BỘ THÔNG TIN VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 128/BTTTT-VP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021, nội dung kiến nghị như sau:
Câu hỏi 1: Hiện nay, thông qua các mạng xã hội facebook, youtube,... các thế lực thù địch đăng tải những nội dung, thông tin bịa đặt, thâm độc, lập ra các trang Web, trang Facebook, fanpage Facebook mạo danh các cơ quan nhà nước, các cá nhân lãnh đạo Đảng và Nhà nước để tung tin những nội dung không đúng sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, niềm tin, gây nghi ngờ, hoang mang trong đảng viên và quần chúng nhân dân, phá hoại nghiêm trọng nền tảng, tư tưởng của Đảng. Nguy hiểm hơn, trên mạng xã hội người dùng có thể tiếp cận với hàng ngàn video có nội dung xuyên tạc liên quan đến nội bộ của Đảng. Chúng cắt, ghép logo, đài hiệu, nhạc hiệu và thể hiện như một bản tin thời sự của các đài truyền hình Trung ương, địa phương, để bịa đặt, thông tin sai sự thật. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục chủ động định hướng công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời cho các tầng lớp nhân dân, kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm nhằm góp phần ổn định tình hình dư luận xã hội.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:
Trong thời gian qua, các thế lực thù địch đăng tải những nội dung, thông tin bịa đặt, thâm độc, lập ra các trang Web, trang Facebook, fanpage Facebook mạo danh các cơ quan nhà nước, các cá nhân lãnh đạo Đảng và Nhà nước để tung tin những nội dung không đúng sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, mất niềm tin, gây nghi ngờ, hoang mang trong đảng viên và quần chúng nhân dân, phá hoại nghiêm trọng nền tảng, tư tưởng của Đảng. Các đối tượng chống phá không ngừng tạo dựng, phát tán tài liệu, đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động, gây hoang mang dư luận trên không gian mạng. Để có thể thu thập được thông tin, phân tích, xử lý các thông tin này, Bộ TT&TT đã giao các đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường theo dõi giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm các thông tin trên mạng, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, đồng thời tiến hành chủ động xử lý, ngăn chặn gỡ bỏ và đấu tranh yêu cầu gỡ bỏ đối với các nền tảng xuyên biên giới.
Về việc đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động, gây hoang mang dư luận, từ tháng 01/2021 đến hết năm 2021, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ trên 1.880 trang thông tin với hơn 28.100 bài viết vi phạm theo đề nghị, yêu cầu của các cơ quan, đơn vị chức năng có thẩm quyền. Các đơn vị chức năng của Bộ cũng đã chủ động tổng hợp những luồng thông tin vi phạm trên các nền tảng mạng xã hội để đấu tranh với các nền tảng cung cấp thông tin xuyên biên giới để yêu cầu gỡ bỏ.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu tình trạng phát tán các thông tin xấu, độc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục trên mạng xã hội, gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là giới trẻ, Bộ TT&TT tăng cường theo dõi giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm các thông tin trên mạng. Đồng thời điều phối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet (ISP) tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý. Kết quả cụ thể: Số lượng các trang web/blog vi phạm trong danh sách xử lý thường xuyên của các nhà mạng là khoảng gần 3.000 trang web. Trong năm 2021, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn khoảng 2.000 trang web, hình ảnh, bài viết có chứa các thông tin xấu, độc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục trên mạng xã hội, gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Ngoài ra, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội:
+ Trong trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng cung cấp thông tin vi phạm các quy định hiện hành thì tùy theo mức độ, Bộ TT&TT sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời thông qua việc xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp kỹ thuật, áp dụng theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với các Sở TT&TT đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang trong dư luận cũng như các vi phạm khác. Từ tháng 01/2021 đến nay, các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT và Sở TT&TT các tỉnh, thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính 210 đối tượng với tổng số tiền 1.862.000.000 đồng, hàng trăm trường hợp vi phạm đã bị cảnh cáo, nhắc nhở.
+ Trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ TT&TT gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook,... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT.
Tổng số kết quả chặn, gỡ từ ngày 01/01/2021 đến hết tháng 12/2021:
- Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 3.377 bài viết.
- Google đã gỡ bỏ 13.141 videos trên Youtube.
- Tiktok đã chặn, gỡ: 1.180 videos.
- Bộ TT&TT đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google, Apple) tuân thủ pháp luật Việt Nam, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội; thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin độc hại đối với trẻ em.
- Sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm. Các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ về kỹ thuật nhằm xử lý các nguồn phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức và hành vi ứng xử trên mạng xã hội của người dân, giúp người sử dụng có thể nhận biết và cảnh giác hơn với các thông tin giả mạo, sai sự thật.
- Bộ TT&TT đã xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP nhằm bổ sung thêm các quy định để quản lý chặt chẽ hơn các nền tảng xuyên biên giới. Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Câu hỏi 2: Thời gian gần đây, thông qua mạng xã hội, tình trạng livestream để giới thiệu, quảng cáo, bán hàng, bán thuốc kém chất lượng xảy ra thường xuyên. Cử tri kiến nghị chấn chỉnh, kiểm soát các nội dung quảng cáo trên các trang mạng, vì một số nội dung quảng cáo chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt, gây ảnh hưởng không tốt với người xem, đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:
Bộ TT&TT đã nắm bắt được thực trạng quảng cáo tràn lan trên các trang tin điện tử, mạng xã hội như cử tri phản ánh.
Nguyên nhân của tình trạng này là do hầu hết các tổ chức, cá nhân trong nước sử dụng dịch vụ mạng lưới quảng cáo (Ad Network) do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.
Trước thực trạng trên, Bộ TT&TT đã thực hiện các biện pháp:
- Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo Trong đó đã bổ sung các quy định về quảng cáo xuyên biên giới như:
+ Bộ TT&TT là đầu mối quản lý các hoạt động quảng cáo trực tuyến trong đó có quảng cáo xuyên biên giới;
+ Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải tuân thủ quy định về quảng cáo như doanh nghiệp trong nước; phải gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ theo yêu cầu;
+ Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong và ngoài nước phải cung cấp giải pháp kỹ thuật kiểm tra, loại bỏ quảng cáo vi phạm;
+ Bổ sung chế tài xử lý trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ luật pháp Việt Nam về quảng cáo.
- Yêu cầu các trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, báo điện tử phải tăng cường rà soát, kiểm tra thường xuyên các hoạt động hợp tác quảng cáo trên trang web, báo điện tử, tránh tình trạng không kiểm soát được nội dung quảng cáo được đặt trên trang của mình.
- Rà soát, ngăn chặn hoạt động của 02 doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật nhưng không hợp tác khắc phục vi phạm là Công ty Your Adchoices và Công ty Adbro. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu giải pháp ngăn chặn triệt để hoạt động quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam; Chuẩn bị phương án kỹ thuật chặn tên miền đối với các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới có sai phạm mà không hợp tác hoặc không có đầu mối liên hệ.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng như Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế, Hội Bảo vệ động vật hoang dã... rà soát, tổng hợp các trường hợp quảng cáo vi phạm.
- Yêu cầu Facebook và Google ngăn chặn các quảng cáo vi phạm trên 2 mạng xã hội Facebook và Youtube. Trong các cuộc họp giữa 2 bên, Bộ TT&TT thường xuyên cảnh báo Facebook, Google về tình trạng vi phạm và yêu cầu 2 đơn vị này thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo.
* Kết quả ngăn chặn quảng cáo vi phạm từ năm 2018 đến nay:
+ Facebook đã gỡ bỏ 490 fanpages liên quan đến quảng cáo trò chơi điện tử (game) cờ bạc trên mạng, game đổi thưởng trên Facebook; 80 tài khoản, fanpages liên quan đến quảng cáo buôn bán vũ khí, vật nổ, chất liệu gây nổ; 2.461 link quảng cáo có hoạt động buôn bán các dịch vụ bất hợp pháp như hàng giả, hàng nhái, buôn bán động vật hoang dã, vũ khí, tiền giả...
+ Google đã ngăn chặn 639 videos quảng cáo mua bán, săn bắn động vật hoang dã, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ.
2. Các giải pháp dự kiến triển khai trong thời gian tới.
- Tiếp tục đấu tranh, yêu cầu Facebook, Google ngăn chặn các quảng cáo vi phạm.
- Đề nghị các trang mạng xã hội phải tuân thủ luật pháp, kiểm duyệt nội dung quảng cáo. Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì gỡ bỏ và không quảng cáo trên các kênh xấu độc; Đề nghị các Báo điện tử, Tạp chí, Trang thông tin điện tử tổng hợp ngừng hợp tác bán vị trí, chỉ cho phép khi kiểm duyệt được nội dung.
- Phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cảnh giác khi tiếp cận với các thông tin quảng cáo về các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, cơ sở khám chữa bệnh.
- Thực hiện kiểm tra liên ngành xử lý các sai phạm về quảng cáo.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TT&TT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Long An, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An để trả lời cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Công văn 128/BTTTT-VP năm 2022 về định hướng công tác thông tin, tuyên truyền, xử lý nghiêm những đối tượng thù địch đăng tải thông tin gây mất đoàn kết nội bộ do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
Số hiệu: | 128/BTTTT-VP |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Thông tin và Truyền thông |
Người ký: | Nguyễn Mạnh Hùng |
Ngày ban hành: | 13/01/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 128/BTTTT-VP năm 2022 về định hướng công tác thông tin, tuyên truyền, xử lý nghiêm những đối tượng thù địch đăng tải thông tin gây mất đoàn kết nội bộ do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
Chưa có Video