BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 135/BYT-VPB1 |
Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2025 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng
Bộ Y tế nhận được Công văn số 942/BDN ngày 06/11/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri Thành phố Đà Nẵng.
Bộ Y tế xin trả lời đối với kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1.1 Về việc nghiên cứu, trình xem xét việc sửa đổi Luật Dược để khắc phục những tồn tại hiện nay; nhất là khắc phục tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng:
Ngày 21/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật số 44/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong công tác kiểm soát chất lượng thuốc, đảm bảo tính kịp thời và triệt để trong việc xử lý thuốc không đảm bảo chất lượng trên địa bàn.
Như vậy, (1) hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về kiểm soát chất lượng thuốc từ khâu sản xuất, bảo quản, kinh doanh cho đến tay người sử dụng đã được ban hành, bao gồm 01 Luật, 05 Nghị định, 09 Thông tư[1]; (2) việc ngăn chặn, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả được quy định tại 03 Luật, 04 Nghị định [2]. Trong đó, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 12/2017/QH14) đã quy định tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh bị phạt tù từ 2 năm trở lên, tùy theo mức độ vi phạm và mức độ ảnh hưởng có thể có thể bị tù chung thân hoặc tử hình (Điều 194).
Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên, đã bảo đảm tính đồng bộ, răn đe đối với các hành vi sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Nhờ việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm cũng như áp dụng những biện pháp quyết liệt và có hiệu quả, gần đây, tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở Việt Nam đã giảm dưới 1,5%, tỷ lệ thuốc giả dưới 0,1% trên số mẫu được lấy để kiểm tra chất lượng, cụ thể:
Năm |
2018 |
2019 |
2020 |
2021 |
2022 |
2023 |
Số mẫu được lấy |
38.182 |
38.328 |
38.656 |
34323 |
34532 |
37303 |
Tỷ lệ mẫu thuốc không đạt chất lượng |
1,32% |
1,34% |
0,8% |
0,83% |
0,56% |
0,7% |
Tỷ lệ thuốc giả |
0,04% |
0,06% |
0,03% |
0,06% |
0,05% |
0,04% |
Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường công tác phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng, kịp thời báo cáo Chính phủ, Quốc hội để sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
1.2 Về việc tăng cường công tác giám sát trong việc đấu thầu thuốc, nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với giá cả hợp lý cho người dân.
Sau khi Luật Đấu thầu 2023 (có hiệu lực ngày 01/01/2023) và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (có hiệu lực ngày 27/02/2024) được ban hành, Bộ Y tế đã ban hành 04 Thông tư[3] hướng dẫn việc đấu thầu thuốc mua thuốc tại các cơ sở y tế. Qua theo dõi và rà soát, hiện các cơ sở y tế đang áp dụng các văn bản nêu trên để triển khai đấu thầu mua thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, về cơ bản các khó khăn của các cơ sở y tế về đấu thầu đã được tháo gỡ.
Công tác giám sát trong việc đấu thầu thuốc nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với giá cả hợp lý cho người dân, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế đã triển khai nhiều buổi tập huấn, hội thảo để phổ biến các quy định về đấu thầu thuốc cho các cơ sở y tế trên cả nước. Thông qua các buổi tập huấn và hội thảo, các quy định mới về đấu thầu mua thuốc đã được phổ biến đến các đối tượng triển khai thực hiện; các vướng mắc, khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở đã được trao đổi, tháo gỡ.
Với việc triển khai nhiều biện pháp nêu trên, về cơ bản đã hỗ trợ các cơ sở y tế trong việc đấu thầu thuốc theo đúng quy định, từ đó các cơ sở y tế mua được thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả hợp lý.
Thuốc và thiết bị y tế là những cấu phần quan trọng trong công tác khám chữa bệnh cũng như thanh toán bảo hiểm y tế. Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Tuy nhiên, tại một số địa phương, vẫn xảy ra tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng đủ hoặc không kịp thời thuốc và vật tư y tế cho người bệnh. Điều này dẫn đến tình trạng người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo quy định tại khoản 25, Điều 1, Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung Điều 31 của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế và quy định cơ chế để Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán cho trường hợp này. Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế trong trường hợp người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BYT ngày 18/10/2024 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh, gồm có:
(1) Thuốc thuộc Danh mục thuốc hiếm ban hành kèm theo Thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về Danh mục thuốc hiếm.
(2) Thiết bị y tế loại C hoặc D, trừ thiết bị y tế chẩn đoán in vitro, thiết bị y tế đặc thù cá nhân, thiết bị y tế thuộc danh mục thiết bị y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được mua, bán như các hàng hóa thông thường theo quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.
Tuy nhiên, để đảm bảo trách nhiệm của thủ trưởng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc cung ứng đủ thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh, Thông tư số 22/2024/TT-BYT quy định các điều kiện thanh toán chặt chẽ, chỉ thực hiện thanh toán trực tiếp cho người bệnh trong một số trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc do các nguyên nhân bất khả kháng.
Ngày 01/01/2025, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm y tế, trong đó có (1) danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện, người bệnh vẫn được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm y tế; (2) quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, quy định chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.
Ngày 16/11/2024, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 37/2024/TT-BYT quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Căn cứ vào quy định tại Thông tư số 37/2024/TT-BYT, Bộ Y tế đang khẩn trương thực hiện rà soát, sửa đổi, cập nhật Thông tư ban hành danh mục thuốc để bổ sung vào danh mục các thuốc mới, có hiệu quả điều trị cao và đưa ra khỏi danh mục các thuốc không còn phù hợp. Tuy nhiên, việc bổ sung danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế vào phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế cần được xem xét cẩn thận để đảm bảo khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.
Ngày 22/11/2024, Bộ Y tế đã có Công văn số 1888/KCB-QLCL&CĐT gửi Bệnh viện C Đà Nẵng đề nghị báo cáo nội dung liên quan đến phản ánh của cử tri về việc thủ tục khám và điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng rất rườm rà, kéo dài, gây phiền hà cho người bệnh và thân nhân.
Theo báo cáo giải trình của Bệnh viện C Đà Nẵng, ngày 14/10/2024, ngay sau khi tiếp nhận ý kiến của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc phản ảnh của cử tri về thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện còn phức tạp và nhiều thủ tục, bệnh viện đã tổ chức họp rút kinh nghiệm. Đồng thời, bệnh viện đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình khám chữa bệnh để giảm thiểu thủ tục hành chính, hướng đến nâng cao sự hài lòng cho người bệnh.
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Đà Nẵng liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
|
BỘ TRƯỞNG |
[1] - Luật số 44/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
- Luật dược số 105/2016/QH13;
- Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược và các Nghị định sửa đổi (Nghị định số 155/2018/NĐ-CP; Nghị định số 88/2023/NĐ-CP)
- Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ
- Các Thông tư triển khai Thực hành tốt: (Thông tư số 02/2018/TT-BYT, Thông tư số 03/2018/TT-BYT, Thông tư số 04/2018/TT-BYT, Thông tư số 35/2018/TT-BYT, Thông tư số 36/2018/TT-BYT và các Thông tư sửa đổi)
- Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 04/5/2018 của Bộ Trưởng Bộ Y tế quy định quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 03/2020/TT-BYT ngày 22/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
[2] - Luật Dược số 105/2016/QH13;
- Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH-13 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 12/2017/QH14);
- Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân số 21-LCT/HĐNN8;
- Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP.
[3] - Thông tư số 03/2024/TT-BYT ngày 16/4/2024 ban hành danh mục thuốc có ít nhất 03 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp;
- Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định Danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc;
- Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định Danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá;
- Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Công văn 135/BYT-VPB1 năm 2025 trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Đà Nẵng trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu: | 135/BYT-VPB1 |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Y tế |
Người ký: | Đào Hồng Lan |
Ngày ban hành: | 07/01/2025 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 135/BYT-VPB1 năm 2025 trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Đà Nẵng trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
Chưa có Video