THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1128/TTg-ĐMDN |
Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2018 |
Kính gửi: |
- Bộ Khoa học và Công nghệ; |
Xét đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ (công văn số 666/BKHCN-PTTTDN ngày 19 tháng 3 năm 2018 và công văn số 1971/BKHCN-PTTTDN ngày 28 tháng 6 năm 2018) và ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan về báo cáo giải pháp thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
1. Giao Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Tiếp tục triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025” (Đề án 844) hỗ trợ các tổ chức ươm tạo, đào tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Nghiên cứu đề xuất ban hành các chính sách cần thiết nhằm thúc đẩy môi trường khởi nghiệp sáng tạo tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động và phát triển. Thông qua Ban Điều hành Đề án 844, tổ chức các cuộc gặp thường niên với các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước, quốc tế.
b) Xây dựng dự thảo Điều lệ tổ chức, hoạt động của Quỹ NATIF, bổ sung quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng nhận hỗ trợ của Quỹ, trình Chính phủ ban hành trong năm 2019. Cụ thể, bổ sung hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để ươm tạo công nghệ, phát triển ý tưởng, mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần đảm bảo các điều kiện được hỗ trợ theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời đảm bảo các tiêu chí do Quỹ đề ra đối với từng ngành, lĩnh vực.
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xây dựng tiêu chí xác định nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
d) Tiếp tục triển khai Cổng Thông tin hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, tổ chức sàng lọc, chọn lựa doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu, chất lượng để đưa thông tin đến với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
đ) Hỗ trợ việc thành lập, hoạt động của các câu lạc bộ, mạng lưới các “nhà đầu tư thiên thần” trong nước và kết nối với mạng lưới các “nhà đầu tư thiên thần” toàn cầu để tăng cường đầu tư cho khởi nghiệp trong và ngoài Việt Nam.
e) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi thường xuyên với các tập đoàn lớn trong nước, nước ngoài để thu hút đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
g) Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Bộ, ban, ngành, địa phương tích cực tham gia và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ của Việt Nam, tham gia các hoạt động của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN Vietnam) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam làm đầu mối để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trên toàn cầu và kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trên thế giới.
2. Giao Bộ Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng ban hành cơ chế tài chính thực hiện Đề án 844 nhằm thúc đẩy môi trường khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động và phát triển, trong đó có các nội dung chi phù hợp với khởi nghiệp sáng tạo như chi cho đại diện các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu tham gia các vườn ươm/khu làm việc chung nổi tiếng trên thế giới; chi các hoạt động của đại diện khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tại một số hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; chi vé máy bay, công lao động phù hợp để mời chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo chất lượng cao đến tham gia đào tạo, huấn luyện, tham gia sự kiện khởi nghiệp quốc gia; cho phép việc tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đối với các nội dung quan trọng như tìm hiểu thị trường, thuê chuyên gia, trả công lao động và thương mại hóa công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế tài chính cho Quỹ NATIF, trình Chính phủ ban hành trong năm 2019. Theo đó, đối với các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần quy định cụ thể về các hình thức hỗ trợ, hạn mức hỗ trợ cho các nhóm dự án. Xây dựng các nội dung chi và định mức chi phù hợp với hoạt động đặc thù của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, xây dựng quy trình đánh giá, thẩm định các dự án để đảm bảo việc hỗ trợ có hiệu quả.
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về ưu đãi thuế cho nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và điều 39 Luật Chuyển giao công nghệ.
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ áp dụng thí điểm mô hình nền tảng gọi vốn cộng đồng và nền tảng giao dịch cổ phần của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong phạm vi cụ thể.
đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cho phép việc nhà nước đầu tư dưới dạng góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân.
e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế đánh thuế phù hợp khi nhà đầu tư thoái vốn khỏi các doanh nghiệp khởi nghiệp.
3. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sao cho nhanh chóng và thuận lợi hơn đối với các trường hợp ngành nghề chưa có trong các điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế đặc thù liên quan đến mua sắm công từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
4. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục triển khai đưa hoạt động đào tạo khởi nghiệp vào các trường đại học.
5. Giao Bộ Ngoại giao:
a) Phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công Thương nghiên cứu, trình Chính phủ phương án cử nhân lực chuyên trách hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam tại một số hệ sinh thái khởi nghiệp lớn trên thế giới; phương án thuê không gian làm việc chung tại các địa điểm đó để hỗ trợ một số doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng Việt Nam đặt cơ sở làm việc, kết nối với nhà đầu tư, chuyên gia, mở rộng thị trường quốc tế.
b) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét thiết lập các hoạt động chung để kết nối kiều bào, tri thức Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước.
6. Giao Bộ Nội vụ:
Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện hỗ trợ việc thành lập Hiệp hội nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
7. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đặc biệt là nội dung liên quan tới bằng cấp tương tự tại Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho nhân lực nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp.
8. Giao Đài Truyền hình Việt Nam:
Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện các chương trình truyền thông đa dạng, hiệu quả về hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia, chương trình vinh danh các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, các tập đoàn, tổ chức đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tích cực tại Việt Nam; nghiên cứu việc mở rộng quy mô vinh danh từ quốc gia đến khu vực Đông Nam Á./
|
KT. THỦ TƯỚNG |
Công văn 1128/TTg-ĐMDN năm 2018 về thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 1128/TTg-ĐMDN |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Vương Đình Huệ |
Ngày ban hành: | 31/08/2018 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 1128/TTg-ĐMDN năm 2018 về thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video