Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2868/UBND-CNN
Về triển khai thực hiện các biện pháp phòng, tránh ứng phó với mưa giông gây ngập úng, sạt lở, đổ ngã cây trên địa bàn Thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 6 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các Sở, ngành Thành phố;
- Ủy ban nhân dân 24 quận – huyện.

Xét đề nghị của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tại Công văn số 77/PCLB ngày 5 tháng 6 năm 2014 về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng tránh ứng phó với mưa lớn gây ngập úng trên địa bàn Thành phố và Báo cáo số 76/BC -PCLB ngày 03 tháng 6 năm 2014 về kết quả công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tháng 5 và nhiệm vụ, kế hoạch tháng 6 năm 2014; tiếp theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Chỉ thị số 06/2014/CT-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2014; Ủy ban nhân dân Thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau:

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã bước vào mùa mưa, bão năm 2014, nhiều cơn mưa có vũ lượng lớn đã xảy ra trên địa bàn Thành phố như: ngày 28 tháng 5 là 49,6 mm (trạm Mạc Đỉnh Chi); ngày 02 tháng 5 là 64,5 mm và ngày 01 tháng 6 là 54,3 mm (trạm Tân Sơn Hòa); ngày 18 tháng 5 là 44,0 mm (trạm Hóc Môn); ngày 14 tháng 6 là 42,0 mm (trạm Bình Chánh). Mưa lớn còn kèm theo giông, sét, gió giật mạnh. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa mưa, bão năm 2014 sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường, các hình thái thời tiết cực đoan có khả năng xuất hiện nhiều hơn, xảy ra trên diện rộng và trong thời đoạn ngắn; do đó, cần phải chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả để giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra.

Để tránh chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, tránh, ứng phó với tình hình thời tiết, thiên tai từ nay đến cuối năm 2014; các Sở, ngành, đơn vị Thành phố và Ủy ban nhân dân 24 quận - huyện cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Sở, ngành, đơn vị Thành phố và Ủy ban nhân dân 24 quận - huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phường - xã - thị trấn:

a) Quán triệt và triển khai nghiêm túc có hiệu quả Chỉ thị số 06/2014/CT-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố và các Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố:

- Quyết định số 1026/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2014 về ban hành Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào Thành phố;

- Quyết định số 1027/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2014 về ban hành Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn Thành phố;

- Quyết định số 1028/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2014 về ban hành Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn Thành phố;

- Quyết định số 3558/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2012 về ban hành Phương án Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn Thành phố.

- Quyết định số 670/QĐ-UBND ngày 15 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc phê duyệt đề án Quy ho ạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

b) Căn cứ các phương án đã ban hành và nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố: tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương mình; trong đó cần xác định các khu vực xung yếu, số người dự kiến di dời, sơ tán, địa điểm tạm cư an toàn và phương án di chuyển để di dời dân nhanh nhất đến nơi trú ẩn an toàn khi thiên tai xảy ra, đảm bảo chủ động, kịp thời và hiệu quả.

c) Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành trong đó cơ cấu những thành viên có điều kiện tham gia tốt nhất, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

d) Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 06 tháng đầu năm 2014; tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong 06 tháng cuối năm 2014, nhất là các chương trình, kế hoạch còn tồn đọng, chưa được triển khai trong 06 tháng đầu năm 2014.

2. Sở Giao thông vận tải:

a) Chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Công viên Cây xanh khẩn trương rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh ven đường, công viên chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện, cây mục rỗng, sâu bệnh, già cỗi, bọng gốc, tán lá lớn…nhằm đảm bảo an toàn, không để cây xanh ngã đổ do mưa lớn, giông gió gây thiệt hại, đặc biệt là tính mạng của người dân. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để nhanh chóng xử lý sự cố, khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông đi lại thông suốt. Báo cáo kết quả kiểm tra cho Ủy ban nhân dân Thành phố trước ngày 30 tháng 6 năm 2014.

b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện tổ chức rà soát, kiểm tra để có biện pháp đảm bảo an toàn trên các tuyến đường (lắp bảng cảnh báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng…), nhất là các tuyến đường dốc, quanh co… nhằm tránh xảy ra tai nạn khi mưa lớn gây ngập úng; cử lực lượng ứng trực cảnh báo tại các công trình đang thi công và hướng dẫn người dân lưu thông theo quy định.

c) Kiểm tra chặt chẽ công tác đăng ký, đăng kiểm các tàu, thuyền vận tải, tàu du lịch, tàu nhà hàng, đảm bảo trang bị đầy đủ phao cứu sinh, các thiết bị thông tin liên lạc, phòng cháy, chữa cháy theo quy định để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra khi đang vận hành.

d) Rà soát, kiểm tra hoạt động của các bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều và an toàn các bến đò ngang, đò dọc trên địa bàn Thành phố để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kiên quyết, kịp thời. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, cắm biển cảnh báo sạt lở và thường xuyên thông tin về tình hình diễn biến sạt lở đến các địa phương và cơ quan liên quan; phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị và địa phương kịp thời tổ chức sơ tán, ứng cứu người và tài sản khi xảy ra sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố.

đ) Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thi công các công trình bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển; thường xuyên tổ chức kiểm tra các tuyến kè bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển đã được đầu tư xây dựng để kịp thời phát hiện các vị trí xuống cấp, hư hỏng và có kế hoạch duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn công trình nhằm phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở, triều cường.

3. Sở Xây dựng:

a) Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện và đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, cảnh báo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn khi đang thi công xây dựng, lắp đặt, sử dụng giàn giáo, vận hành cần cẩu tại các công trình, nhất là khi thi công trong điều kiện thời tiết nguy hiểm, mưa lớn, giông, sét, gió mạnh; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp không đảm bảo an toàn lao động; bảo đảm không để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân Thành phố trước ngày 15 tháng 7 năm 2014.

b) Triển khai Phương án đảm bảo an toàn cho các nhà, xưởng, công trình, các công trường đang thi công, chung cư cũ xuống cấp khi xảy ra mưa, bão, giông, lốc, động đất…

4. Tổng Công ty Điện lực Thành phố - TNHH:

a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm tra, bảo vệ hệ thống truyền tải, thiết bị điện, trạm biến thế, công trình điện; chủ động tiến hành cắt điện cục bộ tại nơi xảy ra sự cố ngay khi phát hiện tình trạng mất an toàn trong vận hành lưới điện do bị ảnh hưởng của thiên tai; đồng thời, xử lý khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục và an toàn điện.

b) Chuẩn bị máy phát điện dự phòng để đảm bảo nguồn điện tại các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai.

5. Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước, Sở Giao thông vận tải, Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi và Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các quận - huyện trong công tác phòng, chống ngập úng nội thị và ngoại thành; chỉ đạo đơn vị trực tiếp quản lý các cống, đập ngăn triều, trạm bơm, máy bơm nước lưu động phối hợp với địa phương chuẩn bị lực lượng, nhiên liệu, kiểm tra hệ thống điện; thường xuyên kiểm tra các cửa xả, cống, đập ngăn triều đảm bảo vận hành hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ các dự án tiêu thoát nước, chống ngập úng theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố.

6. Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông phối hợp Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố tăng cường nhân lực để hướng dẫn, giải quyết, điều tiết và xử lý ách tắc giao thông trong thời gian xảy ra mưa lớn kết hợp triều cường, xả lũ gây ngập úng.

7. Sở Y tế Thành phố, Hội Chữ thập đỏ Thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện, thiết bị và nhân lực để đảm bảo công tác cứu thương, sơ cấp cứu kịp thời cho người bị nạn, phòng ngừa dịch bệnh và khắc phục hậu quả môi trường khi xảy ra sự cố thiên tai trên địa bàn Thành phố.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận – huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát lòng sông trên địa bàn Thành phố trái phép, không phép gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch, nhất là các điểm nóng trên tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai.

b) Triển khai thông báo, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân kiểm tra, bảo quản các hóa chất độc hại để bảo đảm an toàn, không để phát tán gây ô nhiễm môi trường khi có triều cường, mưa lớn gây ngập úng.

9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố):

a) Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá hoặc khi xuất bến hoạt động đánh bắt thủy - hải sản trên biển, đảm bảo trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh; nắm chắc số lượng, tọa độ của tàu thuyền và số lượng thuyền viên đang hoạt động trên biển (đặc biệt là tàu cá đánh bắt xa bờ) để kịp thời hướng dẫn di chuyển tránh trú an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới.

b) Hướng dẫn kỹ thuật neo đậu tàu, thuyền trong các khu tránh, trú bão cho ngư dân khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra. Tổ chức mô hình Tổ đoàn kết sản xuất trên biển, nhất là đối với lực lượng đánh bắt xa bờ để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, khi có tai nạn hoặc sự cố thiên tai trên biển.

c) Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân các biện pháp cơ bản để tự chủ động phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm trên biển.

d) Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thượng nguồn trong việc điều tiết tích nước, xả nước hợp lý để chủ động phòng, chống ngập lụt cho khu vực hạ du Thành phố, nhất là vào các đợt cao điểm triều cường, mưa, bão trên địa bàn Thành phố.

e) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 670/QĐ -UBND ngày 15 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc phê duyệt đề án Quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020

10. Các đơn vị lực lượng vũ trang: Bộ Tư lệnh Thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, Công an Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận – huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra, bảo quản phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn – cứu hộ; sẵn sàng nhân lực, vật lực tham gia ứng cứu kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.

Tăng cường công tác tập huấn, huấn luyện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc diễn tập thực hành phối hợp ứng cứu các sự cố do thiên tai, tai nạn gây ra sát hợp với điều kiện thực tế; huấn luyện sử dụng thành thạo các loại phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng kiêm nhiệm tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại các quận - huyện, phường - xã - thị trấn; thường xuyên củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đảm bảo tinh nhuệ và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngay khi có lệnh.

11. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân quận - huyện được phân công phụ trách để chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị ứng phó và khắc phục ảnh hưởng thiên tai tại địa phương trong thời gian nhanh nhất.

12. Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

a) Triển khai kế hoạch phối hợp, hiệp đồng, trưng dụng các phương tiện, trang thiết bị hiện có của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời huy động khi cần thiết. Chuẩn bị nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cần thiết nhằm đảm bảo công tác hậu cần khi xảy ra thiên tai.

b) Rà soát kiểm tra và đánh giá chất lượng các công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống lụt, bão trên địa bàn, chủ động sửa chữa, khắc phục các sự cố trước mùa mưa bão năm 2014.

c) Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao (theo Báo cáo số 742/BC-SGTVT ngày 09 tháng 9 năm 2013 của Sở Giao thông vận tải về kết quả rà soát, đánh giá và phân loại các vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố) để lập kế hoạch ứng phó, xử lý. Chỉ đạo các phường, xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc thông báo thường xuyên các vị trí bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở để nhân dân biết, tổ chức vận động di dời và hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn.

d) Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng, tránh cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn; thành lập lực lượng xung kích, ứng cứu các tình huống thiên tai tại cơ sở với nòng cốt là các lực lượng đoàn thể.

đ) Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị Thành phố liên quan khẩn trương triển khai việc sửa chữa gia cố công trình, nhà ở dân cư bị hư hỏng, thu dọn cây xanh bị ngã đổ và xử lý vệ sinh môi trường theo quy định. Trong trường hợp xảy ra sự cố ảnh hưởng đến an toàn về người, phương tiện thì phải tổ chức ngay công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ nhanh chóng, hiệu quả và giảm thiểu tối đa thiệt hại theo phương châm “04 tại chỗ”. Kịp thời tổ chức cứu trợ các cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại do mưa lớn gây ra. Thống kê, đánh giá thiệt hại theo đúng quy định và đề xuất các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống cho nhân dân.

e) Các quận - huyện (nơi có đê) khẩn trương kiện toàn tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân theo Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập và ban hành Quy chế (mẫu) tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân tại phường – xã – thị trấn (nơi có đê) trên địa bàn Thành phố để thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra an toàn các tuyến đê, kè, bờ bao ngăn triều kịp thời phát hiện và xử lý các vị trí xuống cấp, hư hỏng.

13. Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, Đài Truyền hình Thành phố và các cơ quan báo chí Thành phố kịp thời truyền phát các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai và các chỉ đạo ứng phó của Trung ương và Thành phố; tiếp tục thực hiện chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng, tránh, ứng phó.

14. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thống kê, báo cáo, thông tin kịp thời mọi tình huống bất lợi về Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố theo quy định tại Quyết định số 671/QĐ - UBND ngày 15 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy định công tác trực ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố (trường hợp khẩn cấp liên hệ số điện thoại: 38.297.598, fax: 38.232.742)./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương (b/c);
- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (b/c);
- TT/TU; TT/HĐND. TP;
- TT/UB: CT, các PCT;
- Trung tâm PCLB KV miền Nam;
- Các Thành viên BCH PCLB và TKCN TP
- Đài TH TP, Đài TNND TP, báo chí;
- VPUB: CPVP, các Phòng CV;
- Lưu: VT, (CNN/Tr) MH

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Liêm

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công văn 2868/UBND-CNN năm 2014 thực hiện biện pháp phòng, tránh ứng phó với mưa giông gây ngập úng, sạt lở, đổ ngã cây trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu: 2868/UBND-CNN
Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký: Lê Thanh Liêm
Ngày ban hành: 19/06/2014
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [9]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công văn 2868/UBND-CNN năm 2014 thực hiện biện pháp phòng, tránh ứng phó với mưa giông gây ngập úng, sạt lở, đổ ngã cây trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…