BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1456/BTP-PBGDPL |
Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2020 |
Kính gửi: |
- Tổ chức pháp
chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đoàn thể trung ương; |
Ngày 08/4/2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 2740/VPCP-PL về việc xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể đối với một số bộ, trong đó: “Bộ Tư pháp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 và các hành vi khác có liên quan; đồng thời chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn việc áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về một số tội phạm có liên quan, tạo cơ sở cho việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đề nghị Tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đoàn thể trung ương, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt, trong đó chú trọng việc phổ biến pháp luật, vận động cán bộ, nhân dân tự giác tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn tại Công văn số 362/BTP-PBGDPL ngày 07/02/2020 của Bộ Tư pháp về tăng cường tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
2. Hướng dẫn nội dung PBGDPL phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tập trung về quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Dược năm 2016, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; pháp luật xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và chính sách, pháp luật mới của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (thuế, tài chính, cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp...), trong đó chú trọng phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật về cách ly y tế, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh, tình hình thi hành pháp luật và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống COVID-19 nói chung và một số hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh này nói riêng1.
Hình thức thông tin, PBGDPL nói chung, PBGDPL về phòng, chống COVID-19 nói riêng cần linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, điều kiện thực tiễn, bảo đảm thiết thực; truyền tải đầy đủ, kịp thời thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân; tăng cường phối hợp, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng lưới loa truyền thanh cơ sở. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ số trong PBGDPL (PBGDPL trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; tọa đàm, đối thoại pháp luật trực tuyến; thông tin, PBGDPL qua mạng xã hội, mạng viễn thông...) để cán bộ, nhân dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, thực hiện; cung cấp tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật với hình thức phù hợp.
3. Rà soát, điều chỉnh nhiệm vụ trong Kế hoạch công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020 phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tiễn; kịp thời tham mưu bố trí đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí) thực hiện PBGDPL về phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, cần dự báo những vấn đề nóng có thể phát sinh sau khi đại dịch này kết thúc để chủ động tham mưu kịp thời cho các cấp có thẩm quyền thực hiện tốt việc PBGDPL và theo dõi kiểm soát tình hình tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn quản lý.
4. Hiện tại, Bộ Tư pháp đã và đang đẩy mạnh thông tin pháp luật, biên soạn tài liệu phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, pháp luật liên quan và đăng tải trên Trang Thông tin điện tử PBGPDL (https://pbgdpl.moj.gov.vn/Pages/Trang-chu.aspx) và fanpage Phổ biến, giáo dục pháp luật (https://www.facebook.com/Phổ-biến-Giáo-dục-Pháp-luật-101326847932580). Hình thức tài liệu đăng tải gồm: tờ gấp pháp luật, hỏi-đáp pháp luật, infographic; các thông tin về thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về phòng, chống COVID-19. Trên cơ sở tài liệu PBGDPL của Bộ Tư pháp, đề nghị Tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đoàn thể trung ương, Sở Tư pháp các địa phương nghiên cứu, sử dụng để tổ chức PBGDPL về phòng, chống dịch bệnh phù hợp với đối tượng, địa bàn và đặc thù địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trên đây là hướng dẫn về việc tiếp tục tăng cường công tác PBGDPL về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Tư pháp đề nghị Tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đoàn thể trung ương, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kịp thời triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - điện thoại: 024.62739468) để phối hợp tháo gỡ kịp thời./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |
1 Hành vi trốn khỏi nơi cách ly; đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; trốn khai báo y tế, khai báo y tế không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truvền dịch bệnh COVID-19 cho người khác; hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trong tình hình dịch bệnh COVID-19 để mua vét, mua gom hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính; hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19...
Công văn 1456/BTP-PBGDPL năm 2020 về tiếp tục tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Tư pháp ban hành
Số hiệu: | 1456/BTP-PBGDPL |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Tư pháp |
Người ký: | Lê Vệ Quốc |
Ngày ban hành: | 22/04/2020 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 1456/BTP-PBGDPL năm 2020 về tiếp tục tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Tư pháp ban hành
Chưa có Video