BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2024 |
Kính gửi: |
- Văn phòng Chính phủ; |
Thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023, Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 17/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh phân công Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn; trả lời các kiến nghị nêu tại Phụ lục kèm theo Báo cáo số 197/BC-BTNMT ngày 20/12/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
1. Kiến nghị số 19: “Các bộ, ngành, cơ quan trung ương: Phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Y tế xem xét, thống nhất nội dung hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Ngày 22/9/2023, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có Công văn số 2453/ĐCT-DTTG về việc đề nghị góp ý dự thảo Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số nội dung Hướng dẫn 04/HD-ĐCT ngày 28/7/2022 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Dự án 8 thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trả lời tại Công văn số 4510/LĐTBXH-BĐG ngày 25/10/2023 (Công văn kèm theo).
Ủy ban Dân tộc được phân công nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và sẽ tiếp tục phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các bộ, ngành, cơ quan liên quan để rà soát, chỉnh sửa, hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình.
2. Kiến nghị số 20: “Xem xét tham mưu cho Chính phủ nâng mức hỗ trợ tiền ăn đối với người học nghề ngắn hạn từ 30.000 đồng/người/ngày thực học hiện nay (theo điểm a khoản 2 Điều 5 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ và điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính) lên mức 50.000 đồng/người/ngày ”.
Và kiến nghị số 22: “Nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, nâng mức hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng (với mức hỗ trợ học nghề hiện nay, một số nghề mức chi phí chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo); hướng dẫn việc xây dựng đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để có cơ sở đặt hàng theo quy định”.
2.1. Về điều chỉnh nâng mức hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg
Mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg cho các đối tượng là từ 2 triệu đồng/người/khóa đào tạo đến 6 triệu đồng/người/khóa đào tạo và một số đối tượng được hỗ trợ tiền ăn (30.000 đồng/người/ngày thực học), tiền đi lại (200.000 đồng/người/khóa học).
Thủ tướng Chính phủ cũng khuyến khích các địa phương, cơ sở chủ động xây dựng phương án huy động nguồn kinh phí bổ sung từ ngân sách địa phương, tùy điều kiện và khả năng, huy động thêm các nguồn kinh phí khác, hỗ trợ của doanh nghiệp, đóng góp của người học và nguồn huy động, tài trợ hợp pháp khác để bảo đảm chi phí đào tạo và hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền đi lại cho người học trong thời gian đào tạo.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp các cơ quan liên quan đánh giá tình hình thực hiện, khó khăn, vướng mắc để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ đào tạo dưới 3 tháng cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế hiện nay.
2.2. Về định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xác định giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước
Đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư quy định việc xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp[1] và các thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo cho 173 ngành, nghề trình độ cao đẳng, trung cấp[2].
Đồng thời, tại Điều 6 Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, khoản 2 Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, Điều 14 Thông tư số 07/2020/TT-BLĐTBXH quy định việc ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực việc làm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1051/QĐ-LĐTBXH ngày 10/8/2018 quy định định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực việc làm. Theo đó, tại Điều 2 Quyết định số 1051/QĐ-LĐTBXH quy định: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thị trường lao động và kết quả thực tế hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, thành phố xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực việc làm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và quy định tại Quyết định này.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và các quy định của pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ.
2.3. Về xác định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, phương pháp định giá và cơ quan có thẩm quyền định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật về giá.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định giá sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công và hàng hóa, dịch vụ được địa phương đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật và thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện quy định giá cụ thể hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho địa phương hưởng, thu bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp địa phương.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá hoặc mức bình quân chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện của 03 năm trước liền kề theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đơn giá tối đa thực hiện đặt hàng dịch vụ giáo dục nghề nghiệp xác định bằng mức trần giá dịch vụ quy định tại khoản 3 Điều 27 và Điều 30 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Đối với các quy định về điều kiện, quy trình, thủ tục, phương thức, thẩm quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện theo quy định của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan.
Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên nghiên cứu các quy định trên để triển khai thực hiện việc xác định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
3. Kiến nghị số 54: “Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của 03 CTMTQG trên địa bàn tỉnh Điện Biên”.
Ở cấp trung ương, trong năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 03 hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp trên phạm vi toàn quốc, tổ chức tại các tỉnh: Cao Bằng, Bình Định và Cà Mau (tỉnh Điện Biên không cử cán bộ tham gia). Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn triển khai thực hiện các tiểu dự án, dự án thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát hành cẩm nang điện tử cơ chế, chính sách về giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 và Sổ tay nghiệp vụ hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Ở cấp địa phương: Ngân sách trung ương đã phân bổ kinh phí để các địa phương triển khai thực hiện Dự án 7[3] - Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên căn cứ kinh phí được phân bổ, nội dung quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg và nội dung chi, mức chi quy định tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC[4] để xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ... trong triển khai thực hiện CTMTQG về giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 theo thẩm quyền.
4. Kiến nghị số 57: “Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện là đối tượng thụ hưởng của các Chương trình để những đơn vị này được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo từ nguồn vốn thuộc 03 CTMTQG giai đoạn 2021-2025 ”.
Thực hiện Thông báo số 521/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp với 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện các CTMTQG 11 tháng năm 2023 đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2023, đối với vướng mắc liên quan đến các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, đề nghị địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, các Quyết định phê duyệt CTMTQG của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, báo cáo cấp có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp và bảo đảm điều kiện về nguồn vốn.
Trên đây là trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về kiến nghị của tỉnh Điện Biên để địa phương triển khai thực hiện theo quy định và đề nghị các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo theo thẩm quyền./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] Thông tư số 07/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/10/2020.
[2] Thông tư số 08/2018/TT-BLĐTBXH ngày 14/8/2018; Thông tư số 24/2019/TT-BLĐTBXH ngày 24/12/2019; Thông tư số 25/2019/TT-BLĐTBXH ngày 24/12/2019; Thông tư số 16/2020/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2020; Thông tư số 10/2021/TT-BLĐTBXH ngày 10/9/2021.
[3] Bên cạnh ngân sách do trung ương phân bổ, các địa phương phải bố trí ngân sách địa phương để đối ứng theo quy định tại Điều 13 Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
[4] Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025.
Công văn 550/BLÐTBXH-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của tỉnh Điện Biên do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu: | 550/BLĐTBXH-VP |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký: | Nguyễn Bá Hoan |
Ngày ban hành: | 05/02/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 550/BLÐTBXH-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của tỉnh Điện Biên do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Chưa có Video