ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3079/UB-VX |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 7 năm 1994 |
Kính gởi : |
- Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành TP và các tổ chức trực
thuộc UBND TP |
Đồng kính gởi : |
- Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng TP. |
Phong trào vận động xây dựng “nhà tình nghĩa” khởi đầu ở thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm 1992, ngày càng mở rộng, đến nay đã thực hiện được trên 6.000 căn.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 5, và Nghị quyết Hội nghị Đại biểu Đảng bộ thành phố giữa nhiệm kỳ khóa V “tiếp tục và dứt điểm cuộc vận động xây dựng nhà tình nghĩa”, Ủy ban nhân dân thành phố đã ra chỉ thị 54/CT-UB ngày 06/11/1993 để triển khai Nghị quyết của Đảng bộ thành phố về vận động xây dựng nhà tình nghĩa, công trình 2.600 căn nhà tình nghĩa thực hiện trong năm 1994 và quý I/1995 là 1 trong 10 công trình cấp thành phố chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng thành phố (30/4/1975 - 30/4/1995).
Đến 31/5/1994 xây mới 1.183/2.600 căn (trong đó quỹ Ngân sách = 751 căn; vận động = 432 căn).
Việc xây và cấp nhà tình nghĩa ngoài ý nghĩa giải quyết khó khăn về nhà ở cho các thương binh, gia đình liệt sĩ… còn bao hàm ý nghĩa chính trị đền ơn đáp nghĩa đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Do đó dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải phấn đấu tiếp tục cuộc vận động hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 2.600 căn nhà tình nghĩa trước 30/4/1995. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội… thực hiện một số công việc sau đây :
1/ Ban chỉ đạo xây dựng nhà tình nghĩa thành phố (Ban Chỉ đạo xây dựng nhà tình nghĩa) có trách nhiệm giúp Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện xây dựng 2.600 căn từ quỹ vận động và quỹ Ngân sách hỗ trợ. Làm báo cáo định kỳ tháng cho Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
2/ Đối tượng thuộc diện được cấp nhà tình nghĩa là gia đình liệt sĩ (cha hoặc mẹ; vợ hoặc chồng là liệt sĩ), là thương binh loại 1/4 hoặc loại 2/4; là bệnh binh nặng loại 1/4 chưa có nhà ở. Nếu những đối tượng trên có nhà ở nhưng bị hư hỏng thì đầu tư sửa chữa và nâng cấp, không nhất thiết phải cấp nhà mới.
3/ Cách xác định đối tượng để lên danh sách cấp nhà :
Ủy ban nhân dân phường, xã (bộ phận thương binh xã hội) phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Cựu Chiến binh phường xã xác định đối tượng và lên danh sách, gởi danh sách về Ủy ban nhân dân Quận, Huyện (Phòng Lao động-TBXH).
Ủy ban nhân dân Quận, Huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Cựu Chiến binh Quận, Huyện kiểm tra chính xác danh sách, duyệt và gởi lên Sở Lao động-Thương binh xã hội thành phố.
Sở Lao động-Thương binh xã hội thành phố tổng hợp danh sách, thông báo cho Ban chỉ đạo xây dựng nhà tình nghĩa để duyệt chính thức. Duyệt đến đâu thì chuyển tiền cho quận, huyện xây dựng đến đó.
4/ Để khắc phục sự trùng lắp trong quá trình vận động ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, Thường trực Ủy ban nhất trí với Ban chỉ đạo xây dựng nhà tình nghĩa phân thành 5 khối vận động như sau :
a) Liên đoàn lao động thành phố vận động khối cơ quan đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố.
b) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố chủ trì phối hợp với Sở Thương mại, Sở Ngoại vụ, Ủy ban Hợp tác đầu tư thành phố vận động khối Văn phòng đại diện cơ quan nước ngoài và các đơn vị liên doanh đầu tư với nước ngoài.
c) Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh xã hội vận động khối cơ quan đơn vị thành phố.
d) Sở Tài chánh hướng dẫn Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà tình nghĩa quận, huyện vận động Khối quận, huyện.
e) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố chủ trì phối hợp với Hiệp Hội Công thương gia thành phố vận động khối sản xuất kinh doanh ngoài quốc doanh.
5/ Hình thức vận động đóng góp :
- Đối với cán bộ công nhân viên : ủng hộ một số ngày lương.
- Các đơn vị sản xuất kinh doanh (kể cả của Trung ương, thành phố, quận và huyện) ngoài sự đóng góp ngày lương của cá nhân công nhân viên chức, trích một tỷ lệ trong quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng.
- Nhân dân trên địa bàn dân cư đóng góp theo tổ dân phố trên tinh thần tự nguyện, không phân bổ bình quân.
- Cấp ủy, Mặt trận đoàn thể, chính quyền địa phương nên vận động lực lượng thanh niên địa phương lao động giúp công đoạn san và đắp nền nhà.
6/ Các đơn vị ủng hộ :
+ Báo số lượng đăng ký về nhà và sổ vàng tiết kiệm về bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà tình nghĩa số 55 Mạc Đĩnh Chi quận 1.
+ Tiền mặt hoặc chuyển khoản gởi về Quỹ Bảo trợ chánh sách (Sở Tài chánh) số 140A Nguyễn Thị Minh Khai quận 1. Số tài khoản : 710A,00874 Ngân hàng Công thương thành phố.
7/ Cách xây dựng :
- Xây dựng trên nền nhà cũ là chính. Nền đất mới chủ yếu ở ngoại thành và vùng ven có đất như Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh…
- Sở Nhà đất rà soát, kiểm tra lại Quỹ nhà của thành phố để sửa chữa, nâng cấp giải quyết cho đối tượng được hưởng nhà tình nghĩa thuê ở như công nhân viên chức hiện nay.
Ngoài ra Sở cũng cần nghiên cứu trên cơ sở đã có quy hoạch, xây dựng khu chung cư cao tầng để giải quyết cho các đối tượng được hưởng nhà tình nghĩa ở một số quận nội thành.
- Các quận, huyện tổ chức xây dựng nhà tình nghĩa trên địa bàn quận huyện mình theo danh sách Sở Lao động-Thương binh xã hội phân bổ về kèm theo phiếu chuyển tiền.
- Các sở ban ngành, các quận với số tiền cơ quan đơn vị mình quyên góp, được tổ chức xây dựng nhà tình nghĩa theo danh sách Thường trực Ban Chỉ đạo Xây dựng nhà tình nghĩa giới thiệu.
8/ Thường trực UBND thành phố nhất trí nâng giá thành xây dựng từ 12 triệu đồng/căn lên 15 triệu đồng/căn và một sổ tiết kiệm từ 01 đến 02 triệu đồng.
9/ Để động viên và khuyến khích phong trào, Thường trực Ủy ban giao Sở Văn hóa thông tin, Đài truyền hình thành phố, Đài phát thanh, các báo phối hợp với Ban Chỉ đạo Xây dựng nhà tình nghĩa thường xuyên nắm tình hình và kết quả cuộc vận động để kịp thời đưa tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
10/ Sở Tài chánh phối hợp với Sở Lao động-Thương binh xã hội rà soát, kiểm tra giúp quận huyện trong việc cấp tài chánh từ quỹ ngân sách cho kịp thời để triển khai xây dựng nhà tình nghĩa ; đồng thời nắm chắc kết quả vận động của các quận huyện để Ban Chỉ đạo có kế hoạch điều phối cho phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà tình nghĩa toàn thành phố.
Vì thời gian rất khẩn trương, sau khi nhận được công văn này, yêu cầu các Ban, Ngành, đoàn thể … có liên quan có kế hoạch tổ chức triển khai kịp thời.-
Nơi nhận : |
T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Công văn số 3079/UB-VX về việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 54/CT-UB ngày 06/11/1993 của UBND thành phố về xây dựng nhà tình nghĩa do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 3079/UB-VX |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký: | Trương Tấn Sang |
Ngày ban hành: | 07/07/1994 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn số 3079/UB-VX về việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 54/CT-UB ngày 06/11/1993 của UBND thành phố về xây dựng nhà tình nghĩa do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Chưa có Video