BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3590/BGDĐT-GDMN |
Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2020 |
Kính gửi: |
- Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/thành phố; |
Thực hiện Quyết định số 2084/QĐ-BGDĐT ngày 27/7/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non (GDMN), giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên và Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT ngày 24/8/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020 - 2021 của ngành Giáo dục. Bộ GDĐT ban hành Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 đối với GDMN, cụ thể như sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền để quán triệt và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục mầm non; thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19. Củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ em mầm non; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp một; phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản trị cơ sở giáo dục, tăng cường nền nếp, kỷ cương, chất lượng và hiệu quả nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non.
1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục
1.1. Triển khai, chỉ đạo thực hiện các văn bản theo Luật Giáo dục năm 2019 đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý GDMN, trong đó tập trung vào: Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ Quy định chính sách phát triển GDMN; Nghị định Quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập; Kế hoạch phát triển GDMN giai đoạn 2018-2025; Thông tư ban hành Điều lệ trường mầm non; Thông tư sửa đổi, bổ sung Chương trình GDMN; Thông tư ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo; Thông tư Quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở GDMN. Các địa phương tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền đưa chỉ tiêu phát triển về GDMN vào chương trình công tác giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn giai đoạn tiếp theo cho phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.
1.2. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng phân cấp, phân quyền, tự chủ gắn với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình; nâng cao chất lượng công tác quản trị cơ sở GDMN; tăng cường đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên môn, không phát sinh hệ thống hồ sơ sổ sách so với quy định. Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở GDMN theo Điều lệ trường mầm non. Triển khai các nhiệm vụ bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và thực hiện công khai theo qui định.
Thực hiện đúng các quy định về quản lý tài chính trong các trường mầm non: Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Công văn số 3281/BGDĐT-KHTC ngày 27/8/2020 của Bộ GDĐT về việc Chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020-2021 và đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản thu đầu năm học; xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý tài chính nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu sai quy định trong các cơ sở GDMN.
Đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ cho cơ sở gắn với thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ sở GDMN theo Thông tư số 11/2020/TT- BGDĐT ngày 19/5/2020 của Bộ GDĐT về hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập; thực hiện Quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kì và đột xuất.
1.3. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Pháp luật đối với cơ sở GDMN; kiên quyết đình chỉ các nhóm/lớp độc lập tư thục không đảm bảo các điều kiện theo quy định; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc quản lý GDMN, đặc biệt là GDMN tư thục, dân lập; tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về quản lý các nhóm, lớp độc lập tư thục.
2. Rà soát, sắp xếp và phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp; tăng cường cơ sở vật chất
2.1. Dự báo quy mô phát triển, bố trí quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non; có giải pháp để phát triển các cơ sở GDMN dân lập, tư thục phù hợp quy hoạch và phát triển bền vững để giảm áp lực cho trường mầm non công lập. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch phát triển GDMN giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 1677/QĐ-TTg, các tỉnh chưa ban hành kế hoạch khẩn trương xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt.
2.2. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp mầm non theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-TW và Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018, các địa phương đã triển khai tiến hành kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các phương án sắp xếp phù hợp với quy định của pháp luật và quy mô phát triển; không sáp nhập các trường mầm non vào các trường phổ thông; không sáp nhập trường, điểm trường khi không đảm bảo các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất; việc sáp nhập đảm bảo quyền lợi đến trường của trẻ; đảm bảo mỗi xã, phường có ít nhất một trường mầm non công lập.
Rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định về quy mô và các điều kiện của các trường mầm non, các nhóm/lớp độc lập theo quy định của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, Nghị định 135/2018/NĐ-CP và Điều lệ trường mầm non.
2.3. Tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình GDMN, phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Ưu tiên đầu tư kinh phí của Trung ương và địa phương để xây dựng cơ sở GDMN công lập ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo yêu cầu tại Nghị định quy định chính sách phát triển GDMN; ưu tiên đảm bảo cơ sở vật chất (CSVC) đáp ứng yêu cầu duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập; tiếp tục cải tạo, nâng cấp trường lớp, CSVC đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở vật chất quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020. Rà soát, bổ sung đồ chơi, học liệu tại các cơ sở GDMN. Ngoài tài liệu, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu đã được quy định trong danh mục của Bộ GDĐT, các cơ sở GDMN làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo từ nguyên vật liệu sẵn có phù hợp với văn hóa địa phương, gắn với cuộc sống của trẻ; bố trí kinh phí và huy động nguồn lực để mua sắm bổ sung các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị; tài liệu, học liệu phù hợp với thực hiện nội dung chương trình GDMN, đáp ứng với nhu cầu thực tế của trẻ em mầm non ở từng vùng, miền.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở khu vực có KCN, KCX theo Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác dự báo quy mô phát triển, quy hoạch đất dành cho giáo dục, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường mầm non. Hỗ trợ trang bị CSVC đối với cơ sở GDMN độc lập ở địa bàn có KCN thuộc loại hình dân lập, tư thục theo quy định tại Nghị định quy định chính sách phát triển GDMN.
Tích cực, chủ động tham mưu chính quyền địa phương quan tâm đầu tư CSVC để đảm bảo tỉ lệ 01 phòng học/lớp; sĩ số trẻ em/nhóm, lớp theo quy định tại Điều lệ trường mầm non; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định.
2.4. Thực hiện các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển GDMN theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025.
3. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em
3.1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 Quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
3.2. Triển khai Kế hoạch thực hiện kết luận số 51-KL/TW theo Quyết định số 1696/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2020; Bộ GDĐT xây dựng đề án phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 4 tuổi trình Chính phủ. Tiến hành rà soát, bổ sung các điều kiện đảm bảo để thực hiện PCGDMNTNT, đặc biệt là điều kiện về đội ngũ và CSVC; không để xảy ra tình trạng đạt tiêu chuẩn phổ cập nhưng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất. Tiếp tục đầu tư các điều kiện để công nhận đạt chuẩn PCGDMNTNT cho các xã chưa đạt chuẩn (8 xã) ở một số địa phương.
Triển khai cập nhật đầy đủ số liệu theo quy định vào phần mềm PCGD- XMC; rà soát, đối chiếu, so sánh số liệu trẻ em giữa báo cáo thống kê và báo cáo phổ cập để đảm bảo tính chính xác. Cấp tài khoản và giao trách nhiệm cho Phòng GDMN để rà soát, chuẩn hóa dữ liệu.
3.3. Thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách trợ cấp đối với trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.
3.4. Tiếp tục thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non theo quy định tại Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018. Tăng tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia và trường mầm non đạt kiểm định chất lượng giáo dục.
4. Nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ
4.1. Đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ
Thực hiện các hoạt động trong nhà trường đảm bảo quyền trẻ em nhằm ngăn ngừa vi phạm và xâm phạm quyền trẻ em.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở GDMN trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo quy định tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP; xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trong cơ sở GDMN (Thông tư số 13/2010/TT-BGDĐT) và triển khai thực hiện Chuyên đề “Đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ” theo Kế hoạch số 157/KH-BGDĐT ngày 13/3/2020. Đảm bảo 100% các cơ sở GDMN không xảy ra tình trạng bạo hành trẻ; kịp thời phát hiện các yếu tố, nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ và có biện pháp khắc phục, đặc biệt quan tâm giám sát việc thực hiện kết luận kiểm tra; xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức và cá nhân để xảy ra mất an toàn đối với trẻ.
Phối hợp với ngành y tế địa phương thực hiện công tác vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp học, đồ dùng, đồ chơi và các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GDĐT trong các cơ sở GDMN.
Đối với các cơ sở GDMN có tổ chức ăn bán trú, cần thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, các bếp ăn thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở GDMN.
4.2. Nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ của trẻ
Phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt các biện pháp theo dõi, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì cho trẻ em trong các cơ sở GDMN. Thực hiện nghiêm túc quy định về công tác y tế trường học (Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 quy định về công tác y tế trường học), đảm bảo 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới.
Huy động các nguồn lực để duy trì, nâng cao tỷ lệ trẻ ăn bán trú và chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ tại cơ sở GDMN. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội, các ban, ngành địa phương vận động các nguồn lực xã hội để triển khai gói hỗ trợ cải thiện tình trạng dinh dưỡng và gói hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em mầm non ở xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025.
Quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn của trẻ tại cơ sở GDMN bảo đảm tiêu chuẩn về dinh dưỡng theo quy định tại Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT và các quy định về an toàn thực phẩm.
Chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và năng lực của cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên về công tác y tế trường học, kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực để nâng cao sức khỏe, dự phòng các bệnh không lây nhiễm theo Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025”; tăng cường tuyên truyền đến các bậc cha mẹ trẻ về chế độ dinh dưỡng cân đối hợp lý giúp trẻ phát triển về thể chất; phối hợp với gia đình xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý đối với trẻ suy dinh dưỡng và trẻ thừa cân, béo phì.
4.3. Đổi mới hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN
Chỉ đạo, tập huấn hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở GDMN thực hiện Chương trình GDMN theo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình GDMN; tăng cường hướng dẫn cho CBQL, GVMN thực hiện phát triển Chương trình giáo dục nhà trường, đổi mới phương pháp giáo dục theo định hướng "Lấy trẻ làm trung tâm"; đẩy mạnh việc phối hợp với cha mẹ trẻ và cộng đồng trong việc bảo đảm điều kiện thực hiện chế độ sinh hoạt cho trẻ trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Tăng cường các điều kiện để tiếp tục thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", thực hiện các giải pháp nhân rộng các điển hình tốt, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng môi trường giáo dục, tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo phương châm “học thông qua vui chơi, trải nghiệm”, gắn kết việc quan sát, theo dõi trẻ hàng ngày với lập kế hoạch giáo dục và tổ chức hoạt động giáo dục.
Triển khai Giai đoạn 2 Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”. Các địa phương tiếp tục tăng cường các điều kiện, trang bị tài liệu, học liệu; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS. Chú trọng tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS sống tại vùng sâu, vùng núi cao, tại các khu vực biệt lập với người Kinh, nơi khả năng tiếng Việt của trẻ còn hạn chế, chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp một.
Tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ; giáo dục an toàn giao thông; hướng dẫn thực hiện lồng ghép giáo dục dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe với giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong các cơ sở GDMN; tăng cường chuẩn bị cho trẻ em mầm non sẵn sàng vào lớp một.
Tăng cường công tác quản lý nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho trẻ làm quen tiếng Anh. Thực hiện tốt các yêu cầu được quy định tại Thông tư ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.
Đẩy mạnh giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, bảo vệ an toàn bản thân và môi trường sống.
Tăng cường phát hiện sớm, can thiệp sớm, đảm bảo giáo dục hòa nhập có chất lượng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ khuyết tật. Đảm bảo thực hiện chế độ chính sách cho trẻ em và giáo viên dạy trẻ khuyết tật trong các cơ sở GDMN. Thí điểm sử dụng bộ công cụ ASQ để thực hiện phát hiện sớm, can thiệp sớm ở một số cơ sở GDMN. Hỗ trợ các cơ sở GDMN thực hiện giáo dục hòa nhập có chất lượng cho trẻ khuyết tật.
5. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non
5.1. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Bồi dưỡng tập huấn đội ngũ, nâng cao đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, tình yêu thương và trách nhiệm bảo vệ trẻ; nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ; tạo sự công bằng trong bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo ở các cơ sở giáo dục công lập, tư thục, dân lập; đặc biệt đối với giáo viên tại các nhóm lớp độc lập tư thục; khuyến khích giáo viên tự học và khai thác nguồn tài liệu, học liệu hữu ích trên mạng Internet. Thực hiện bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo quy định và theo hướng dẫn của Bộ GDĐT (qua Vụ GDMN).
Các cơ sở GDMN đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị số 05-CT/TW và Chỉ thị số 27-CT/TTg); thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục mầm non (Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019).
5.2. Triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục sửa đổi 2019; Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT ngày 25/8/2020 của Bộ GDĐT về việc Quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo; xây dựng và ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP; Kế hoạch số 681/KH-BGDĐT ngày 28/8/2020 của Bộ GDĐT về Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1 (2020 - 2025) và Tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, trên cơ sở đó xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng theo chuẩn. Chủ động, tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non trong việc bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục công lập, tư thục, dân lập theo Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019 của Bộ GDĐT ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên.
5.3. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, tổ chức rà soát định mức giáo viên/lớp; có giải pháp bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, các đơn vị thiếu giáo viên bố trí bảo đảm ít nhất 02 giáo viên/lớp; thực hiện tuyển dụng viên chức đối với GVMN, không để kéo dài tình trạng hợp đồng nhiều năm và thiếu GVMN trong khi vẫn còn nhiều chỉ tiêu tuyển dụng.
5.4. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với GVMN theo quy định hiện hành.
5.5. Các địa phương tạo điều kiện cho giáo viên hoàn thiện các tiêu chuẩn theo yêu cầu của hạng chức danh nghề nghiệp để đảm bảo việc thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và bổ nhiệm, xếp lương theo hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non theo quy định. Chủ động ban hành và tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố có các chính sách ưu đãi, tôn vinh, biểu dương đối với những nhà giáo tiêu biểu, có đóng góp tích cực hoặc có thành tích đột xuất trong ngành giáo dục, có chính sách thu hút giáo viên mầm non.
6. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa và hội nhập quốc tế
Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025.
Các địa phương xây dựng Kế hoạch và thực hiện Chiến lược hợp tác quốc tế theo Hướng dẫn của Bộ GDĐT. Tiếp tục hướng dẫn thực hiện Nghị định số 86/NĐ-CP về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực GDMN. Rà soát, đánh giá và tăng cường quản lý các cơ sở GDMN liên kết, hợp tác đầu tư với nước ngoài. Đánh giá các phương pháp giáo dục tiên tiến của nước ngoài và khả năng vận dụng vào thực tiễn chương trình GDMN trong nước. Nhân rộng các điển hình liên kết giáo dục, hợp tác đầu tư với nước ngoài để phát triển GDMN.
Các cơ sở GDMN tích cực nghiên cứu, học hỏi, áp dụng mô hình, phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non giữa các cơ sở GDMN với các tổ chức quốc tế.
7. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục đào tạo.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành. Cập nhật đầy đủ số liệu lên phần mềm cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành; triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu ở các cấp quản lý để khai thác, sử dụng. Sở GDĐT tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách phần mềm CSDL ngành và các đơn vị; cấp tài khoản truy cập, giao trách nhiệm rà soát dữ liệu cho Phòng GDMN để chuẩn hóa dữ liệu theo Thông tư số 26/2019/TT-BGDĐT ngày 30/12/2019.
Tăng cường sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên. Cho phép giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT ngày 18/01/2019.
Triển khai ứng dụng, sử dụng các phần mềm hỗ trợ trong công tác quản lý trường học, lập kế hoạch, theo dõi chỉ đạo, quản lý bán trú của các đơn vị có uy tín, được cơ quan có thẩm quyền thẩm định để đảm bảo chất lượng quản lý.
Từng bước xây dựng các nội dung giáo dục để triển khai dạy học trực tuyến trong thời gian trẻ không đến trường do dịch bệnh, thiên tai ở những trường có điều kiện.
8. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục mầm non
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Bộ về đổi mới và phát triển GDMN. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin, truyền thông về GDMN, tôn vinh các tấm gương điển hình, tiêu biểu có nhiều đóng góp phát triển GDMN.
Tăng cường truyền thông thực hiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019; công tác phổ biến và hướng dẫn các cơ sở GDMN thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về GDMN; truyền thông về kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Chủ động trong công tác truyền thông, tập trung truyền thông về vai trò, vị trí của GDMN; Tích cực biểu dương những tấm gương nhà giáo điển hình tiên tiến, phổ biến sáng kiến kinh nghiệm, gương người tốt việc tốt. Thực hiện công tác tuyên truyền theo tháng, theo các chủ đề, chuyên mục trong năm học.
Tăng cường công tác phổ biến và hướng dẫn các cơ sở GDMN thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về GDMN; phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ cho các bậc cha mẹ và cộng đồng bằng nhiều hình thức, xây dựng video hướng dẫn cha mẹ trẻ nội dung và phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ trong thời kỳ trẻ phải nghỉ tại gia đình (phòng chống dịch bệnh, thiên tai…) đảm bảo hiệu quả, phù hợp, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Công văn 3590/BGDĐT-GDMN năm 2020 về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu: | 3590/BGDĐT-GDMN |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký: | Nguyễn Hữu Độ |
Ngày ban hành: | 15/09/2020 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 3590/BGDĐT-GDMN năm 2020 về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Chưa có Video