Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2251/BTTTT-CĐSQG
V/v Tổng kết thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng và định hướng triển khai năm 2023

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2023

 

Kính gửi: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định quan điểm sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ giải pháp tổ chức Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng khối phố, thôn, bản với các tổ viên là cán bộ kiêm nhiệm và các thành viên tại chỗ năng nổ, nhiệt tình, được đào tạo về kỹ năng số để phổ biến hướng dẫn, trợ giúp người dân sử dụng công nghệ số và các nền tảng số “Make in Việt Nam”, hình thành mạng lưới triển khai công nghệ rộng khắp trên toàn quốc.

Thực hiện chủ trương nêu trên, ngày 05/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản số 793/BTTTT-THH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng (Tổ CNSCĐ) tại địa phương. Hơn 01 năm qua, các địa phương đã tích cực, nỗ lực thiết lập, đưa vào hoạt động các Tổ CNSCĐ, dần hình thành Mạng lưới triển khai, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả công tác chuyển đổi số trên toàn quốc. Kết quả cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ CNSCĐ đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 74.422 Tổ CNSCĐ và 348.362 thành viên, trong đó 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Mỗi Tổ CNSCĐ có khoảng 04 đến 09 thành viên, trong đó Tổ trưởng các tổ dân phố, Công an khu vực, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên (các chi đoàn, đoàn cơ sở) và Doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng nòng cốt.

Các thành viên của Tổ CNSCĐ có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản: (1) Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; (2) Mua sắm trực tuyến; (3) Thanh toán trực tuyến; (4) Tự bảo vệ mình trên không gian mạng; (5) Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.

Để trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho các thành viên Tổ CNSCĐ, trong tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các địa phương, doanh nghiệp công nghệ số tổ chức phổ biến, tập huấn kỹ năng số cho 255.545 thành viên Tổ CNSCĐ tại 59/63 địa phương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Với sự hỗ trợ của Mạng lưới Tổ CNSCĐ, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã cải thiện, góp phần đạt được những thành quả ban đầu của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong việc triển khai các nền tảng số quốc gia, quy mô toàn quốc, tác động trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm của người dân như: Nền tảng VNeID, Nền tảng học trực tuyến MOOCs, Cổng dịch vụ công quốc gia, Nền tảng thanh toán trực tuyến, Nền tảng tuyển sinh trực tuyến, Nền tảng khám chữa bệnh từ xa...

Trong tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin trước đây và chuyển đổi số hiện nay, đây là lần đầu tiên chủ trương từ Trung ương được lan tỏa nhanh chóng trong một thời gian rất ngắn. Thông qua Tổ CNSCĐ, các chủ trương, chính sách và chỉ đạo về công tác chuyển đổi số quốc gia từ Trung ương tới địa phương mà trực tiếp là người dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời. Đây là một kết quả đặc biệt đột phá. Tổ CNSCĐ mang tính toàn dân, là đặc trưng Việt Nam, là điểm khác biệt của Việt Nam, là tiền đề cho những kết quả đột phá về chuyển đổi số trong tương lai.

II. TỒN TẠI, HẠN CHẾ

Quá trình thí điểm triển khai Tổ CNSCĐ đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận, tuy nhiên thực tế cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để hoạt động của Tổ CNSCĐ trở thành một hoạt động thường xuyên, bền vững và hiệu quả hơn. Các tồn tại, hạn chế chủ yếu tập trung vào các vấn đề sau:

- Các cấp chính quyền ở một số địa phương chưa nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ của Tổ CNSCĐ, dẫn đến chưa chủ động dẫn dắt, khởi tạo, định hướng hoạt động của Tổ CNSCĐ.

- Hoạt động của Tổ CNSCĐ ở một số địa phương chưa hiệu quả, mới chỉ dừng lại ở việc thành lập Tổ CNSCĐ và chưa xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể.

- Nhiều thành viên Tổ CNSCĐ vẫn chưa nắm vững nội dung, chưa tiếp cận được người dân hoặc chưa biết cách hướng dẫn người dân.

- Chưa có công cụ hỗ trợ Tổ CNSCĐ triển khai các hoạt động và chia sẻ kinh nghiệm với nhau một cách hiệu quả.

- Trên phạm vi toàn quốc nói chung và ở đa số các địa phương nói riêng, hiện chưa có cơ chế động viên, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động của Tổ CNSCĐ.

- Việc đánh giá hiệu quả hoạt động các thành viên Tổ CNSCĐ chưa được quan tâm, chưa đo lường được vai trò tham gia đóng góp của Tổ CNSCĐ trong thúc đẩy chuyển đổi số tại các địa phương.

III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Việc triển khai thí điểm Tổ CNSCĐ, thời gian qua cũng đã cho thấy một số cách làm hay, hiệu quả, điển hình như sau:

1. Sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh: Trường hợp của tỉnh Sóc Trăng.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, trong đó, việc triển khai thành lập, tập huấn và hướng dẫn hoạt động của Tổ CNSCĐ là nhiệm vụ được Lãnh đạo tỉnh quan tâm. Toàn tỉnh đã thành lập 775 Tổ CNSCĐ khóm, ấp với 5.466 thành viên tham gia.

Nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Tổ CNSCĐ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã trực tiếp có các buổi kiểm tra và làm việc với một số Tổ CNSCĐ. Ngày 19/4/2023, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị Sơ kết kết quả hoạt động Tổ CNSCĐ và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Tổ CNSCĐ.

2. Công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời của chính quyền các cấp để định hướng hoạt động của Tổ CNSCĐ: Trường hợp của thành phố Đà Nẵng.

Từ tháng 4/2022 Sở Thông tin và Truyền thông của Thành phố đã phối hợp với Sở Nội vụ, Thành Đoàn Đà Nẵng và UBND quận, huyện tham mưu UBND Thành phố triển khai thành lập gần 2.500 Tổ CNSCĐ với khoảng 15.000 thành viên tham gia. Với số lượng thành viên tham gia tương đối lớn, để triển khai, hướng dẫn thành lập Tổ CNSCĐ, thành phố Đà Nẵng đã có một số cách làm mới trong triển khai Tổ CNSCĐ:

- Ban hành 04 văn bản hướng dẫn triển khai hoạt động Tổ CNSCĐ bao gồm: Mẫu Quyết định thành lập, chức năng, nhiệm vụ Tổ CNSCĐ; mẫu Kế hoạch hoạt động Tổ CNSCĐ, hướng dẫn chỉ tiêu, nhiệm vụ Tổ CNSCĐ; mẫu báo cáo hoạt động định kỳ Tổ CNSCĐ; cử danh sách đầu mối và cung cấp các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi số; hướng dẫn tham gia các nền tảng học trực tuyến kỹ năng chuyển đổi số.

- Tổ CNSCĐ của Đà Nẵng có sự tham gia lực lượng nòng cốt là Đoàn Thanh niên cơ sở, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông và hơn 500 nhân viên doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương, nơi cư trú.

- Tổ chức biên tập, đăng tải các tài liệu, infographic, audio, video, ...về chuyển đổi số dành cho Tổ công nghệ số cộng đồng trên nhiều kênh thông tin khác nhau như: Cổng chuyển đổi số thành phố, Trang web và kênh Zalo OA các quận, huyện, phường, xã.

- UBND các phường, xã cũng tổ chức thành lập các nhóm/tổ trực tiếp hỗ trợ Tổ CNSCĐ như: Đội thanh niên tình nguyện chuyển đổi số cộng đồng, Tổ công tác hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng,...

- Huy động nguồn lực các doanh nghiệp Viettel, MobiFone, VNPT, Momo, Bưu điện, Cốc cốc, MB Bank, SHB Bank,... trong việc đào tạo tập huấn cho các thành viên Tổ CNSCĐ.

- Triển khai các mô hình chuyển đổi số mới như: Mô hình tuyến phố, Chợ không dùng tiền mặt; Mô hình “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số”; Mô hình Trang thông tin Chính quyền điện tử phường/xã trên Zalo OA,...; Tổ chức Hội thi tuyên truyền về chuyển đổi số “Rung chuông vàng”, “Hội thi chuyển đổi số” nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông chuyển đổi số đến người dân.

3. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp với các tổ chức đoàn thể và lựa chọn đúng đối tượng nhiệt huyết, đam mê để tham gia Tổ CNSCĐ: Trường hợp của tỉnh Đồng Tháp.

Tỉnh Đồng Tháp xây dựng Đồ án triển khai thí điểm thành lập Tổ CNSCĐ, trong đó đã xác định vai trò Đoàn Thanh niên là nòng cốt chính trong các hoạt động triển khai của Tổ. Trong đó, Đoàn Thanh niên là lực lượng nòng cốt trong hoạt động phối hợp cùng Tổ Thanh niên chuyển đổi số đã triển khai hiệu quả trong việc hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số thông qua nhiều cách tiếp cận khác nhau: Tập trung trước mắt vào Đoàn viên, thanh niên để từ đó triển khai đến từng hộ gia đình; đến từng nhà, đặt các Tổ hỗ trợ chuyển đổi số tại bộ phận một cửa; triển khai tập trung tại các buổi họp chi bộ, hội quán, hợp tác xã, các buổi tập trung đông người nhằm tăng hiệu quả số lượng cài đặt e-Đồng Tháp và các nền tảng số khác.

Kết quả ban đầu đạt được theo các chỉ tiêu giao các Tổ CNSCĐ: 1.333 lượt người dân cài đặt ứng dụng e-Đồng Tháp; 986 lượt người dân cài đặt ví điện tử; 210 cửa hàng, dịch vụ sử dụng thanh toán điện tử; 189 sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử; 9.038 lượt hướng dẫn và nộp hồ sơ được hướng dẫn tạo tài khoản và hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến,... Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị sơ kết và khen thưởng cho 03 tập thể và 06 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động của Tổ.

Mô hình Tổ CNSCĐ đạt hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn người đứng đầu rất nhiều và đây là một thuận lợi lớn trong triển khai hoạt động Tổ. Các Tổ CNSCĐ có thành tích tốt ban đầu là có các Tổ trưởng năng động và chiếm phần lớn là các bạn Đoàn viên, Thanh niên; Tổ trưởng xây dựng kế hoạch triển khai, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp số trên địa bàn và các đơn vị liên quan khác để tổ chức hoạt động cho Tổ mang lại thành tích tốt.

4. Chiến dịch 92 ngày đêm - Tổ CNSCĐ đi từng ngõ, gõ từng nhà hướng dẫn từng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến: Trường hợp của tỉnh Bình Phước.

Tỉnh Bình Phước đã triển khai thành lập 956 Tổ CNSCĐ với hơn 5.400 thành viên tham gia; thiết lập kênh truyền thông Zalo “CNCĐ Bình Phước” với sự tham gia của 116 thành viên từ cấp tỉnh đến thôn, ấp. Bên cạnh đó, cấp xã cũng thiết lập kênh Zalo riêng cho toàn bộ thành viên trong Tổ CNSCĐ thôn, ấp, tạo nên mạng lưới hỗ trợ đều khắp, sát với thực tế, giải quyết các vướng mắc từ cơ sở. Các Tổ CNSCĐ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia sử dụng các nền tảng số trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, UBND tỉnh Bình phước ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND triển khai chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm (từ ngày 01/6 đến ngày 31/8/2022) nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số, cũng như nỗ lực tạo ra bứt phá, thành công trong thực hiện chuyển đổi số theo các mục tiêu của tỉnh Bình Phước đã đặt ra năm 2022. Kết thúc chiến dịch 92 ngày đêm, tỉnh đã thiết lập tài khoản khai thác sử dụng Cổng dịch vụ công, tập huấn chữ ký số, các ứng dụng số cho 163.410 người dân. Nhờ đó, toàn Tỉnh đã có hơn 220 doanh nghiệp, hợp tác xã đưa 466 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; ngành thuế đã chuẩn hóa dữ liệu hóa đơn điện tử cho hơn 8.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Chiến dịch 92 ngày đêm của Bình Phước đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc triển khai thực hiện dịch vụ trực tuyến, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh và tạo được sự đồng thuận và triển khai quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã thông qua hoạt động của Tổ CNSCĐ. Đây là cơ hội để thực hiện tốt hơn nữa cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Qua kinh nghiệm thực tiễn này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của Lãnh đạo tỉnh và vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, các Tổ CNSCĐ trong việc hỗ trợ triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương.

5. Ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời hoạt động của Tổ CNSCĐ: Trường hợp của tỉnh Yên Bái.

Trong quá trình triển khai chuyển đổi số, tỉnh Yên Bái sớm xác định chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, tạo nên giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng và sử dụng thì chuyển đổi số sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số. Ngay sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông phát động mô hình triển khai Tổ CNSCĐ, tại Yên Bái, 100% (173/173) các xã, phường, thị trấn thực hiện thành lập Tổ CNSCĐ cấp xã, với 1.744 thành viên; đối với Tổ CNSCĐ cấp thôn đã có 1.260/1.356 thôn, bản, tổ dân phố được thành lập với 8.526 thành viên, với lực lượng nòng cốt là Đoàn Thanh niên, giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và người dân đam mê, có khả năng sử dụng các nền tảng số, công nghệ số.

Để phần nào giải quyết những khó khăn từ thực tiễn, ngày 09/12/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022-2025, trong đó quy định hỗ trợ hoạt động của Tổ CNSCĐ tham gia các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh; tập trung hỗ trợ hoạt động của Tổ CNSCĐ đến cấp thôn tại các xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi số nâng cao. Mức hỗ trợ xây dựng trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương, kinh phí hỗ trợ được thực hiện để mua sắm, thuê trang thiết bị, phần mềm hỗ trợ nhiệm vụ chuyển đổi số, mua gói cước di động, data... các nhiệm vụ khác hỗ trợ hoạt động của Tổ CNSCĐ và đây là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành chính sách quy định hỗ trợ cho Tổ CNSCĐ.

6. Bài học kinh nghiệm chung.

Đây là một số bài học chung đúc kết từ các địa phương đã triển khai bước đầu có hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ:

a) Chiến lược “mưa dầm thấm lâu”

- Chuyển đổi số là một quá trình, khó khăn lớn nhất là thay đổi nhận thức của người dân; thách thức lớn nhất là thay đổi thói quen của người dân; điều kiện cần thiết nhất là người dân có kỹ năng số. Quá trình triển khai nhiệm vụ của các thành viên Tổ CNSCĐ không tránh khỏi nhiều khó khăn, thậm chí hoạt động miệt mài nhưng hiệu quả chưa thấy được ngay, chưa được cộng đồng, xã hội, chính quyền ghi nhận ngay. Chính vì vậy, hoạt động của Tổ CNSCĐ là chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên trì, nhiệt huyết của chính các thành viên Tổ CNSCĐ, hay nói cách khác là “mưa dầm thấm lâu”.

- Bồi dưỡng, tập huấn cần thiết tổ chức thường xuyên, nhưng phải trọng tâm theo chuyên đề. Các thành viên Tổ CNSCĐ hoạt động kiêm nhiệm nên việc bố trí tham dự đầy đủ các đợt bồi dưỡng, tập huấn là vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên chính là giúp tạo điều kiện cho các thành viên của Tổ CNSCĐ có thể sắp xếp thời gian tham dự một cách linh hoạt, phù hợp.

- Lồng ghép vào hoạt động của các cơ sở (trường học, thanh niên, các chương trình nông thôn mới của địa phương để tận dụng được nguồn lực) cũng là giải pháp tốt, tạo nguồn lực tại chỗ cho Tổ CNSCĐ.

b) Triển khai “đơn giản - tự nhiên - thiết thực”, theo hướng xã hội hóa là chính

- Tổ CNSCĐ có sứ mệnh hỗ trợ cho người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngóc ngách cuộc sống; giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực đối với người dân. Chẳng hạn, đối với các tiểu thương, hộ kinh doanh thì tập trung hướng dẫn kỹ năng thanh toán trực tuyến, mua bán thông qua các sàn thương mại điện tử; đối với các gia đình có con trong độ tuổi đi học thì tập trung hướng dẫn kỹ năng thanh toán học phí trực tuyến, cách thức thực hiện các dịch vụ công trực tuyến liên quan tới con em trong gia đình, cách thức cài đặt, sử dụng các ứng dụng học tập trực tuyến; đối với các cụ cao tuổi thì tập trung hướng dẫn cách thức cài đặt, sử dụng các ứng dụng tư vấn khám bệnh từ xa...

- Khi người dân sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số để phục vụ cho nhu cầu tự nhiên thì hiệu quả mang lại bền vững, người dân thụ hưởng được những lợi ích, giá trị thiết thực do chuyển đổi số mang lại.

- Các ứng dụng, phần mềm gần gũi với thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến đời sống hằng ngày để giải quyết, mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thì sẽ được đón nhận, lan tỏa, sẽ tiếp tục thành công sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm.

- Nguồn lực triển khai Tổ CNSCĐ huy động sự tham gia tình nguyện theo hướng xã hội hóa, có nòng cốt dẫn dắt là cán bộ chính quyền, ví dụ: cán bộ xã, công an khu vực, Bí thư Đoàn Thanh niên hoặc người có uy tín (Tổ trưởng Tổ dân phố). Trong trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động có biện pháp giám sát, kiểm tra, tổ chức thực hiện bảo đảm đúng người, đúng việc, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

c) Thiết lập đầu mối hỗ trợ Tổ CNSCĐ và các kênh truyền thông về chuyển đổi số.

- Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương phải đóng vai trò hạt nhân nòng cốt trong hoạt động chuyển đổi số, cụ thể ở đây là trong hoạt động của Tổ CNSCĐ. Các đầu mối đại diện của các Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục lan tỏa và chia sẻ thông tin đến các thành viên của Tổ CNSCĐ tại địa phương mình bằng cách thiết lập tiếp nhiều nhóm Zalo Tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh giúp cho mạng lưới thành viên Tổ CNSCĐ kịp thời tiếp nhận được các thông tin về chủ trương, chính sách, tài liệu về chuyển đổi số; chia sẻ các hoạt động triển khai thực tế của các Tổ CNSCĐ trên địa bàn; theo dõi, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của các thành viên Tổ CNSCĐ trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

- Công tác truyền thông về hoạt động của Tổ CNSCĐ cần thực hiện thường xuyên và liên tục bằng cách khởi tạo, thiết lập, thúc đẩy các thành viên Tổ CNSCĐ và người dân tham gia các kênh truyền thông trực tuyến để đạt hiệu quả cao, diện rộng, mọi lúc, mọi nơi, dễ tiếp cận, kịp thời nắm bắt các thông tin. Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập 06 nhóm Zalo để hằng ngày đôn đốc, giải đáp thường xuyên những khó khăn, vướng mắc và chia sẻ thông tin những địa phương làm tốt công tác triển khai Tổ CNSCĐ với đầu mối Sở TT&TT của 63 tỉnh, thành phố.

IV. HỖ TRỢ CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thúc đẩy hoạt động Mạng lưới Tổ CNSCĐ trên toàn quốc để hỗ trợ mạnh mẽ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp quy mô quốc gia về chuyển đổi số tại địa phương. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai các hoạt động hướng đến tăng cường năng lực, thiết lập công cụ số, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên Tổ CNSCĐ hoạt động. Kế hoạch dự kiến như sau:

1) Cập nhật, bổ sung khóa học về phát triển Tổ công nghệ số cộng đồng cho cán bộ chính quyền cấp huyện, cấp xã trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs):

Thời hạn thực hiện: Quý III và IV năm 2023.

Dự kiến khóa học sẽ gồm các chuyên đề sau: Kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức thực thi và giám sát hoạt động Tổ CNSCĐ; kỹ năng ứng dụng nền tảng số trong truyền thông, tuyên truyền,...

2) Cập nhật, bổ sung khóa học về kỹ năng Tổ công nghệ số cộng đồng cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs):

Thời hạn thực hiện: Quý III và IV năm 2023.

Dự kiến sẽ có 2 phiên bản, một phiên bản dành cho thành viên Tổ CNSCĐ và một phiên bản dành cho người dân. Thành viên Tổ CNSCĐ ưu tiên thời gian hoàn thành khóa học này bằng hình thức trực tuyến trong Quý III năm 2023.

Dự kiến khóa học sẽ gồm các chuyên đề sau: Sử dụng trình duyệt an toàn; Sử dụng nền tảng số để làm việc, cộng tác; Tìm kiếm thông tin hiệu quả; Tạo tài khoản và kho dữ liệu cá nhân trực tuyến; Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Thanh toán trực tuyến; Mua sắm trực tuyến; Học tập và ôn luyện trực tuyến; Chặn và lọc tin rác hiệu quả trên trình duyệt; Bảo vệ bản thân trực tuyến; Bảo vệ gia đình trực tuyến; Giải trí trực tuyến.

Hằng tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức phổ biến, trao đổi, hướng dẫn, hỏi đáp về một chuyên đề cụ thể.

3) Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ:

Thời gian thực hiện: Quý III và IV năm 2023.

4) Phổ biến, chia sẻ các mô hình, cách làm hay, điển hình, sáng tạo:

Thời gian thực hiện: Quý III và IV năm 2023.

Tổng hợp các mô hình, cách làm hay, điển hình, sáng tạo trong hoạt động của Tổ CNSCĐ để phổ biến, chia sẻ cho các địa phương tham khảo.

5) Tôn vinh, khen thưởng các địa phương triển khai có hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ:

Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2023.

6) Hỗ trợ nền tảng số phục vụ hoạt động của Tổ CNSCĐ đối với các địa phương có nhu cầu:

Thời hạn thực hiện: Quý III và IV năm 2023.

V. KẾT LUẬN

Kết thúc việc triển khai thí điểm hoạt động của Tổ CNSCĐ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian vừa qua tại Văn bản số 793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022.

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Chủ động quyết định việc tổ chức triển khai hoạt động của Tổ CNSCĐ tại địa phương, vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế chuyển đổi số và các điều kiện đặc thù của địa phương.

2. Tổ CNSCĐ tại địa phương với tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” 05 nhiệm vụ cơ bản:

- Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thiết lập mỗi người dân một tài khoản dịch vụ công trực tuyến và một kho dữ liệu cá nhân trực tuyến để sử dụng dịch vụ công, chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước.

- Mua sắm trực tuyến gắn với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhận diện các trang mua sắm trực tuyến tin cậy.

- Thanh toán trực tuyến an toàn, tiện lợi, tránh bị lừa đảo mất tiền, gắn với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

- Tự bảo vệ mình trên không gian mạng, tránh trường hợp bị lừa đảo trực tuyến, bị đánh cắp dữ liệu cá nhân.

- Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.

3. Sử dụng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ để định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết hằng năm, kịp thời rút kinh nghiệm và điều chỉnh hoạt động của Tổ CNSCĐ.

Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Chuyển đổi số quốc gia, cán bộ đầu mối: Đồng chí Mai Thanh Hải, điện thoại: 0936229099, thư điện tử: mthai@mic.gov.vn) để kịp thời hướng dẫn thực hiện.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
- Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Lưu: VT, CĐSQG.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Huy Dũng

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công văn 2251/BTTTT-CĐSQG về tổng kết thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng và định hướng triển khai năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu: 2251/BTTTT-CĐSQG
Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký: Nguyễn Huy Dũng
Ngày ban hành: 15/06/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [5]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công văn 2251/BTTTT-CĐSQG về tổng kết thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng và định hướng triển khai năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…