Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
 VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3443/BVHTTDL-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng gửi tới trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024, nội dung kiến nghị như sau:

1. Về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):

- Cử tri phản ánh, nội hàm phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh chưa bao hàm việc phục hồi các giá trị Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Cử tri kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quy định cụ thể về việc phục hồi Di sản văn hóa phi vật thể.

- Cử tri cho rằng, để cắt giảm các thủ tục hành chính khi xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với các nhóm di tích quốc gia ít giá trị về kiến trúc, quy mô nhỏ, tạo điều kiện cho các địa phương linh động hơn trong phân cấp, cử tri kiến nghị trình Quốc hội xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về danh mục ủy quyền phê duyệt các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng quốc gia”.

- Cử tri cho rằng, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã bổ sung quy định về “Thẩm quyền và thủ tục hủy bỏ xếp hạng di tích”, góp phần nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích cũng như tạo sự thuận lợi trong công tác quản lý di tích và giải quyết các vi phạm liên quan đến di tích. Cử tri kiến nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về việc “Hạ cấp xếp hạng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh”.

- Cử tri phản ánh, hiện nay nhiều địa phương, đơn vị có nhà truyền thống, nhà trưng bày (cũng phản ánh về văn hóa, lịch sử) nhưng chưa có quy định cụ thể. Cử tri kiến nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về nhà truyền thống, nhà trưng bày để các địa phương triển khai được thuận lợi hơn.

2. Cử tri phản ánh, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết việc “phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh” mà chỉ chú trọng hướng dẫn về công tác bảo quản, tu bổ di tích. Cử tri kiến nghị sớm ban hành quy định chi tiết để các địa phương triển khai thực hiện.

3. Cử tri cho rằng, các dự án bảo quản, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được quy định rất chi tiết với nhiều quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn liên quan. Tuy nhiên hiện nay, phần nhiều các di tích quy mô cấp xã được trùng tu, tôn tạo từ “nguồn xã hội hóa” và chưa chủ động được nguồn lực, phải kéo dài nhiều năm, nhanh hay chậm do sức đóng góp của Nhân dân. Cử tri kiến nghị nghiên cứu, xem xét ban hành quy định đặc thù về thủ tục hồ sơ liên quan, cắt giảm những nội dung thực tế không áp dụng hoặc khó áp dụng so với các dự án sử dụng vốn ngân sách.

4. Tại điểm a khoản 2 Điều 49 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức quy định:

“a) Ban Tổ chức Lễ tang do cấp ủy Đảng, tổ chức chính trị - xã hội địa phương, chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn, khu phố) nơi người từ trần nghỉ hưu và cư trú phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang quản lý người từ trần trước khi nghỉ hưu quyết định, gồm các thành viên đại diện cho các đoàn thể, chính quyền địa phương, đại diện gia đình và đại diện cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang đã quản lý người từ trần trước khi nghỉ hưu”.

Cử tri phản ánh cụm từ “khu phố” gây ra mỗi nơi có cách hiểu và thực hiện khác nhau. Cử tri kiến nghị nghiên cứu, sửa đổi cụm từ “khu phố” thành “thôn, tổ dân phố” để việc thực hiện được thuận lợi hơn.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

- Về kiến nghị liên quan đến việc phục hồi di sản văn hóa phi vật thể

Việc phục hồi di sản văn hóa phi vật thể đã được quy định tại Điều 3 và Điều 13 Nghị định số 39/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng đã có các quy định về phục hồi di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét, phê duyệt về Hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 08.

- Về kiến nghị bổ sung vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nội dung “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về danh mục ủy quyền phê duyệt các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng quốc gia”.

Đối với các dự án bảo quản, tu bổ phục hồi di tích cấp quốc gia dự thảo Luật di sản văn hóa (sửa đổi) đã kế thừa một số nội dung phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật hiện hành đang được thực hiện ổn định, phù hợp và hiệu quả trong thực tiễn; Tiếp tục mở rộng nội dung phân cấp, phân quyền cho địa phương, đồng thời những nội dung phân cấp, phân quyền mới giao cho địa phương nhằm nhấn mạnh vai trò chủ động quản lý trực tiếp, toàn diện về di sản văn hóa của chính quyền địa phương các cấp; đảm bảo rõ trách nhiệm quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cũng như chủ sở hữu; rút gọn quy trình thủ tục và thời gian thẩm định dự án để đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân.

Các quy định cụ thể về phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; quy định cụ thể về bảo quản định kỳ, sửa chữa thường xuyên, tu sửa cấp thiết di tích phân cấp hoàn toàn cho địa phương đã được đưa vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được trình Quốc hội ban hành trong thời gian tới.

- Về kiến nghị bổ sung quy định về việc hạ cấp xếp hạng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh

Tại Điều 23 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định về việc xếp hạng, hủy bỏ xếp hạng di tích. Theo đó, trong phạm vi quốc gia, di tích được xếp hạng ở 3 cấp độ: Cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp tỉnh. Tiêu chí xếp hạng di tích ở các cấp độ được quy định tại khoản 1 Điều 23 của dự thảo Luật. Trường hợp xác định di tích không còn đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 23 thì người có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích có quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định xếp hạng đối với di tích đó. Quy định này bảo đảm đánh giá xếp hạng di tích phù hợp với giá trị di tích ở từng cấp độ.

- Về kiến nghị bổ sung quy định về nhà truyền thống, nhà trưng bày để các địa phương triển khai được thuận lợi hơn

Tại Điều 48 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định về việc bảo vệ và phát huy giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong nhà truyền thống, nhà lưu niệm, nhà trưng bày hoặc thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng.

- Về kiến nghị ban hành quy định chi tiết về việc “phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh”

Tại khoản 24 Điều 3 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định rõ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Theo đó, việc phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm dựng lại nguyên gốc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó.

- Về kiến nghị ban hành quy định đặc thù về thủ tục hồ sơ liên quan, cắt giảm những nội dung thực tế không áp dụng hoặc khó áp dụng so với các dự án sử dụng vốn ngân sách

Kế thừa quy định từ Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội không quy định di tích quy mô cấp xã. Tuy nhiên, dự thảo Luật đã bổ sung quy định đối với việc lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích sử dụng nguồn vốn xã hội hóa.

- Về kiến nghị nghiên cứu, sửa đổi cụm từ “khu phố” thành “thôn, tổ dân phố” tại điểm a khoản 2 Điều 49 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri Thành phố Hải Phòng và sẽ tổng hợp, nghiên cứu trong quá trình tham mưu Chính phủ xem xét, chỉnh sửa nội dung Nghị định số 105/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam;
- Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- HĐND, UBND Tp.Hải Phòng;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ;
- Bộ VHTTDL: Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Các Cục: DSVH, VHCS;
- Cổng TTĐT Bộ;
- Lưu: VT, VP (TKBT), PAV (15).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Hùng

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công văn 3443/BVHTTDL-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu: 3443/BVHTTDL-VP
Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký: Nguyễn Văn Hùng
Ngày ban hành: 13/08/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [3]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công văn 3443/BVHTTDL-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…