Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2038/BGDĐT-CSVCTBTH
V/v Hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG XDNTM triển khai nhiệm vụ GD&ĐT giai đoạn 2016-2020

Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2017

 

Kính gửi: Các sở giáo dục và đào tạo

Thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai nhiệm vụ giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, cụ thể như sau:

I. CÁC TIÊU CHÍ VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

1. Tiêu chí số 5: Trường học

Tỷ lệ trường học các cấp: Mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia.

a) Trường học thuộc xã bao gồm các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở.

b) Trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học:

- Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Trường trung học cơ sở (THCS) đạt chuẩn quốc gia theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lưu ý: Tỷ lệ trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa số trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia trên tổng số trường học của xã.

c) Xã đạt tiêu chí số 5 về trường học khi có tỷ lệ trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia theo quy định của vùng.

2. Tiêu chí số 14: Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ tiêu số 14.1: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục THCS;

- Chỉ tiêu số 14.2: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp).

Xã đạt chỉ tiêu số 14.1 và 14.2 thuộc tiêu chí số 14 về Giáo dục và Đào tạo khi đáp ứng:

a) Đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 (phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1), đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 theo Quy định tại Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ;

b) Đạt tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề theo quy định của vùng.

Lưu ý: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa số học sinh tiếp tục học trên tổng số học sinh đã tốt nghiệp THCS.

II. NỘI DUNG CÔNG VIỆC TRỌNG TÂM

1. Đầu tư thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi:

- Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi phục vụ thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện phổ cập giáo dục mầm non và trường chuẩn về cơ sở vật chất;

- Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học theo tiêu chuẩn điều kiện trường chuẩn quốc gia cho các trường phổ thông và các trung tâm giáo dục dục thường xuyên;

- Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học, đồ dùng trường học theo tiêu chuẩn điều kiện trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú.

2. Triển khai công tác phổ cập, xóa mù chữ ở cơ sở:

- Điều tra, thống kê số người mù chữ, tái mù chữ trong độ tuổi 15-60 tuổi;

- Huy động số người mù chữ, tái mù chữ trong độ tuổi 15-60 đến lớp xoá mù;

- Tổ chức các lớp học phổ cập, xóa mù chữ ban đêm;

- Điều tra, tình hình phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và phổ cập giáo dục THCS;

- Huy động hầu hết trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi đến cơ sở giáo dục mầm non để đảm bảo duy trì thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi;

- Huy động hầu hết trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 để thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2;

- Huy động hầu hết trẻ em độ tuổi 11 đã hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 để thực hiện phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi;

- Huy động trẻ trong độ tuổi giáo dục tiểu học, giáo dục THCS đang bỏ học hoặc chưa có điều kiện đến trường vào các lớp phổ cập hoặc trở lại nhà trường tiếp tục học;

- Bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên dạy các lớp phổ cập mầm non, tiểu học, THCS, xóa mù chữ;

- Kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục (mầm non 5 tuổi, tiểu học, THCS) và xóa mù chữ;

- Huy động nguồn nhân lực, tài lực từ các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trên địa bàn cho công tác/các hoạt động phổ cập giáo dục, xóa mù chữ;

- Tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ; sơ kết, tổng kết công tác phổ cập, xóa mù chữ.

3. Triển khai công tác giáo dục chuyên biệt, đặc thù:

- Vận động, tạo điều kiện để hầu hết trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoặc khuyết tật được học tập tại các cơ sở giáo dục đại trà hoặc các cơ sở giáo dục hoà nhập, cơ sở giáo dục chuyên biệt;

- Tập huấn bồi dưỡng nội dung giáo dục đặc thù, tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số;

- Biên soạn tài liệu, in ấn, cấp phát tài liệu đặc thù cho các trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số.

4. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp):

Điều tra, thống kê số học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục đi học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) ở cơ sở.

5. Giám sát, đánh giá chương trình:

- Kiểm tra công nhận đối với các trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia;

- Kiểm tra, giám sát, cập nhật số liệu, thu thập và xử lý thông tin về kết quả triển khai thực hiện chương trình;

- Tổ chức hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Chương trình;

- Định kỳ (6 tháng, 1 năm), sở giáo dục và đào tạo tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng năm của Chương trình để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc TW và Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Mẫu báo cáo và bảng tổng hợp tại phụ lục đính kèm).

III. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN

1. Các sở giáo dục và đào tạo, căn cứ vào: Các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ của ngành giáo dục được phê duyệt tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ; định hướng phát triển giáo dục của ngành; quy định và hướng dẫn phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hằng năm (Năm 2017, căn cứ Công văn số 11161/BNN-VPĐP ngày 28/12/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); định hướng xây dựng nông thôn mới của địa phương; tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị để xây dựng Kế hoạch và Dự toán hằng năm và trung hạn, trong đó đặc biệt chú ý giai đoạn 2017-2020 ưu tiên đầu tư cho cấp tiểu học và các lớp đầu cấp trung học cơ sở để trình UBND tỉnh/thành phố bố trí ngân sách triển khai thực hiện.

2. Việc mua sắm, thuê khoán được thực hiện theo Luật Đấu thầu 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 của Quốc hội; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và các văn bản hướng dẫn hiện hành khác của Nhà nước.

3. Công tác phí đối với các đợt kiểm tra, giám sát thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Các cuộc điều tra khảo sát của Chương trình thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê.

4. Đối với công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, trên cơ sở định hướng nêu trên, các địa phương căn cứ Điều 7 Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ để huy động lồng ghép các nguồn vốn và chi tiết hóa định mức các khoản chi tại địa phương.

5. Hỗ trợ học phẩm, tài liệu học tập đối với học viên tham gia học tại các lớp xoá mù chữ và chống tái mù chữ, các lớp phổ cập giáo dục tiểu học, THCS: Nội dung và mức chi áp dụng theo quy định về hỗ trợ học phẩm cho học sinh THCS theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.

6. Phụ cấp cho người làm công tác xóa mù chữ, phổ cập: Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và trong phạm vi ngân sách nhà nước của Chương trình đã được Chính phủ giao, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể các mức chi phụ cấp cho người làm công tác xóa mù chữ, phổ cập tại địa phương; Ban chỉ đạo Trung ương quy định cụ thể các mức chi phụ cấp cho người làm công tác xóa mù chữ, phổ cập tại trung ương.

7. Chi bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên dạy các lớp phổ cập mầm non, tiểu học, THCS, xóa mù chữ theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

8. Chi trả thù lao đối với giáo viên dạy lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ, lớp phổ cập:

a) Đối với giáo viên thuộc biên chế ngành giáo dục, mức chi thù lao tính theo số giờ thực dạy vượt định mức giờ chuẩn và được thanh toán trả lương làm thêm giờ theo quy định hiện hành (Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập);

b) Đối với những người ngoài biên chế của ngành giáo dục, nếu có đủ tiêu chuẩn và năng lực giảng dạy, tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục thì thực hiện ký hợp đồng với đơn vị được giao tổ chức mở lớp, mức chi thù lao theo hợp đồng tương đương với mức lương giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo, thâm niên công tác dạy cùng cấp học, lớp học theo bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.

9. Các văn bản dẫn chiếu trong công văn hướng dẫn này, nếu được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì các quy định có liên quan tại công văn hướng dẫn này được thực hiện theo các quy định đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị báo cáo UBND cấp tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em) để xem xét, xử lý theo thẩm quyền./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Bộ: NNPTNT, KHĐT, TC;
- Đoàn đại biểu QH và UBTWMTTQVN các tỉnh/TP trực thuộc TW;
- UBND các tỉnh/TP trực thuộc TW;
- Các vụ, cục chức năng của Bộ;
- Lưu: VT, Cục CSVCTBTH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Mạnh Hùng

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công văn 2038/BGDĐT-CSVCTBTH năm 2017 hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai nhiệm vụ giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu: 2038/BGDĐT-CSVCTBTH
Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký: Phạm Mạnh Hùng
Ngày ban hành: 12/05/2017
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [11]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công văn 2038/BGDĐT-CSVCTBTH năm 2017 hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai nhiệm vụ giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…