BỘ
TƯ PHÁP |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4887/BTP-VĐCXDPL |
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2020 |
Kính
gửi: Công ty TNHH Nông nghiệp xanh bảo an
(Xã Hải Bối, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội)
Ngày 20/11/2020, Bộ Tư pháp nhận được phản ánh kiến nghị của Công ty TNHH Nông nghiệp xanh bảo an (Mã số PAKN.20201120.0005) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia về việc nghiên cứu, lấy lại một số quy định của Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL (Nghị định số 24/2009/NĐ-CP) liên quan đến dịch VBQPPL ra tiếng nước ngoài. Bộ Tư pháp xin trả lời Quý Công ty như sau:
1. Về kiến nghị cần quy định dịch VBQPPL ra tiếng Anh là bắt buộc
Điều 6 của Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 quy định:
“1. Văn bản quy phạm pháp luật có thể được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài.
2. Việc dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài do Chính phủ quy định".
Căn cứ quy định này của Luật năm 2008, khoản 1 Điều 51 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP quy định một số VBQPPL như luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ có nội dung liên quan hoặc ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa, dịch vụ và sở hữu trí tuệ phải được dịch ra tiếng Anh.
Các quy định nêu trên là nhằm bảo đảm tính minh bạch của hệ thống pháp luật theo yêu cầu nội tại của Việt Nam và tuân thủ cam kết về minh bạch hóa hệ thống pháp luật trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.
Kế thừa quy định nêu trên của Luật năm 2008, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 tại Điều 9 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật có thể được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài” và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Thực hiện nhiệm vụ được Luật năm 2015 giao, ngày 14/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP). Tại khoản 1 Điều 102 của Nghị định này quy định:
“1. Các văn bản quy phạm pháp luật sau đây có thể được dịch ra tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài khác:
a) Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
b) Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành để thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, kinh doanh của người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam".
Việc Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định một số VBQPPL có thể được dịch ra tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài khác (mà không bắt buộc phải dịch) vừa bảo đảm phù hợp với quy định của Luật năm 2015, vừa bảo đảm tính khả thi của quy định về dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng nước ngoài, trong đó có tiếng Anh. Ngoài ra, quy định này cũng thể hiện sự đối xử bình đẳng của Việt Nam đối với tất cả các nước trên thế giới.
2. Về kiến nghị cần quy định thời hạn dịch VBQPPL ra tiếng nước ngoài
Trong những năm gần đây, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng VBQPPL được ban hành hằng năm ở nước ta là rất lớn. Các VBQPPL luật hiện hành có nội dung bao trùm hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có những lĩnh vực rất phức tạp về mặt chuyên môn như tài chính, thuế, y tế, giao dịch điện tử, tố tụng. Nhiều văn bản có khối lượng chương điều rất đồ sộ, chẳng hạn như Bộ luật Dân sự (689 điều), Bộ luật Tố tụng dân sự (517 điều), Bộ luật Hình sự (426 điều), Bộ luật Tố tụng hình sự (510 điều). Do vậy, việc quy định thời hạn phải dịch ra tiếng nước ngoài đối với tất cả các loại VBQPPL là không hợp lý và thiếu tính khả thi. Với lý do đó mà cả Nghị định số 24/2009/NĐ-CP trước đây và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP hiện nay đều không quy định về thời hạn phải dịch VBQPPL ra tiếng nước ngoài.
3. Về kiến nghị cần quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng nước ngoài
Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc dịch VBQPPL ra tiếng nước ngoài đã được quy định tại Điều 102 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Cụ thể khoản 2 của Điều 102 quy định như sau: “Cơ quan chủ trì soạn thảo chủ trì, phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức dịch văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Khoản 1 Điều này ra tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài khác và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch".
4. Về kiến nghị không thu tiền phí đối với bản dịch tiếng nước ngoài của văn bản quy phạm pháp luật
Như đã nêu ở trên, theo quy định pháp luật hiện hành thì việc dịch ra tiếng nước ngoài không phải là nhiệm vụ bắt buộc của các cơ quan nhà nước. Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP không quy định về thu phí hay không thu phí đối với bản dịch tiếng nước ngoài của VBQPPL. Hiện nay, việc dịch VBQPPL ra tiếng nước ngoài đang được Thông tấn xã Việt Nam thực hiện. Khi dịch VBQPPL ra tiếng nước ngoài thì cần phải thuê người dịch và người hiệu đính các bản dịch. Việc thu phí đối với các bản dịch VBQPPL ra tiếng nước ngoài là để có kinh phí trả thù lao cho người dịch và người hiệu đính các bản dịch.
Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ Tư pháp, xin trân trọng gửi tới Quý Công ty và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Quý Công ty với công tác xây dựng, ban hành VBQPPL trong thời gian tới./.
|
TL.
BỘ TRƯỞNG |
Công văn 4887/BTP-VĐCXDPL năm 2020 trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng nước ngoài do Bộ Tư pháp ban hành
Số hiệu: | 4887/BTP-VĐCXDPL |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Tư pháp |
Người ký: | Nguyễn Hồng Tuyến |
Ngày ban hành: | 30/11/2020 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 4887/BTP-VĐCXDPL năm 2020 trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng nước ngoài do Bộ Tư pháp ban hành
Chưa có Video