BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:
2859/BGDĐT-KHTC |
Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 2015 |
Kính gửi: Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo (bao gồm kế hoạch phát triển sự nghiệp, kế hoạch tài chính, kế hoạch hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học, xây dựng đội ngũ...) của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là địa phương) năm 2016 với các nội dung như sau:
I. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2014 (năm học 2014-2015) và ước thực hiện kế hoạch 2015 (năm học 2015-2016)
1. Đánh giá chung bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và ước thực hiện 2015, ước thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của địa phương so với kế hoạch giai đoạn 2011-2015 và các tác động đối với giáo dục - đào tạo trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 (thuận lợi, khó khăn; cân đối thu, chi ngân sách địa phương; tình hình thực hiện các dự án lớn của địa phương; các nhân tố làm ảnh hưởng cơ hội học tập của trẻ em, tình trạng di cư và tăng dân số trẻ em trong độ tuổi đi học...).
2. Thực trạng phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương
- Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học thuộc địa phương quản lý: kết quả, thuận lợi, khó khăn trong xây dựng, điều chỉnh, triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học tại địa phương.
- Quy mô học sinh, sinh viên; tỷ lệ đi học so với dân số trong độ tuổi mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (đánh giá về tình trạng trẻ em ngoài nhà trường, tập trung vào nhóm trẻ em thiệt thòi, kết hợp tổng hợp số liệu thu thập thường xuyên, các nghiên cứu và khảo sát tham vấn cơ sở, kể cả trẻ em, cộng đồng, cán bộ quản lý để có phân tích toàn diện; phối hợp với cơ quan thống kê địa phương để cập nhật dân số độ tuổi, cụ thể đến các phân tổ nam, nữ, dân tộc, khuyết tật, di cư...).
- Thực hiện tuyển mới các lớp đầu cấp; kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp năm học 2014-2015 và ước thực hiện năm học 2015-2016 của các trường thuộc địa phương quản lý.
- Việc triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương; cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo; công tác phân luồng sau trung học cơ sở; tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo; việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
- Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; về đổi mới phương pháp giáo dục đào tạo; công tác phổ cập giáo dục, chống mù chữ; tình hình thực hiện đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. (có phân tích liên quan đến giáo dục cho trẻ em thiệt thòi để nâng cao chất lượng học tập của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có nguy cơ bỏ học, năng lực giáo dục hòa nhập trẻ em khuyết tật, năng lực về tiếng dân tộc thiểu số để góp phần giải quyết rào cản ngôn ngữ).
- Tình hình phát triển giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với huyện nghèo ; về đào tạo, tạo nguồn cán bộ cho vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, chế độ cử tuyển và tuyển sinh theo các chính sách đặc thù.
- Tình hình phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
- Đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị của từng cấp học: tình hình và cơ cấu các công trình trong trường học; số lượng phòng học, phòng học bộ môn và tỷ lệ % đáp ứng so với nhu cầu; số lượng phòng thư viện, phòng giáo dục thể chất/phòng tập đa năng, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn và tỷ lệ % đáp ứng so với nhu cầu; số lượng trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó số lượng trường đạt chuẩn quốc gia thuộc khu vực nông thôn; số lượng, tỷ lệ % đáp ứng và chất lượng thiết bị dạy học, đào tạo của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và các trường cao đẳng, đại học thuộc địa phương quản lý.
- Kết quả thực hiện các chính sách của Nhà nước và các chính sách của địa phương đối với học sinh, sinh viên (miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn, chính sách đối với học sinh dân tộc nội trú, bán trú, dân tộc rất ít người...); chính sách đối với giáo viên (phụ cấp đặc thù, phụ cấp thâm niên, tình hình chuyển xếp lương cho giáo viên hợp đồng trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và dân lập); chính sách đối với nhà trường (xây dựng trường đạt chuẩn, phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú…).
- Tình hình thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục (biên chế sự nghiệp, ngân sách…)
- Tình hình thu, chi ngân sách chi thường xuyên và huy động các nguồn tài chính; kết quả thực hiện Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về hệ thống tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách nhà nước.
- Chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm Thiết bị dạy học (sau đây viết tắt là TBDH) và tiến độ thực hiện các công trình, dự án thuộc nguồn vốn địa phương năm 2014, ước thực hiện trong năm 2015 và những khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm TBDH; tiến độ thực hiện, hiệu quả, những vướng mắc hoặc bất hợp lý về mục tiêu, nội dung, phương pháp tổ chức triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng và mua sắm TBDH; các chương trình, dự án lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết 80/NQ-CP về giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
- Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo: Đánh giá tình hình thực hiện năm 2015, giai đoạn 2011-2015 của các dự án thành phần về mục tiêu, nhiệm vụ, kinh phí, cơ chế và biện pháp tổ chức thực hiện.
- Tình hình thực hiện; thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án ODA (chi tiết theo nguồn vốn đầu tư và vốn thường xuyên, bao gồm cả vốn nước ngoài được giao theo phương thức hỗ trợ ngân sách) trong năm 2014 và ước thực hiện 2015. Tình hình thực hiện trách nhiệm bố trí vốn đối ứng của địa phương và tiến độ giải ngân vốn đối ứng địa phương.
- Công tác xã hội hóa giáo dục (đánh giá thuận lợi, khó khăn và đề xuất sửa đổi hoặc bổ sung chính sách hiện hành).
- Các nội dung khác theo đặc thù của địa phương (cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, trường chất lượng cao, trường lớp mầm non, tiểu học tại khu công nghiệp và khu chế xuất...).
3. Đánh giá chung
Trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá thực trạng, nhận định ngắn gọn về các nội dung sau đây:
- Những thành tựu, kết quả nổi bật (so sánh mức độ đạt được với mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2011-2015 đã đặt ra).
- Những khó khăn, vướng mắc mà địa phương đang gặp phải (lưu ý về công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch; định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên; định mức kinh tế kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng đối với các cấp học; các vướng mắc trong thực hiện xã hội hóa giáo dục cần tháo gỡ để huy động nguồn lực trong điều kiện khả năng ngân sách có hạn; những bất cập trong việc thực hiện chính sách đối với người học, giáo viên, giảng viên và nhà trường đề nghị sửa đổi hoặc ban hành; các khó khăn, rào cản đối với bình đẳng giáo dục cho trẻ em thiệt thòi cần tiếp tục quan tâm trong năm kế hoạch...).
- Nguyên nhân của thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm (sử dụng phương pháp cây nguyên nhân để bảo đảm phân tích toàn diện, hệ thống).
II. Xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm 2016 (năm học 2016 - 2017)
1. Căn cứ xây dựng kế hoạch
- Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
- Các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo, về phát triển kinh tế - xã hội các vùng.
- Định hướng phát triển giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020.
- Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
- Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW về phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Dự báo tình hình kinh tế - xã hội.
- Quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của địa phương.
- Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp học và trình độ đào tạo của địa phương năm học 2016-2017.
- Các văn bản và tài liệu khác liên quan.
2. Nội dung kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm 2016
2.1. Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu của địa phương đặt ra trong kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm 2016 và giai đoạn 2016-2020:
- Nêu các mục tiêu chủ yếu và nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch theo thứ tự lựa chọn ưu tiên.
- Xác định các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch theo từng nội dung: Chỉ tiêu phát triển sự nghiệp; các điều kiện bảo đảm cho thực hiện (đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài chính…). Các chỉ tiêu kế hoạch phải được xây dựng theo chỉ tiêu đầu vào, chỉ tiêu đầu ra, chỉ tiêu kết quả và theo nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, cụ thể, đánh giá được, có khung thời gian thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, bảo đảm tính khả thi; đặc biệt quan tâm đến quyền trẻ em, và ưu tiên nhóm trẻ thiệt thòi, dễ bị tổn thương, giảm nghèo bền vững.
Đi kèm với từng mục tiêu, chỉ tiêu nêu ngắn gọn về bối cảnh, phân tích, cân nhắc để lựa chọn mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đó.
Lưu ý phân tích, làm rõ sự kết nối và mối liên hệ giữa mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch với thực trạng giáo dục và gắn với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của vùng, của địa phương; đặc biệt quan tâm giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong triển khai thực hiện kế hoạch 2015 và giai đoạn 2011-2015.
2.2. Kế hoạch đào tạo
Căn cứ vào đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất của các trường (Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT ngày 02/12/2011); các cơ sở đào tạo thuộc địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; lưu ý một số nội dung sau:
- Định hướng về phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển đổi mô hình đào tạo từ phát triển quy mô, số lượng sang chất lượng, hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của địa phương và xã hội. Việc xác định chỉ tiêu tuyển mới phải phù hợp với các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, đặc biệt là đội ngũ giảng viên cơ hữu hướng dẫn, giảng dạy theo chuyên ngành; giảm chỉ tiêu đối với các ngành có dấu hiệu dư thừa nhân lực.
- Một số ngành đặc thù: Xác định chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm chính quy năm 2016 theo lộ trình tiếp tục giảm so với năm 2015 để khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm; căn cứ vào thực tế và dự báo nhu cầu giáo viên của địa phương, nghiên cứu lập phương án tạm dừng tuyển sinh có thời hạn đào tạo giáo viên trung học trình cơ quan chủ quản cho ý kiến; không xác định chỉ tiêu đào tạo đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trong chỉ tiêu đào tạo từ xa; xác định chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành y dược chính quy năm 2016 trong tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy.
- Trên cơ sở nhu cầu đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp; lập kế hoạch đào tạo theo hình thức cử tuyển, tuyển thẳng học sinh các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, đào tạo theo nhu cầu nhân lực của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và gắn với kế hoạch sử dụng học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.
2.3. Kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học: Trên cơ sở kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, các dự án chuyển tiếp và dự kiến các nguồn ngoài ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo, lưu ý một số điểm sau:
- Căn cứ thực trạng quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục đào tạo; kế hoạch phát triển số lượng học sinh, sinh viên các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học (thuộc địa phương quản lý); quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở địa phương và định hướng mục tiêu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học năm 2016 để tính toán, xác định số lượng phòng học cần xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và khối lượng các loại trang thiết bị mua sắm trong năm. Đặc biệt chú trọng yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất trường học theo yêu cầu trường đạt chuẩn quốc gia.
- Về đầu tư TBDH, căn cứ kết quả kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và các quy định, văn bản hướng dẫn về mua sắm trang thiết bị dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ cấp học mầm non, phổ thông; tính toán nhu cầu mua sắm bổ sung và thay thế trang thiết bị dạy học ở các cấp học mầm non, phổ thông và trang thiết bị, phòng thí nghiệm trong các cơ sở đào tạo (trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học) do địa phương quản lý năm 2016. Ưu tiên thiết bị cho giáo dục mầm non và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu thực hiện Dự án tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
- Đối với các địa phương có các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường chuyên biệt: Căn cứ vào thực trạng quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị và kế hoạch phát triển số lượng học sinh để xác định số phòng học, số phòng ở và các trang thiết bị kèm theo, công trình vệ sinh, nước sạch cho học sinh nội trú, số phòng công vụ giáo viên cần xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và các loại trang thiết bị cần mua sắm mới trong năm.
Trong đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học cần quan tâm thực hiện mục tiêu giáo dục cho trẻ em thiệt thòi, vùng sâu vùng xa như trẻ em dân tộc thiểu số, hoặc ở những nơi tập trung đông dân số nhập cư có quy mô trẻ em trong độ tuổi đi học tăng nhanh.
2.4. Kế hoạch tài chính
Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 (năm đầu thời kỳ ổn định NSNN mới theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước). Bộ GDĐT đang xây dựng và trình Nghị định quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2019 – 2020 thay thế Nghị định số 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 – 2015 (gọi tắt là Nghị định 49). Dự toán thu, chi NSNN năm 2016 xây dựng trên cơ sở đánh giá ước thực hiện dự toán thu, chi NSNN năm 2015, các chế độ, chính sách của nhà nước hiện hành và quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thực hiện có hiệu quả các giải pháp thực hiện tiết kiệm đã đề ra.
Trên cơ sở kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo năm 2016 và các định mức, chế độ, chính sách hiện hành; sở giáo dục và đào tạo chủ trì hướng dẫn xây dựng và tổng hợp dự toán thu, chi NSNN cho giáo dục và đào tạo toàn tỉnh/thành phố, trình Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố tổng hợp vào dự toán ngân sách địa phương, báo cáo các cơ quan chức năng theo quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính về xây dựng dự toán NSNN hàng năm.
a) Dự toán chi thường xuyên
- Dự toán chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm 2016, xây dựng trên cơ sở hệ thống tiêu chí và định mức phân bổ NSNN đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010, trong đó dự toán chi tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương theo đúng các chế độ đã ban hành trước thời điểm lập dự toán và chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo dục và đào tạo đã ban hành (Nghị định 49), Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015 (trong đó, lưu ý lập dự toán kinh phí đảm bảo đủ để thực hiện các chỉ số giải ngân của dự án tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non; ưu tiên để hoàn thành chỉ tiêu kiểm định chất lượng trường mầm non và đào tạo bồi dưỡng giáo viên); Quyết định số 2123/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 – 2015, Quyết định số 85/2010/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú; Quyết định số 1640/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 – 2015; Quyết định số 12/2013/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định 19/2013/NĐ-CP ngày 23/02/2013 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006; Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo; Nghị định số 74/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số thi đỗ vào học tại các cơ sở giáo dục đại học hệ chính quy và các chính sách theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội). Trên cơ sở định mức trên, bảo đảm tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn) tối đa 80%, chi thực hiện nhiệm vụ giáo dục không kể chi tiền lương và các khoản có tính chất lương tối thiểu 20% (chưa kể nguồn thu học phí).
- Trong điều kiện ngân sách khó khăn, lập dự toán chi thường xuyên đúng tính chất nguồn kinh phí, triệt để tiết kiệm, đặc biệt là dự toán chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền, hạn chế tối đa về số lượng và quy mô tổ chức hội nghị, hội thảo, tổng kết.
b) Chi đầu tư phát triển cho giáo dục đào tạo
Dự toán chi đầu tư phát triển năm 2016, xây dựng trên cơ sở phù hợp với Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của địa phương; các sở giáo dục và đào tạo lưu ý công văn số 1100/BKHĐT-TH ngày 27/2/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn bổ sung lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, làm việc với sở kế hoạch – đầu tư để có hướng dẫn cụ thể kế hoạch vốn của năm 2016 và cả giai đoạn.
Dự toán chi đầu tư năm 2016 phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học của địa phương và cơ sở vật chất hiện có, sắp xếp thứ tự ưu tiên, tập trung vốn cho các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2015 nhưng còn thiếu vốn, dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2016-2020, vốn đối ứng cho các dự án ODA. Những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cần quan tâm xây dựng nhà bán trú cho học sinh, công trình vệ sinh nước sạch, nhà công vụ cho giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên ổn định sinh hoạt, yên tâm công tác.
c) Chi chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giáo dục đào tạo
Căn cứ Công văn số 63/TB-VPCP ngày 16/02/2015 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; Bộ GDĐT đã đề xuất các chương trình mục tiêu giáo dục và lồng ghép các mục tiêu khác vào chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 như sau:
- Lồng ghép 02 mục tiêu sau đây vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là phổ cập mầm non 5 tuổi, xóa mù chữ và chống tái mù chữ, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở (theo tiêu chí 5 của bộ tiêu chí nông thôn mới); hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục để đạt chuẩn theo các tiêu chí nông thôn mới (tiêu chí 14 của bộ tiêu chí nông thôn mới).
- Đề xuất 02 chương trình mục tiêu giáo dục và đào tạo: Chương trình mục tiêu 01 (Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân) với mục tiêu tiếp tục thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình mục tiêu 02 (Hỗ trợ giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn) với mục tiêu tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ dở dang của Đề án củng cố và phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú theo Quyết định số 1640/QĐ-TTg; hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú kết hợp giải quyết chỗ học cho học sinh các dân tộc rất ít người để thực hiện Quyết định 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú và Quyết định 2123/QĐ-TTg.
Hiện nay các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 đang trong giai đoạn thẩm tra, trình Chính phủ xem xét; do đó các sở giáo dục và đào tạo tạm thời báo cáo kế hoạch theo các dự án của chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Sau khi có chủ trương chính thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn bổ sung.
d) Các dự án ODA
Ngoài các dự án triển khai, Bộ GDĐT đã đề xuất 3 dự án vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) và 1 dự án vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giai đoạn 2016 – 2020:
- Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông với mục tiêu hỗ trợ có hiệu quả đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Dự án Phát triển các trường sư phạm với mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực đào tạo của các trường đại học sư phạm nòng cốt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trở thành đầu mối chính trong mạng lưới các trường sư phạm, góp phần thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
- Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo đại học để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong điều kiện cạnh tranh khu vực và toàn cầu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước dựa trên tri thức và hội nhập quốc tế.
- Chương trình Phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 với mục tiêu tiếp nối và phát huy những kết quả đạt được của giai đoạn 1, đầu tư nguồn lực cho các chính sách của Chính phủ đã được phê duyệt, nâng cao chất lượng giáo dục trung học đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học đến năm 2020.
Với định hướng về kế hoạch các chương trình, các dự án ODA 2016-2020 như trên, khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, Bộ GDĐT sẽ hướng dẫn cho các địa phương thực hiện.
đ) Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học
Thực hiện Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 11/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến năm 2020 với các mục tiêu:
- Giai đoạn 2014-2015 (giai đoạn 1): Đầu tư xây dựng danh mục phòng học, nhà công vụ cho giáo viên tại trường mầm non các huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a đã được phê duyệt tại Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 20).
- Giai đoạn 2016-2020 (giai đoạn 2): Tổ chức rà soát danh mục nhu cầu đầu tư xây dựng trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên và đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ giáo viên còn lại của Quyết định 20 (thứ tự ưu tiên: giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học); xây mới cho đủ 1 lớp/phòng đối với trường tiểu học; xây dựng mới để thay thế toàn bộ số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm cho các trường mầm non, phổ thông; xây dựng mới các hạng mục công trình thuộc khu phục vụ học tập (phòng học bộ môn, phòng thiết bị, phòng hiệu bộ, phòng học đa năng, phòng thư viện, phòng y tế).
Ngày 05 tháng 5 năm 2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 916/NQ-UBTVQH13 về phân bổ vốn trái phiếu dự phòng giai đoạn 2012-2015: bố trí 2.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng phòng học của trường mầm non đã được phê duyệt tại Quyết định số 20, thuộc các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, lập danh mục cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện.
2.5. Đề xuất các biện pháp, giải pháp thực hiện kế hoạch
Để tổ chức thực hiện kế hoạch năm 2016 và các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 2016-2020 đạt kết quả, cần đánh giá và xác định khoảng trống năng lực gắn với thực trạng phân tích ở trên, từ đó xây dựng các biện pháp, giải pháp triển khai cụ thể để đạt các mục tiêu chỉ tiêu đã đề ra, có sự phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát và đánh giá kế hoạch; cần tập trung vào các nhóm biện pháp, giải pháp sau:
- Biện pháp, giải pháp đặc thù, phù hợp với thực tế của địa phương để bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực; về đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo; đặc biệt chú ý bảo đảm quyền đi học của trẻ em thiệt thòi, dễ bị tổn thương (chú ý đến các giải pháp phi tài chính).
- Bảo đảm huy động đủ và sử dụng có hiệu quả các điều kiện thực hiện kế hoạch: đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất thiết bị; các nguồn lực tài chính…
- Bảo đảm các chính sách phát triển giáo dục, đào tạo của Nhà nước; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương.
- Biện pháp quản lý (tổ chức, chỉ đạo, điều hành, phối hợp liên ngành và kiểm tra, giám sát việc thực hiện).
- Về xã hội hoá phát triển giáo dục và đào tạo: đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để huy động được nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát triển giáo dục và đào tạo.
2.6. Kiến nghị
Nêu các kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền tỉnh/thành phố, Bộ GDĐT, các Bộ ngành ở Trung ương ương, Đảng, Nhà nước.
3. Về công tác giám sát, đánh giá kế hoạch
Căn cứ Quyết định số 555/2007/QĐ-BKH ngày 30/5/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sở giáo dục và đào tạo thực hiện việc đánh giá tình hình theo Khung theo dõi, đánh giá và xây dựng kế hoạch theo dõi, giám sát đánh giá kế hoạch năm 2016.
III. Thời gian hoàn thành báo cáo
Các sở GDĐT lập báo cáo đánh giá theo nội dung trên, hoàn thiện các biểu từ số 01 đến biểu số 9, gửi kèm theo công văn này, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; gửi 02 bản báo cáo về Bộ GDĐT (Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em) trước ngày 30/6/2015 và gửi file theo địa chỉ Email: phongkhdt@moet.edu.vn; cuccsvctbth@moet.edu.vn.
Trong quá trình lập báo cáo kế hoạch nếu có vướng mắc, các sở giáo dục và đào tạo kịp thời phản ánh về Bộ GDĐT (Vụ Kế hoạch – Tài chính, số điện thoại 0438694885; Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, số điện thoại 0438693892) để được hướng dẫn. Dự kiến vào khoảng đầu tháng 7/2015, Bộ GDĐT sẽ tổ chức trao đổi kế hoạch phát triển GDĐT năm 2016 với các sở (thời gian, địa điểm cụ thể sẽ có thông báo sau).
Đề nghị các sở GDĐT tổ chức triển khai thực hiện và gửi báo cáo về Bộ GDĐT đúng thời gian quy định./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Công văn 2859/BGDĐT-KHTC năm 2015 xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo năm 2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu: | 2859/BGDĐT-KHTC |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký: | Phạm Mạnh Hùng |
Ngày ban hành: | 11/06/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 2859/BGDĐT-KHTC năm 2015 xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo năm 2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Chưa có Video