Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 861-TC/TCT

Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 1994

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 861-TC/TCT NGÀY 13-4-1994 VỀ XỬ LÝ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP.

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

Căn cứ Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp; Căn cứ Nghị định số 73/CP và Nghị định số 74/CP ngày 25-10-1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp; Bộ Tài chính hướng dẫn một số vấn đề như sau:

I. XÁC ĐỊNH DIỆN TÍCH TÍNH THUẾ

Nguyên tắc là phải dựa vào sự kê khai của hộ nông dân để xác định diện tích tính thuế của từng hộ. Số liệu của các cơ quan chức năng giữ vai trò kiểm tra sự kê khai của từng hộ, kiểm tra diện tích tính thuế của từng đơn vị hành chính các cấp. Một số vấn đề cụ thể xử lý như sau:

1. Mọi hộ sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp thuộc diện nộp thuế cũng như thuộc diện được miễn thuế sử dụng đất đều phải kê khai theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

2. Ở những nơi chưa thực hiện giao đất theo Nghị định số 64/CP ngày 27-9-1993 của Chính phủ vẫn tiến hành bình thường. Việc xác định diện tích tính thuế dựa hẳn vào tờ khai của hộ sử dụng đất. Sau khi giao đất xong sẽ thực hiện điều chỉnh sổ thuế.

3. Ở những nơi đo đạc chưa chính xác hoặc còn có sự chênh lệch giữa diện tích thuế với diện tích đo đạc gần nhất của ngành địa chính, thì thực hiện tính thuế theo sự tự kê khai của hộ sử dụng đất. Trong năm 1995 kiểm tra xác định lại nếu thực tế có chênh lệch thì thực hiện điều chỉnh sổ thuế.

4. Diện tích đất nông nghiệp thực tế không có người sử dụng, diện tích đất có đá dội (đá chiếm diện tích) nằm trong từng thửa ruộng không sản xuất được và các trường hợp tương tự khác được trừ khỏi diện tích tính thuế.

5. Diện tích đất có mặt nước dùng vào nuôi trồng thuỷ sản lại có cả rừng trồng, thì tuỳ vào thực tế ở địa phương mà xác định làm 2 loại: Đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản và đất rừng trồng để áp dụng tính thuế cho phù hợp. Trường hợp không phân biệt được thì đất dùng chủ yếu vào việc gì thực hiện quản lý thu thuế sử dụng đất nông nghiệp theo loại đó.

6. Đất do các doanh nghiệp nông lâm nghiệp, tổ chức xã hội, cơ quan Nhà nước quản lý, nay đã giải thể, hoặc vì lý do nào đó mà không quản lý được phải kiểm tra lại thực tế, căn cứ vào hồ sơ giao đất trước đây, căn cứ vào tài liệu khoán (nếu có), căn cứ vào thực tế mà xác định các chủ sử dụng mới, từ đó thực hiện việc kê khai tính thuế.

7. Đất trồng cây lâu năm tính thuế theo diện tích thực tế sử dụng không áp dụng phương pháp quy đông đặc để tính diện tích.

8. Đất xâm canh, lập sổ thuế ở xã nơi có đất. Tuỳ vào thực tế ở địa phương, Chi cục thuế có thể giao cho xã có đất hoặc xã có hộ sử dụng đất cư trú thu thuế. Trường hợp hộ xâm canh ở huyện hoặc tỉnh khác, sau khi lập sổ thuế, cơ quan thuế huyện hoặc tỉnh nơi có đất phải thông báo cho cơ quan thuế có hộ sử dụng đất cư trú để phối hợp thu thuế.

9. Toàn bộ đất thuộc diện chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp đều phải kê khai tính thuế và lập sổ thuế trừ đất được miễn thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 14, điểm 1 khoản 1 Điều 16 và đất khai hoang đang trong thời hạn được miễn thuế, nhưng phải có sổ theo dõi riêng những loại đất này.

II. VỀ PHÂN HẠNG ĐẤT TÍNH THUẾ

Việc phân hạng đất tính thuế phải căn cứ vào 5 yếu tố: chất đất, vị trí, địa hình, khí hậu thời tiết và điều kiện tưới tiêu. Đồng thời phải dùng năng suất trung bình đạt được trong điều kiện canh tác bình thường với trình độ thâm canh trung bình ở địa phương để kiểm tra lại kết quả phân hạng đất theo 5 yếu tố.

Những địa phương phân hạng đất bằng cách dùng hạng đất tính thuế nông nghiệp năm 1993 phiên ngang sang hạng đất mới, cho dù có điều chỉnh lên xuống chút đỉnh, cho dù được nhân dân chấp nhận cũng phải chỉ đạo làm lại theo đúng quy định của Luật và các văn bản dưới Luật.

Những địa phương phân hạng đất bằng cách phân tích đánh giá quá chi tiết 5 yếu tố là không cần thiết, phải chuyển lại cách làm cho đúng Luật và các văn bản dưới Luật.

Việc phân hạng đất phải chú ý:

- Hợp lý giữa các huyện, xã trong địa phương.

- Hợp lý giữa các vùng giáp ranh huyện với huyện, tỉnh với tỉnh.

Bộ Tài chính, Tổng cục quản lý ruộng đất (nay là Tổng cục địa chính), Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm không hướng dẫn tiêu chuẩn hạng đất đến huyện.

Sau khi tham khảo ý kiến của Tổng cục quản lý ruộng đất và Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, Bộ Tài chính hướng dẫn thêm về hạng đất và phân hạng đất tính thuế như sau:

Việc phân hạng đất tính thuế phải lấy yếu tố chất đất làm chủ yếu và làm nền cùng với các yếu tố vị trí, địa hình, khí hậu thời tiết và điều kiện tưới tiêu. Đồng thời dùng năng suất để kiểm tra. Một số trường hợp cụ thể như sau:

1. Chất đất được đánh giá bằng độ phì: Cao, trung bình, thấp, xấu. Mức độ độ phì của đất biểu hiện tổng hợp gắn với cây trồng chính.

2. Đất được xác định không có độ phì cao thì cho dù tổng hợp điểm của 5 yếu tố bằng điểm hạng 1 cũng đều phải so sánh năng suất cây trồng đạt được với đất hạng 1 có độ phì cao để phân hạng cho phù hợp.

3. Đất có độ phì xấu là đất phải cải tạo mới sản xuất được. Đất có cùng độ phì xấu thì ngoài việc phải căn cứ vào điểm của 5 yếu tố còn phải căn cứ vào số vụ có thể sản xuất trong năm (đối với đất trồng cây hàng năm), năng suất thực tế đạt được để phân hạng đất cho phù hợp với mức năng suất của từng hạng đất dùng làm kiểm tra, tham khảo khi phân hạng đất tính thuế theo quy định của Nghị định số 73/CP ngày 25-10-1993 của Chính phủ. Năng suất thực tế của ruộng đất được phân vào hạng đất nào không được thấp hơn năng suất kiểm tra, tham khảo của hạng đất đó.

4. Đất có độ phì khác nhau nhưng có chung mức điểm của 5 yếu tố thì đất có độ phì cao phân vào đất hạng cao, đất có độ phì thấp phân vào đất hạng thấp.

5. Do đặc điểm địa hình và điều kiện thiên nhiên, đất sản xuất có năm đạt năng suất cao, có năm đạt năng suất thấp thì lấy năm đạt năng suất thấp làm năng suất kiểm tra lại phân hạng đất tính thuế.

6. Đất sản xuất 2 vụ, nhưng có 1 vụ bấp bênh thì chỉ tính năng suất một vụ của vụ sản xuất ổn định để dùng làm kiểm tra việc phân hạng đất.

7. Đất sản xuất 2 vụ, nhưng có 1 vụ phụ, sản lượng hoặc giá trị sản lượng thu hoạch không đạt tới 70% của vụ chính thì chỉ tính năng suất của vụ sản xuất chính để dùng làm kiểm tra việc hạng đất.

8. Đất rẫy, đất lâm nghiệp, đất vùng đồi trong một địa phương chỉ nên phân vào từ 1 đến 2 hạng đất. Không được ấn định thu một mức thuế bình quân ở giữa 2 hạng đất.

9. Đất vừa trồng cây hàng năm, vừa trồng cây lâu năm, thì căn cứ vào khả năng sinh lợi (cho sản lượng hoặc giá trị sản lượng) và thực tế ở địa phương để phân hạng đất theo hạng đất của cây trồng chính (cây hàng năm hay cây lâu năm là chính).

10. Đất trồng nhiều loại cây lâu năm (cây công nghiệp, cây ăn quả) thì phải dựa chủ yếu vào việc đánh giá 5 yếu tố gắn với cây trồng chính của vùng đất, đồng thời đánh giá tổng quát khả năng sinh lợi của đất (sản lượng hoặc giá trị sản lượng trung bình một năm) so sánh với các vùng đất khác trong địa phương mà phân hạng đất cho phù hợp.

Căn cứ vào Nghị định số 73/CP ngày 25-10-1993 của Chính phủ; Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư số 92-TT/LB ngày 10-11-1993 của Liên Bộ Tài chính - Tổng cục quản lý ruộng đất - Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm và hướng dẫn tại Công văn này, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý, các trường hợp cụ thể khác để phân hạng đất tính thuế ở địa phương.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC

1. Đất đồi núi trọc dùng vào sản xuất nông, lâm nghiệp được miễn thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định số 74/CP ngày 25-10-1993 của Chính phủ là đất đồi núi trọc hiện có tính từ sau ngày 1-1-1994.

2. Miễn thuế thời gian xây dựng cơ bản đối với cây lâu năm theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 14 Nghị định số 74/CP ngày 25-10-1993 của Chính phủ được thực hiện đối với cây trồng cả trước và sau ngày 1-1-1994, nếu vẫn còn trong thời gian xây dựng cơ bản thì vẫn được miễn thuế. Nếu đã hết thời gian xây dựng cơ bản nhưng còn trong thời gian được miễn thuế ở những năm đầu thu hoạch thì được thực hiện miễn thuế.

Trường hợp đặc biệt năm 1993 và một vài năm trước đã thu thuế nông nghiệp, nay áp dụng Luật thuế mới, nếu tính từ ngày 1-1-1994 vẫn còn trong thời gian được miễn thuế thì thực hiện miễn (thời gian được miễn bao gồm cả thời gian đã thu thuế nông nghiệp trước đây), nhưng không hoàn lại cho hộ nộp thuế nông nghiệp đã thu các năm trước đây.

3. Về việc lập sổ thuế theo vụ: Ruộng đất thu hoạch ở vụ nào thì lập sổ thuế và xác định thuế ghi thu cho vụ đó. Ruộng 2 vụ trở lên thì tuỳ vào thực tế sản xuất ở địa phương mà phân chia thuế ghi thu cho từng vụ. Những địa phương nào thấy không có điều kiện lập sổ thuế theo vụ thì lập cả năm.

Về thu thuế: Ruộng một vụ, lập sổ thuế ở vụ nào, thì thu thuế tại vụ đó. Ruộng 2 vụ trở lên, thu thuế theo hai vụ chính, mức thuế thu mỗi vụ bằng mức thuế ghi thu của từng vụ (trừ giảm, miễn thuế nếu có).

4. Thời gian miễn thuế cộng thêm sau thời gian xây dựng cơ bản đối với cây lâu năm trồng bằng phương pháp ghép chiết do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cho phù hợp với từng loại cây trồng ở địa phương và hợp lý đối với các cây trồng khác. Nhưng tối đa không quá thời gian theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14 Nghị định số 74/CP ngày 25-10-1993 của Chính phủ.

5. Đất rừng trồng cây lấy gỗ và các loại cây lâu năm thu hoạch một lần, nếu không quản lý được tại gốc thì thu thuế trên khâu lưu thông với thuế suất 4% giá trị sản lượng khai thác đối với người sản xuất. Giá thu thuế theo giá bán thực tế. Trường hợp hộ nộp thuế kê khai không đúng thì thu theo giá do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định. Trường hợp đặc biệt không thu thuế được vào người sản xuất thì thu thuế vào người thu mua và được áp dụng thuế doanh thu khi họ tiêu thụ các loại lâm sản này theo quy định của Luật thuế doanh thu.

6. Cục thuế các địa phương được trích số tiền bằng 10% tính trên số thuế ghi thu tính theo giá thu thuế 1994 của diện tích tính thuế khai thác tăng thêm trong năm 1994 so với năm 1993 để đảm bảo cho việc kiểm tra diện tích, lập sổ thuế và chi phí khác của công tác khai thác thêm diện tích đưa vào lập sổ thuế. Nguồn trích lấy từ sổ thu về thuế sử dụng đất nông nghiệp trong năm 1994 do ngân sách địa phương chi sau khi có sự xác nhận của Hội đồng tư vấn (hoặc Ban chỉ đạo) thuế sử dụng đất nông nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Tài chính xin hướng dẫn một số vấn đề trên đây. Việc giảm thuế, miễn thuế sẽ được Bộ Tài chính hướng dẫn bằng một văn bản riêng.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, các địa phương cần phản ánh ngay về Bộ Tài chính để kịp xử lý.

 

Phạm Văn Dĩnh

(Đã ký)

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công văn về xử lý một số vấn đề trong triển khai thi hành Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp

Số hiệu: 861-TC/TCT
Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Tài chính
Người ký: Phạm Văn Dĩnh
Ngày ban hành: 13/04/1994
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [4]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công văn về xử lý một số vấn đề trong triển khai thi hành Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…