộ GDĐT cùng các CSĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh năm 2021, rút kinh nghiệm về các vướng mắc trong tuyển sinh năm 2021 và các năm trước, thống nhất điều chỉnh, bổ sung Quy chế tuyển sinh và các văn bản hướng dẫn ban hành năm 2022; tổ chức tập huấn về Quy chế tuyển sinh, Hệ thống phần mềm tuyển sinh; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông và các CSĐT để truyền thông và giải đáp các băn khoăn cho thí sinh; trước các đợt đăng ký xét tuyển, xử lý nguyện vọng, thí sinh và CSĐT đều được thực hành trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (như làm chính thức);
- Bộ GDĐT tổ chức nâng cấp, hoàn thiện và vận hành Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung; kết nối hệ thống của Bộ GDĐT với Cổng dịch vụ công Quốc gia qua nền tảng thanh toán trực tuyến (do Văn phòng Chính phủ quản lý), thống nhất về quy trình thực hiện đối với CSĐT;
- CSĐT nhập dữ liệu thông tin về tuyển sinh và các điều kiện sơ tuyển vào Hệ thống;
- CSĐT tải dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh phục vụ cho xét tuyển và công bố kết quả trúng tuyển.
2. Về việc thanh toán lệ phí xét tuyển theo hình thức trực tuyến
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Bộ GDĐT tổ chức xây dựng, kết nối hệ thống thanh toán trực tuyến nguyện vọng xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT trên Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia được kết nối với 15 đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến thông qua tài khoản của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Bưu chính viễn thông (làm đầu mối) trong việc thu lệ phí xét tuyển do các CSĐT trên cả nước ủy quyền; các CSĐT, các sở GDĐT xây dựng và thống nhất quy chế phối hợp hỗ trợ trong công tác tuyển sinh về việc rà soát cơ sở dữ liệu của thí sinh: đối tượng, khu vực ưu tiên, cơ sở dữ liệu ngành, xử lý nguyện vọng xét tuyển.
Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện thanh toán số, với số lượng thí sinh đông (trên 400.000) và phần lớn chưa được làm quen với phương thức thanh toán trực tuyến vì vậy các CSĐT, sở GDĐT, trường phổ thông, Bộ GDĐT và các cơ quan, đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng, khắc phục mọi khó khăn để tạo thuận lợi tốt nhất có thể cho thí sinh thực hiện quy định này.
Việc nộp lệ phí tại thời điểm sau khi thí sinh đã chốt việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển để đảm bảo quyền lợi thí sinh (sau khi thí sinh có nhu cầu điều chỉnh tăng hoặc giảm số nguyện vọng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu).
Việc kéo dài dài thời gian và phân tải theo địa phương để thí sinh nộp lệ phí trực tuyến do quá tải của nền tảng thanh toán trực tuyến, Bộ GDĐT đã thông báo kịp thời, rộng rãi về vấn đề này và tổ chức hỗ trợ cho thí sinh, đảm bảo quá trình thanh toán thông suốt, việc điều chỉnh này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh hoàn toàn không gây khó khăn cho thí sinh, đồng thời không ảnh hưởng đến kế hoạch xét tuyển theo kế hoạch chung đã ban hành.
Với các thí sinh chưa nộp lệ phí (không phân biệt lý do), đã được nhắc nhở, đôn đốc tiếp tục hoàn thành việc nộp lệ phí trên hệ thống, kết quả có trên 97% tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đã hoàn thành việc nộp lệ phí trực tuyến theo quy định.
Số kinh phí thu từ thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT về tài khoản của 02 CSĐT đại diện thu nhận theo ủy quyền của các CSĐT trên cả nước sẽ được chi trả về cho các đơn vị liên quan trên cơ sở chức năng nhiệm vụ đã được quy định tại quy chế phối giữa các CSĐT và các địa phương, trong đó chủ yếu chi trả cho các địa phương để phục vụ địa phương thực hiện các nhiệm vụ: tư vấn, hỗ trợ thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển; rà soát cơ sở dữ liệu về khu vực ưu tiên (khu vực ưu tiên của trường THPT, danh mục xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn); rà soát thông tin thí sinh đăng ký xét tuyển; kiểm tra, rà soát, xác nhận khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên cho thí sinh; kiểm tra và thông báo cho thí sinh các nguyện vọng không hợp lệ; giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại của thí sinh; đôn đốc, hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí tuyển sinh đúng thời hạn; cập nhật, rà soát kết quả học tập cấp THPT được đồng bộ từ cơ sở dữ liệu ngành; hướng dẫn thí sinh xác nhận nhập học, v.v; tiếp đến là chuyển trả về các CSĐT phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức xét tuyển; chuyển trả về Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ: nâng cấp và vận hành hệ thống, thuê máy chủ lưu dữ liệu tuyển sinh các năm, thuê đường truyền phục vụ công tác hỗ trợ tuyển sinh chung, v.v.
3. Đánh giá quá trình triển khai và kết quả
a) Đánh giá chung
Việc xác nhận nhập học tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1 năm 2022 đã kết thúc vào ngày 30/9. Điểm mới đột phá năm nay đó là hệ thống công nghệ, thực hiện tất cả quy trình tuyển sinh trên môi trường số (có kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia). Đây cũng là một phần nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án 06/QĐ-TTg[5] (phần tổ chức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đã được triển khai trước đó trong tháng 4, tháng 5/2022).
Đến thời điểm này, có thể khẳng định kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay đã rất thành công, những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả đúng như kỳ vọng, đó là công bằng, hiệu quả và minh bạch.
Các em thí sinh là những người được hưởng lợi nhất: được đăng ký nguyện vọng sau khi có điểm thi và điểm sàn của các CSĐT công bố; được bảo đảm quyền lựa chọn trường, chọn ngành theo nguyện vọng mong muốn, nộp lệ phí xét tuyển theo số nguyện vọng đăng kí, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển lớn nhất.
Các CSĐT được bảo đảm cạnh tranh (và buộc phải cạnh tranh) một cách bình đẳng và minh bạch, thực hiện công tác xét tuyển thuận tiện, giảm bớt nhiều quy trình, thủ tục riêng. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm lớn, đồng nghĩa với việc các CSĐT tuyển sát hơn với số chỉ tiêu đã công bố. Hơn nữa, nhìn một cách logic, cơ hội lựa chọn và cơ hội trúng tuyển của thí sinh càng cao thì các CSĐT cũng sẽ tuyển được nhiều thí sinh phù hợp nhất.
Điều này được thể hiện rõ qua số lượng thí sinh trúng tuyển đạt 567.000, tỷ lệ trúng tuyển đạt trên 91% (tính trên số thí sinh đăng ký xét tuyển), số lượng thí sinh xác nhận nhập học đạt 464.000 và tỷ lệ thí sinh xác nhập nhập học đạt trên 82% (tính trên số thí sinh trúng tuyển), đều là những con số cao hơn nhiều so với các năm gần đây.[6]
Một điều rất quan trọng là từ năm nay, Bộ GDĐT có được một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và minh bạch về tuyển sinh, nhập học hơn của cả hệ thống để có thể phân tích phục vụ xây dựng, điều chỉnh chính sách, kiểm tra và giám sát tốt hơn.
Một thông tin phân tích ban đầu rất đáng chú ý là tính trên toàn quốc, số thí sinh nữ trúng tuyển chiếm 55% trong khi số thí sinh nam chỉ là 45%; thậm chí có tỉnh mà tỷ lệ này là 63%-37%. Trong tổng số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học, số thí sinh nữ còn chiếm tỷ lệ cao hơn, là 56%, tương ứng với số thí sinh nam là 44%.
Trong thời gian qua, bên cạnh rất nhiều thông tin phản ánh hiệu quả tích cực về những đổi mới của Bộ GDĐT năm nay, nhất là từ các CSĐT là những nơi trực tiếp tham gia vào quá trình này, cũng có một số ý kiến khác nhau (được đưa tập trung trên một vài tờ báo), như ý kiến về việc Bộ GDĐT làm thay các CSĐT, nên trả lại quyền tự chủ tuyển sinh cho các CSĐT, hay hệ thống phần mềm chưa được thử nghiệm, có nhiều lỗi. Bộ GDĐT đã kịp thời cung cấp thông tin, giải thích đầy đủ trên Cổng thông tin của Bộ GDĐT và cho các cơ quan truyền thông, báo chí những bài đăng gần đây đã làm rõ những nội dung này. Do hệ thống tuyển sinh năm nay đã tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, vì vậy cũng có những CSĐT sẽ không tuyển sinh được số lượng như các năm trước (đơn giản là do thí sinh không chọn) sẽ không hẳn đồng thuận với những điều chỉnh kỹ thuật của năm nay.
Về quyền tự chủ tuyển sinh, Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019/NĐ-CP đã quy định định rõ các CSĐT được quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh phù hợp quy định của pháp luật; xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GDĐT. Quy chế tuyển sinh mới có thể sẽ khiến các CSĐT bớt tự do hơn, bớt chủ động hơn trong một số trường hợp nhưng quyền tự chủ của các CSĐT hoàn toàn được tôn trọng. Khi xây dựng quy chế tuyển sinh và nâng cấp hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung, Bộ GDĐT đã lấy ý kiến góp ý của các CSĐT, trong đó thống nhất đề cao nguyên tắc công bằng và bảo đảm tốt hơn quyền lợi của thí sinh. Điều này cũng tạo điều kiện tốt hơn cho các CSĐT bởi nếu thí sinh có quyền lựa chọn nhiều hơn và cơ hội trúng tuyển cao hơn, công bằng hơn thì các CSĐT cũng có cơ hội tuyển sinh tốt hơn về số lượng và chất lượng.
Dưới góc độ quản lý, mặc dù các CSĐT có quyền tự chủ trong việc đưa ra và chủ động thực hiện các phương thức tuyển sinh, nhưng Bộ GDĐT phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tình trạng đăng ký xét tuyển, kết quả trúng tuyển và nhập học (theo Luật GDĐH giao Bộ GDĐT xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học). Trên cơ sở dữ liệu này, Bộ GDĐT sẽ có những phân tích, nhận định để thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước và hỗ trợ các CSĐT trong việc xác định phương thức xét tuyển phù hợp, công bằng và đảm bảo chất lượng. Nếu như các CSĐT có nhiều phương thức xét tuyển phức tạp, không đảm bảo quyền lợi, sự công bằng giữa các thí sinh hoặc xét tuyển vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu thì Bộ GDĐT có căn cứ và công cụ để điều chỉnh. Đây cũng là cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia xử lý các thủ tục hành chính công theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (thí sinh đăng kí dự thi THPT, xét tuyển ĐH, CĐ, nộp lệ phí, xác nhận nhập học ...)
Hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh đã được Tập đoàn Viettel hỗ trợ nâng cấp và cùng vận hành (miễn phí) theo các quy trình bài bản, chặt chẽ, đương nhiên phải bao gồm cả quy trình kiểm thử và chạy thử ở nhiều mức độ, phạm vi khác nhau. Nhìn tổng thể hệ thống đã chạy rất tốt, tuy một vài vấn đề kỹ thuật nhỏ nhưng đã được khắc phục kịp thời, không ảnh hưởng tới quy trình, kết quả xét tuyển (như việc kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia ban đầu có trục trặc do số lượng thí sinh đồng thời truy cập quá lớn phải xếp lịch phân luồng, phân tải).
Bên cạnh đó, đây là năm đầu tiên đổi mới mạnh mẽ nên một số thí sinh cũng còn bỡ ngỡ và thiếu cẩn trọng khi thao tác trên hệ thống, dẫn tới sai sót, nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng. Đối với toàn hệ thống bao gồm hơn 300 CSĐT (bao gồm cả phân hiệu trường đại học và trường cao đẳng), 18.000 mã xét tuyển (theo ngành đào tạo và phương thức tuyển sinh), 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển và 3,1 triệu nguyện vọng, việc xảy ra sai sót là khó tránh khỏi, dù là thực hiện trực tuyến trên một hệ thống hay trên nhiều hệ thống riêng của các CSĐT. Mặc dù quy trình đăng ký rất chặt chẽ (buộc thí sinh phải cân nhắc kỹ và xác nhận), thời gian đăng ký kéo dài hơn một tháng, vẫn có một tỷ lệ nhất định thí sinh mắc sai sót, nhầm lẫn. Bộ GDĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời để tổ kỹ thuật và các CSĐT phối hợp giải quyết hầu hết các trường hợp sai sót, nhầm lẫn của thí sinh; đến thời điểm hiện tại đã xử lý hết các trường hợp.
Nhìn tổng thể, có thể coi hệ thống tuyển sinh năm nay là một ví dụ tiêu biểu, đột phá cho chuyển đổi số trong ngành, tiên phong thực hiện chủ trương của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ. Bộ GDĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm, trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
b) Kết quả công tác đăng ký xét tuyển và tuyển sinh
Kết quả thống kê tổng hợp, phân tích số liệu trên Hệ thống trước khi xử lý nguyện vọng (NV):
- Số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT: 1.002.525
- Số thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào ĐH; CĐ: 642.270 = 64,07% số đăng ký dự thi
- ĐKXT trực tuyến: 100%
- Số nguyện vọng ĐKXT: 3.068.538, trung bình 4,78 nguyện vọng/1 thí sinh
- Đối với việc xét tuyển sớm theo kế hoạch của CSĐT:
+ Trung bình 01 thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,3 nguyện vọng
+ 35% thí sinh trúng tuyển phương thức XT sớm: đăng ký NV1
+ 30% thí sinh đăng ký các NV khác (không phải NV1 trong xét tuyển sớm)
+ 35% đã đăng ký xét tuyển sớm và được CSĐT thông báo đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không đăng ký các NV xét tuyển sớm vào hệ thống.
- Số thí sinh xét tuyển thẳng xác nhận nhập học ngay: 28%
Như vậy, có đến 30% thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm đăng ký theo NV khác NV1; có 35% thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm còn lại hoàn toàn không muốn vào các ngành mà mình đã được công bố trúng tuyển sớm; có 72% thí sinh đã trúng tuyển thẳng tiếp tục lựa chọn đăng ký xét tuyển mà không xác nhận nhập học ngay.
Kết quả tuyển sinh năm 2022 đến thời điểm đầu tháng 10/2022:
- Tổng số nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển vào các cơ sở đào tạo đưa lên Hệ thống để xử lý nguyện vọng là 1.259.645.
- Tổng số thí sinh được xét trúng tuyển đợt 1: 567.399 (trong đó 3.580 trúng tuyển CĐSP) đạt 97,03% chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu toàn quốc năm 2022 tăng khoảng 60.000 tương đương với 12% so với năm 2021). Số lượng trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển như sau:
Phương thức |
Chỉ tiêu |
Số NV |
Số NV1 |
Trúng tuyển |
Tỷ lệ trúng tuyển trong tổng số |
Xét điểm thi tốt nghiệp THPT |
265.762 |
2.235.526 |
355.146 |
290.260 |
51,16% |
Xét điểm học bạ THPT |
237.420 |
753.300 |
224.727 |
237.513 |
41,86% |
Các phương thức khác |
82.202 |
147.859 |
39.270 |
39.626 |
6,98% |
Trung bình số nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển so với số nguyện vọng đạt (số thí sinh trúng tuyển) sau khi xử lý nguyện vọng (lọc ảo) là 2,22 lần, trong đó có những cơ sở đào tạo có tỷ lệ ảo gấp gần 6 lần (như Khoa Y dược - Đại học Đà Nẵng). Chỉ có các trường thuộc khối ngành Công an, Quân đội do chỉ xét tuyển NV1 nên không gặp phải hiện tượng ảo như các cơ sở đào tạo khác.
Số nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển so với số nguyện vọng đạt sau khi xử lý nguyện vọng các phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm học bạ THPT, các phương thức khác lần lượt là: 2,6; 1,80 và 1,99.
Qua quá trình xử lý nguyện vọng, đã có 567.000 thí sinh được xác định trúng tuyển, cao hơn cả số thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2021 (516.000). Số lượng thí sinh xác nhận nhập học đạt 464.000 và tỷ lệ thí sinh xác nhập nhập học đạt trên 82% (tính trên số thí sinh trúng tuyển), đều là những con số cao hơn nhiều so với các năm gần đây[7]. Đặc biệt, có tới 75% số CSĐT có tỷ lệ nhập học vượt 80%, trong khi chỉ có 6% số CSĐT có tỷ lệ nhập học dưới 50%; đây là những con số thể hiện tỷ lệ thí sinh ảo đã giảm rất nhiều.
Như vậy, vai trò của việc xử lý nguyện vọng cho tất cả các phương thức xét tuyển của CSĐT là vô cùng cần thiết, đóng vai trò quan trọng giúp cho các CSĐT giảm thiểu được thí sinh ảo giữa các phương thức xét tuyển của chính mình và ảo giữa các CSĐT khác (năm 2022, cũng là năm đầu tiên tất cả các phương thức xét tuyển được đưa lên hệ thống để lọc ảo); thí sinh được lựa chọn nguyện vọng đúng ngành và CSĐT mong muốn.
4. Dự kiến phương hướng công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo
Công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các CSĐT và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.
Bộ GDĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền Hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiếu sai sót, nhầm lẫn có tính logic.
Bộ GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn các CSĐT rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, trong đó có thể xem xét khuyến cáo các CSĐT không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022, mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT - tuyển sinh đợt 1.
Chính sách ưu tiên đối tượng, khu vực trong tuyển sinh năm 2023 sẽ giảm tuyến tính từ mức điểm gây mất công bằng đối với tổng ba môn thi THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ[8] theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Quy chế quy định. Cụ thể:
Điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2 Điều này
Trên đây là một số nội dung chính trong công tác tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Trân trọng cảm ơn./.
|
BỘ
TRƯỞNG |
1 Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (Quy chế tuyển sinh); Quyết định số 1683/QĐ-BGDĐT ngày 17/6/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022; Công văn số 2598/BGDĐT-GDĐH ngày 20/6/2022 hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; Công văn số 2969/BGDĐT-GDĐH ngày 13/7/2022 về rà soát, cung cấp và công bố thông tin tuyển sinh các hình thức đào tạo của trình độ đại học; trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022; Công văn số 3883 ngày 15/8/2022 về việc triển khai công tác tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022; Công văn số 3966/CNTT ngày 19/8/2022 về việc hỗ trợ thông tin về triển khai thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển đại học; Công văn số 3883/BGDĐT-GDĐH ngày 15/8/2022 và Công văn số 4482/BGDĐT-GDĐH ngày 13/9/2022; công văn số 4533 ngày 15/9/2022 về việc tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng năm ngành Giáo dục Mầm non năm 2022.
2 Điều chỉnh này là nhằm giải quyết các hạn chế của các năm trước đó, do thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ ngay khi đăng ký dự thi tốt nghiệp, khi chưa biết kết quả thi và năng lực thực sự của mình để dự tuyển vào ĐH, CĐ. Việc đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển các năm trước thực hiện trong 2 giai đoạn khác nhau, cũng là không cần thiết, có thể nhập lại cùng một giai đoạn để thuận lợi hơn cho thí sinh.
3 Điều chỉnh này là nhằm tạo cơ hội tối đa, công bằng, minh bạch đối với thí sinh để lựa chọn được trường và ngành đào tạo phù hợp nhất, trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên nhất so với năng lực và mong muốn của mình, tránh tình trạng thí sinh chịu sức ép phải xác nhận nhập học sớm đối với các phương thức xét tuyển sớm như các năm trước.
Đối với phương thức xét tuyển sớm, những năm trước các CSĐT thường yêu cầu thí sinh nhập học sớm (trước thời điểm Hệ thống chung xử lý nguyện vọng), số chỉ tiêu còn lại CSĐT sẽ đưa vào xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhược điểm của phương án này là không bảo đảm sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển, giữa các thí sinh, giữa các CSĐT do xét tuyển và gọi nhập học sớm trước dẫn đến tình trạng ở nhiều CSĐT có số thí sinh nhập học lớn hơn so với chỉ tiêu dự kiến vì vậy CSĐT phải điều chỉnh giảm số chỉ tiêu còn lại, dẫn đến một số ngành có số chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT còn quá ít, từ đó dẫn đến điểm trúng tuyển tăng cao bất thường; mặt khác CSĐT bắt buộc thí sinh phải nhập học trước, đã làm thí sinh mất quyền lựa chọn nguyện vọng mong muốn cao nhất khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển tại đợt xét tuyển chung (năm 2022 có 35% thí sinh đăng xét tuyển đại học đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển sớm và đủ điều kiện trúng tuyển trừ điều kiện tốt nghiệp THPT).
4 Việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi khâu của quá trình tuyển sinh (thực hiện trực tuyến) là nhằm thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục đại học theo các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 131/2022/QĐ-TTg, Quyết định 06/2022/QĐ-TTg). Hệ thống tuyển sinh của năm 2022 được nâng cấp từ hệ thống đăng ký xét tuyển và lọc ảo trực tuyến đã vận hành ổn định từ nhiều năm; năm 2022 mở rộng thêm chức năng đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến, thanh toán lệ phí xét tuyển và xác nhận nhập học trực tuyến.
5 “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
6 Số lượng thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 của năm 2022 (tính đến hết ngày 30/9/2022) đã vượt tổng số thí sinh nhập học của cả năm 2020 (458.524 em) và đã bằng 90% của cả năm 2021 (hơn 516.000 em).
7 Số lượng thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 của năm 2022 (tính đến hết ngày 30/9/2022) đã vượt tổng số thí sinh nhập học của cả năm 2020 (458.524 em) và đã bằng 90% của cả năm 2021 (hơn 516.000 em).
8 Năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên; ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược... thì tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp; tỷ lệ thí sinh phải có điểm ưu tiên trúng tuyển cao dẫn đến dư luận cho rằng điểm ưu tiên trở lên thiếu công bằng. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến và việc rà soát điểm ưu tiên năm 2020, 2021 nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên với các thí sinh không hưởng chính sách ưu tiên.
Công văn 5138/BGDĐT-GDĐH báo cáo công tác tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu: | 5138/BGDĐT-GDĐH |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký: | Nguyễn Kim Sơn |
Ngày ban hành: | 07/10/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 5138/BGDĐT-GDĐH báo cáo công tác tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Chưa có Video