ỦY BAN DÂN TỘC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 1211/UBDT-PC |
Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2015 |
Kính gửi: Bộ Công an
Phúc đáp Công văn số 2217/BCA-V19 ngày 06/10/2015 của Bộ Công an về việc đề nghị tham gia ý kiến dự thảo Luật biểu tình. Sau khi nghiên cứu, Ủy ban Dân tộc nhất trí với dự thảo Tờ trình và có một số ý kiến góp ý dự thảo Luật biểu tình như sau:
1. Về Điều 2 (Đối tượng áp dụng)
Để cho đầy đủ và thống nhất với Điều 33 của dự thảo Luật biểu tình (sau đây gọi là dự Luật) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài vào đối tượng áp dụng tại Điều 2 của dự Luật.
2. Về Điều 3 (Giải thích từ ngữ)
Để cho đầy đủ và chính xác hơn về khái niệm “biểu tình” đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thêm đặc điểm “tự nguyện” của công dân vào khái niệm này, cụ thể như sau:
“1. Biểu tình là việc công dân tự nguyện, công khai bày tỏ nguyện vọng, yêu cầu hoặc phát biểu ý kiến...”
3. Về Điều 7 (Các hành vi bị nghiêm cấm)
- Để cho dễ hiểu và áp dụng trong thực tiễn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định cụ thể khái niệm “đồ vật phát ra âm thanh hoặc gây tiếng động lớn” không được mang theo, sử dụng khi tiến hành biểu tình tại khoản 5, Điều 7 dự Luật.
- Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo ghép khoản 11, Điều 7 vào khoản 4, Điều 7 dự Luật cho ngắn gọn hơn.
- Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung “hành vi đe dọa, chia rẽ, gây cản trở hoặc ngăn cản cuộc biểu tình hợp pháp” vào các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7 dự Luật cho đầy đủ.
4. Về Điều 12 (Trình tự, thủ tục đăng ký biểu tình)
Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định cụ thể Ủy ban nhân dân nơi bắt đầu hay kết thúc biểu tình (trong trường hợp biểu tình diễn ra hoặc đi qua nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố của một tỉnh hoặc nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) có thẩm quyền nhận đơn đăng ký biểu tình tại khoản 3, Điều 12 của dự Luật.
5. Về Điều 13 (Thẩm quyền, thời hạn xem xét, quyết định cho đăng ký biểu tình)
- Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu và quy định cụ thể trường hợp trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đăng ký biểu tình mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Nội vụ không có văn bản trả lời cho hoặc không cho đăng ký biểu tình thì việc biểu tình có được tiến hành hay không? Vì quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 13 của dự Luật chưa quy định nội dung này mà thực tế trường hợp này có thể xảy ra.
- Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định cụ thể hình thức “thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp huyện” trong trường hợp do yêu cầu thực tế đột xuất cần tổ chức gấp hoạt động biểu tình quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 13 của dự Luật để dễ triển khai trên thực tế.
6. Về Điều 14 (Người không được biểu tình)
- Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa lại khoản 9, Điều 14 dự Luật theo hướng chỉ cấm những người đã bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 lần trở lên đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn công cộng thì không được biểu tình.
- Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung “Trẻ em” vào một trong những người không được biểu tình tại Điều 4 của dự Luật. Vì trẻ em chưa đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để thể hiện ý kiến, nguyện vọng, yêu cầu của mình và việc cho phép trẻ em tham gia biểu tình có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của “Trẻ em”.
Trên đây là ý kiến tham gia góp ý đối với dự thảo Tờ trình và dự thảo Luật biểu tình, Ủy ban Dân tộc xin gửi Quí Bộ để tổng hợp./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Công văn 1211/UBDT-PC năm 2015 về tham gia ý kiến dự thảo Luật biểu tình do Ủy ban Dân tộc ban hành
Số hiệu: | 1211/UBDT-PC |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Uỷ ban Dân tộc |
Người ký: | Đỗ Văn Chiến |
Ngày ban hành: | 30/10/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 1211/UBDT-PC năm 2015 về tham gia ý kiến dự thảo Luật biểu tình do Ủy ban Dân tộc ban hành
Chưa có Video