Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

Thuật ngữ

Định nghĩa

KHÁI NIỆM CHUNG

1. Sản phẩm cáp

Sản phẩm kỹ thuật điện dùng để truyền điện năng, tín hiệu thông tin bằng dây qua khoảng cách nào đó hoặc là để chế tạo các cuộn dây của máy điện, khí cụ và dụng cụ điện.

2. Cáp

Sản phẩm cáp có một hay nhiều ruột (dây dẫn) được cách điện, đặt trong vỏ bằng kim loại hoặc bằng vật liệu khác, tùy theo điều kiện lắp đặt và điều kiện vận hành mà bên ngoài vỏ cáp còn có thể có lớp bọc bảo vệ tương ứng, kể cả đai kim loại.

3. Dây dẫn

Sản phẩm cáp có một ruột không cách điện hoặc là một hay nhiều ruột được cách điện với nhau. Tùy theo điều kiện lắp đặt và khai thác mà bên ngoài có thể có vỏ bọc hoặc vỏ bện không phải bằng kim loại. Dây dẫn còn có thể là sản phẩm cáp có một sợi được cách điện hoặc một số sợi được cách điện với nhau, cùng có vỏ bọc và (hoặc) vỏ bện chúng bằng vật liệu cách điện.

4. Dây dẫn mềm

Dây dẫn có nhiều sợi mềm được cách điện với nhau, mỗi sợi có mặt cắt không quá 1,5mm2.

CÁC PHẦN TỬ CỦA SẢN PHẨM CÁP

5. Ruột dẫn điện

Phần tử của cáp, dây dẫn hay dây dẫn mềm dùng để dẫn dòng điện khi tải điện năng lượng hoặc dẫn tín hiệu thông tin.

6. Dây dẫn trong (ngoài)

Phần tử dẫn điện bên trong (ngoài) của cáp đồng trục (dây đôi).

7. Chỉ kết kim tuyến

Chỉ cách điện có dây dẫn bẹp quấn quanh.

8. Dảnh dây

Một trong các phần tử giống nhau của ruột, do các sợi xoắn với nhau.

9. Nhóm dây

Một trong các phần tử xoắn với nhau của cáp hoặc dây dẫn do các ruột được cách điện xoắn với nhau.

10. Nhóm dây (đôi dây, đôi dây kép) tăng cường

Nhóm dây (đôi dây, đôi dây kép) được bọc chung bằng băng cách điện.

11. Nhóm dây (đôi dây, đôi dây kép) có màng che.

Nhóm dây (đôi dây, đôi dây kép) có cùng màng che.

12. Đôi dây

Nhóm dây (phần của nhóm dây) dây có hai ruột được cách điện với nhau để dùng trong cùng một mạch điện.

13. Đôi dây đối xứng

Đôi dây, trong có các ruột được cách điện có cùng kết cấu giống nhau bố trí đối xứng với trục dọc của chúng.

14. Đôi dây đồng trục

Đôi dây có các dây dẫn được bố trí đồng trục.

15. Đôi dây kép

Nhóm gồm có hai đôi dây xoắn đối xứng và có bước xoắn khác nhau.

16. Đôi dây kép chữ thập

Nhóm dây gồm có bốn ruột được cách điện xoắn với nhau trong đó hai ruột làm thành một đôi được bố trí đối diện nhau.

17. Chùm dây

Phần tử cáp thông tin gồm các đôi dây hay đôi dây kép xoắn cùng phía và cùng bước.

18. Lớp xoắn

Lớp dây, dảnh dây, được cách điện hoặc nhóm dây quấn xung quanh phần bên trong (so với lớp đó) của ruột cáp hay dây dẫn.

19. Ruột được cách điện

 

20. Ruột (đôi dây, đôi dây kép, nhóm dây)

Ruột (đôi dây, đôi dây kép, nhóm dây) làm nhiệm vụ chính của cáp, dây dẫn hoặc dây dẫn mềm.

21. Ruột trung tính

Ruột chính để cho dòng điện tổng chạy qua trong hệ thống ba pha - khi tải các pha không đều nhau, trong mạch một chiều - khi các cực có tải không bằng nhau.

22. Ruột (đôi dây, đôi dây kép, nhóm dây) phụ trợ

Ruột (đôi dây, đôi dây kép, nhóm dây) làm nhiệm vụ khác với nhiệm vụ của ruột (đôi dây, đôi dây kép, nhóm dây) chính của cáp.

23. Ruột nối đất

Ruột để nối đất các thiết bị điện đấu với cáp hoặc dây dẫn đang xét.

24. Ruột (đôi dây, đôi dây kép, nhóm dây) đánh dấu

Ruột (đôi dây, đôi dây kép, nhóm dây) có cách điện khác màu phân biệt với các ruột (đôi dây, đôi dây kép, nhóm dây) khác của lớp xoắn dùng làm mốc khi xác định ruột (đôi dây, đôi dây kép, nhóm dây) cần tìm.

25. Ruột (đôi dây, đôi dây kép, nhóm dây) định hướng

Ruột (đôi dây, đôi dây kép, nhóm dây) có cách điện khác màu với các ruột (đôi dây, đôi dây kép, nhóm dây) khác của lớp xoắn, dùng để định hướng khi xác định ruột (đôi dây, đôi dây kép, nhóm dây) cần tìm.

26. Ruột xoắn đều

Ruột gồm các phần tử có cùng đường kính trong đó đường nối liền các tâm của các phần tử của từng lớp xoắn tạo thành hình đa giác lồi đều.

27. Ruột xoắn đều đơn giản (phức tạp)

Ruột xoắn đều bằng các sợi (dảnh) riêng lẻ xoắn lại.

28. Ruột xoắn chùm

Ruột, sợi hay dảnh dây được xoắn theo một chiều và cùng một bước.

29. Ruột ép chặt

Ruột nhiều sợi được ép chặt để giảm kích thước và khe hở giữa các sợi.

30. Ruột định hình

Ruột có hai mặt cắt ngang hay diện tích giới hạn đường bao khác với đường tròn.

31. Ruột hình rẻ quạt

Ruột định hình dạng rẻ quạt có góc lượn tròn.

32. Ruột bầu dục

Ruột định hình có dạng bầu dục

33. Ruột rỗng

Ruột có mặt cắt ngang hình xuyến.

34. Ruột xoắn ốc

Ruột (dây dẫn trong) đặt theo kiểu xoắn ốc xung quanh ruột giữa.

35. Ruột phân nhỏ

Ruột có mặt cắt chia thành nhiều phần cách điện với nhau dùng để làm việc trong cùng một mạch điện.

36. Ruột kim tuyến

Ruột gồm nhiều sợi kết kim tuyến.

37. Mạch chính

Mạch trong cáp thông tin tạo nên bởi các ruột của đôi dây đối xứng.

38. Mạch nhân tạo

Mạch trong cáp thông tin tạo nên bởi các ruột của đôi dây kép hay đôi dây kép chữ thập trong đó có một đôi dây làm dây dẫn đi còn đôi dây kia làm dây dẫn về.

39. Cách điện của ruột (dây dẫn, sợi)

Cách điện bọc ngoài ruột (dây dẫn, sợi)

40. Cách điện đai

Cách điện của cáp nhiều ruột bọc ngoài các ruột đã được cách điện.

41. Cách điện phân lớp

Cách điện lớp có đặc tính điện thay đổi qua từng lớp theo quy luật định trước.

42. Cách điện sợi

Cách điện có kết cấu sợi bằng vật liệu tổng hợp hay tự nhiên.

43. Cách điện giấy tẩm

Cách điện quấn bằng giấy cáp có tẩm vật liệu cách điện.

44. Chất tẩm cách điện

Chất lỏng cách điện để tẩm vật liệu cách điện sợi.

45. Cách điện giấy - không khí

Cách điện bằng giấy cáp hay giấy điện thoại và không khí.

46. Cách điện giấy kiểu ống

Cách điện không khí- giấy, bằng băng giấy quấn thành ống tiếp giáp không chặt với ruột.

47. Cách điện giấy xốp

Cách điện giấy, không khí - bằng khối giấy xốp bọc thành lớp liên tục quanh ruột.

48. Cách điện giấy kiểu coóc-đông

Cách điện giấy, không khí - đặt trên ruột theo kiểu xoắn ốc và bằng giấy quấn quanh ruột.

49. Cách điện chất dẻo

Cách điện bằng chất dẻo dưới dạng một lớp bọc liên tục hoặc băng quấn quanh ruột.

50. Cách điện chất dẻo - không khí

Cách điện bằng chất dẻo và không khí.

51. Cách điện chất dẻo xốp

Cách điện chất dẻo - không khí bằng chất dẻo xốp quấn thành lớp liên tục quanh ruột.

52. Cách điện kiểu coóc - đông

Cách điện chất dẻo - không khí đặt theo kiểu xoắn ốc trên dây dẫn bên trong của cáp đồng trục.

53. Cách điện chất dẻo kiểu coóc - đông

Cách điện chất dẻo - không khí đặt theo kiểu xoắn ốc trên ruột hay dây dẫn trong và có băng quấn quanh.

54. Cách điện kiểu bóng khí

Cách điện chất dẻo - không khí có dạng ống tiếp giáp không chặt với ruột hoặc với dây dẫn trong, ống này được thắt eo qua từng đoạn xác định.

55. Cách điện kiểu vòng đệm

Cách điện chất dẻo - không khí có dạng vòng đệm đặt trên từng đoạn xác định trên dây dẫn trong của đôi dây đồng trục.

56. Cách đệm cao su

Cách điện bằng lớp cao su bọc liên tục hoặc băng quấn bằng cao su.

57. Cách điện amiăng

Cách điện bằng sợi amiăng quấn quanh ruột.

58. Cách điện cao su

Cách điện bằng sợi amiăng tẩm sơn.

59. Cách điện ê-may

Cách điện trên dây dẫn có dạng màng phủ liên tục bằng sợi ê-may hay nhựa lỏng.

60. Cách điện ê-may hai lớp

Cách điện ê-may gồm hai lớp sơn ê-may khác nhau phủ chồng lên nhau.

61. Cách điện ôxyt

Cách điện bằng lớp ôxyt tạo nên trên bề mặt kim loại.

62. Băng quấn

Lớp bọc bằng băng: chỉ hoặc dây, quấn theo kiểu xoắn ốc.

63. Băng quấn chồng mép

Băng quấn trong đó vòng sau bọc lấy một phần của vòng trước.

64. Băng quấn giáp mép

Băng quấn trong đó mép của các vòng cạnh nhau tiếp giáp với nhau.

65. Băng quấn có khe hở

Băng quấn trong đó giữa các vòng của cùng một băng có khoảng cách không lớn hơn bề rộng băng

66. Băng quấn xoắn ốc hở

Băng quấn trong đó giữa các vòng của cùng một băng, sợi hoặc băng có khoảng cách lớn hơn bề rộng cả băng hay đường kính của sợi hoặc dây đó.

67. Vỏ

Phần tử của cáp, dây dẫn hoặc dây dẫn mềm bằng kim loại, cao su hoặc chất dẻo dùng để bọc kín hay bảo vệ phần bên trong chống các tác động bên ngoài.

68. Vỏ (màn che) gợn sóng

Vỏ (màn che) có gợn sóng để tăng độ uốn của cáp.

69. Vỏ hợp kim chì

Vỏ chì có pha kim loại khác để tăng độ bền cơ và (hoặc) tăng sức chịu đựng.

70. Vỏ chất dẻo kim loại

Vỏ bằng chất dẻo có lớp kim loại mỏng bên trong.

71. Vỏ bọc kiểu dệt

Lớp bọc do các dảnh dây và (hoặc) chỉ bằng vật liệu sợi dệt lại.

72. Dảnh sợi

Phần tử của băng quấn hay vỏ dệt gồm một vài sợi xếp song song nhau (không xoắn với nhau).

73. Dây coóc-đông

Sợi bằng chất dẻo hoặc dải xoắn bằng băng giấy để cách điện trong cáp làm việc ở tần số vô tuyến và cáp thông tin.

74. Chất độn

Dải xoắn bằng băng giấy hoặc dảnh sợi dùng cho cáp, sợi chất dẻo, sợi cao su dùng để lắp kín khoảng trống giữa các ruột được cách điện hay giữa ruột được cách điện với ruột đặt trong vỏ kim loại.

75. Ruột

Phần tử của cáp hoặc dây dẫn, trên đó đặt ruột được cách điện, hoặc dây dẫn trong. Phần thép bên trong của dây nhôm ruột thép. Trong cáp thông tin - là phần cáp bên trong lớp vỏ hoặc màn che.

76. Màn che của cáp (dây dẫn)

Phần tử của cáp (dây dẫn) làm bằng vật liệu dẫn điện bọc kín xung quanh cáp để bảo vệ chống trường điện từ ngoài hoặc để bảo vệ mạch ngoài chống ảnh hưởng điện từ của cáp (dây dẫn), để giảm ảnh hưởng tương hỗ giữa các mạch bên trong màn hoặc là để tạo nên điện trường có dạng xuyên tâm.

77. Băng (nhận dạng)

Băng đặt dưới lớp vỏ, trên đó từng quãng có ghi tên nhà máy sản xuất và năm xuất xưởng của sản phẩm cáp.

78. Băng ghi độ dài

Băng đặt dưới lớp vỏ và được chia thành đoạn theo đơn vị chiều dài bằng vạch có ghi số tương ứng để có thể xác định được chiều dài của cáp.

79. Lớp bọc tăng cường

Lớp bọc bằng băng hay sợi kim loại quấn chặt trên vỏ kim loại của cáp để tăng độ bền của vỏ.

80. Lớp bảo vệ

Phần tử của sản phẩm cáp bọc ngoài cách điện, màn che, vỏ hay lớp bọc tăng cường để bảo vệ chống các tác động bên ngoài.

81. Đệm

Phần của lớp bảo vệ cáp, bọc ngoài màn che, vỏ hay lớp bọc tăng cường để chống ăn mòn hoặc hư hỏng các băng hay sợi của vỏ thép.

82. Vỏ đai thép

Phần của lớp bảo vệ cáp, bằng băng hay sợi kim loại, để bảo vệ chống các tác động cơ từ bên ngoài và (hoặc) để chịu tải trọng trong một vài loại cáp.

83. Lớp bọc ngoài

Phần của lớp bảo vệ cáp để bảo vệ vỏ thép chống ăn mòn và các tác động cơ.

84. Ống mềm bảo vệ

Lớp bọc bằng chất dẻo hoặc cao su ép để bảo vệ cáp hay một phần cáp.

85. Chất tẩm bảo vệ

Chất để tẩm vật liệu sợi của lớp bảo vệ, tăng cường khả năng chống mục của nó.

CÁC SẢN PHẨM CÁP

86. Cáp (dây dẫn) nhiều ruột

Cáp (dây dẫn) có số ruột danh nghĩa từ hai trở lên.

87. Cáp xoắn lớp

Cáp có các ruột hoặc nhóm dây đã được cách điện xoắn theo lớp.

88. Cáp xoắn chùm

Cáp có các ruột hay nhóm đã được cách điện xoắn trước thành chùm.

89. Cáp (dây dẫn, dây dẫn mềm) xoắn ốc

Cáp (dây dẫn, dây dẫn mềm) có dạng xoắn ốc đàn hồi.

90. Cáp có cách điện kiểm đai

-

91. Cáp có cách điện bằng giấy tẩm

-

92. Cáp điện lực

Cáp dùng để tải điện năng cung cấp cho các trang bị lực và thắp sáng.

93. Cáp có chất tẩm nhớt

Cáp điện lực có cách điện giấy tẩm hỗn hợp dầu - nhựa thông hoặc chất tẩm cách điện có bộ nhớt tương tự.

94. Cáp có cách điện tẩm đã làm nghèo

Cáp có chất tẩm nhớt trong đó một phần hay toàn bộ phần tự do đã bị tách ra.

95. Cáp có cách điện giấy tẩm trước

Cáp có chất tẩm nhớt trong đó băng giấy được tẩm chất cách điện trước khi quấn lên lõi.

96. Cáp có chất tẩm quánh

Cáp điện lực có cách điện bằng giấy tẩm chất cách điện có độ quánh lớn đến mức không thể chảy được ở nhiệt độ làm việc của cáp.

97. Cáp có màn che riêng cho từng ruột

Cáp điện lực trong đó mỗi ruột đều có màn che bên ngoài lớp cách điện.

98. Cáp có vỏ kim loại (nhôm, chì) riêng cho từng ruột

Cáp điện lực nhiều ruột mỗi ruột được cách điện có vỏ kim loại (nhôm, chì) riêng.

99. Cáp chịu áp suất dư

Cáp điện lực có cách điện làm việc dưới áp suất cao hơn áp suất khí quyển do dầu hoặc khí tạo nên. Dầu hoặc khí này cũng làm nhiệm vụ cách điện hoặc là môi trường ngoài để tạo nên áp lực dư tác động lên cách điện qua lớp vỏ không thấm.

100. Cáp chứa dầu, cáp dầu

Cáp có áp lực dư do dầu tạo nên có bù sự thay đổi thể tích dầu theo nhiệt độ. Dầu ở đây làm một phần nhiệm vụ cách điện.

101. Cáp chứa dầu đặt trong ống

Cáp chứa dầu trong đó các ruột được cách điện và có màn che riêng đặt trong ống dùng làm vỏ và lớp bảo vệ.

102. Cáp chứa khí có áp lực bên trong

Cáp có áp lực dư, có cách điện chứa khí.

103. Cáp chứa khí có áp lực bên ngoài

Cáp có áp lực dư do khi truyền cho cách điện qua lớp vỏ không thấm.

104. Cáp tần số vô tuyến

Cáp nối anten với các thiết bị thu phát các khối và linh kiện của thiết bị điện tử và kỹ thuật rađiô để truyền tải điện năng bằng dòng có tần số vô tuyến.

105. Cáp truyền chậm

Cáp tần số vô tuyến có tốc độ truyền điện năng chậm.

106. Cáp phối hợp

Cáp có tần số vô tuyến để phối hợp các thiết bị có trở sóng khác nhau, trở sóng của cáp biến thiên theo chiều dài một cách đều hoặc nhảy cấp.

107. Cáp đối xứng

Cáp thông tin hay cáp tần số vô tuyến gồm một hay nhiều đôi dây và (hoặc là) đôi dây kép đối xứng.

108. Cáp đồng trục

Cáp thông tin hay cáp tần số vô tuyến có các đôi dây chính là đồng trục.

109. Cáp ba ruột đồng trục

Cáp tần số vô tuyến có ba dây dẫn đặt đồng trục và được ngăn cách nhau bằng các lớp cách điện.

110. Cáp điều khiển

Cáp dùng trong mạch điều khiển xa, bảo vệ rơle và tự động.

111. Cáp kiểm tra (khống chế)

Cáp dùng trong mạch kiểm tra và đo xa các thông số về điện và vật lý.

112. Cáp tín hiệu

Cáp dùng trong mạch tín hiệu và khóa.

113. Cáp (dây dẫn, dây dẫn mềm) thông tin

Cáp (dây dẫn, dây dẫn mềm) dùng để truyền tín hiệu thông tin điện.

114. Cáp thông tin đường dài

Cáp thông tin dùng cho đường trục nối các thành phố.

115. Cáp thông tin khu vực

Cáp thông tin dùng cho các đường dây và mạng khu vực.

116. Cáp thông tin địa phương

Cáp thông tin dùng cho các mạng thành phố và địa phương.

117. Cáp tổ hợp

Cáp thông tin có một hay nhiều nhóm dây chính có kết cấu khác với các nhóm còn lại.

118. Cáp (dây dẫn) có dây treo

Cáp (dây dẫn) có dây treo bằng kim loại để tăng độ bền cơ để treo và giữ cáp (dây dẫn).

119. Cáp chịu tải

Cáp, ngoài nhiệm vụ tải điện năng còn dùng để treo tải trọng hoặc kéo.

120. Dây dẫn phân phối (đặt)

Dây dẫn dùng trong lưới phân phối cho các trang bị lực và thắp sáng.

121. Dây dẫn lắp ráp

Dây dẫn dùng để lắp các sơ đồ của khí cụ và dụng cụ trong các thiết bị kỹ thuật vô tuyến điện tử và kỹ thuật điện.

122. Dây dẫn ghép băng

Dây dẫn lắp ráp có dạng băng gồm một hay nhiều ruột đặt song song trên cùng một mặt phẳng.

123. Dây dẫn điện cực nhiệt

Dây dẫn dùng để nối dài cực của cặp nhiệt ngẫu nhằm ổn định nhiệt mối hàn lạnh.

124. Dây quấn điện từ

 

125. Dây dẫn bọc êmay

Dây dẫn để chế tạo cuộn dây có cách điện êmay.

126. Dây quấn cao tần

Dây dẫn để chế tạo cuộn dây gồm nhiều sợi nhỏ được cách điện với nhau.

127. Dây dẫn hoán vị

Dây dẫn để chế tạo cuộn dây gồm nhiều sợi được cách điện với nhau có vị trí tương hỗ thay đổi qua từng quãng xác định để cân bằng điện trở tác dụng và điện kháng của chúng.

128. Dây điện trở

Dây có ruột (sợi) bằng hợp kim điện trở.

129. Dây không có cách điện (dây trần)

 

130. Dây tiếp xúc

Dây trần dùng trong lưới điện giao thông.

131. Dây nhôm ruột thép

Dây trần có ruột thép bề ngoài bọc bằng dây nhôm hay lớp nhôm.

132. Dây rỗng

Dây trần có dạng ống.

133. Dây điện thoại mềm

Dây dẫn mền gồm nhiều dây nhỏ dùng để cho các máy điện thoại.

CÁC ĐẶC TÍNH KẾT CẤU CỦA SẢN PHẨM CÁP

134. Số ruột danh định của cáp (dây dẫn, dây dẫn mềm)

Số ruột trong cáp (dây dẫn, dây dẫn mềm) trừ ruột nối đất, ruột dự trữ và ruột phụ đặt bên trong các ruột chính.

135. Kích thước danh nghĩa của phần tử

Kích thước của phần tử không tính đến dung sai qui định trong tài liệu định mức.

136. Kích thước danh nghĩa của cáp (dây dẫn, dây dẫn mềm)

Kích thước của cáp (dây dẫn, dây dẫn mềm) tính toán theo các kích thước danh nghĩa của các phần tử của nó.

137. Khối lượng danh nghĩa của cáp (dây dẫn, dây dẫn mềm)

Khối lượng của cáp (dây dẫn, dây dẫn mềm) tính theo kích thước danh nghĩa của các phần tử của nó.

138. Bước xoắn (quấn)

Khoảng cách giữa hai điểm giới hạn một vòng xoắn (vòng quấn) đo theo đường thẳng song song với trục dọc của cáp, dây dẫn hoặc dây dẫn mềm.

139. Bước dệt

Khoảng cách giữa hai điểm giới hạn một vòng của dảnh sợi bên đo theo đường thẳng song song với trục dọc cáp, dây dẫn.

140. Bước gợn sóng

Khoảng cách giữa hai điểm nằm giống nhau trên hai nếp gợn cạnh nhau đo theo đường thẳng song song với trục dọc của cáp.

141. Bội số bước xoắn

Tỷ lệ giữa bước xoắn của lớp xoắn với đường kính vòng tròn ngoại tiếp lớp xoắn.

142. Bội số lý thuyết của bước xoắn

Tỷ lệ giữa bước xoắn của lớp xoắn với đường kính vòng tròn qua tâm các phần tử của lớp xoắn.

143. Góc xoắn (quấn, dệt)

Góc nhọn giữa pháp tuyến của đường thẳng song song với trục cáp và trục khai triển của phần tử xoắn (quấn, dệt)

144. Độ xoắn

Tỷ lệ giữa độ dài phần tử trước khi xoắn với độ dài sản phẩm sau khi xoắn.

145. Chiều xoắn phải (trái)

Chiều xoắn sao cho phần tử được xoắn với các phần tử khác đi lên dần về phía phải (trái) theo đường xoắn ốc.

146. Chiều quấn phải (trái)

Chiều quấn sao cho các vòng dây đi lên dần về hướng phải (trái) theo đường xoắn ốc.

147. Diện tích mặt cắt ngang của ruột nhiều sợi

Tổng diện tích các mặt cắt ngang của tất cả các sợi trong một ruột.

148. Mặt cắt tính toán của ruột

Mặt cắt ngang của ruột dùng khi tính toán kết cấu của nó.

149. Mặt cắt danh nghĩa của ruột

Đại lượng quy tròn của mặt cắt tính toán của ruột ghi trong kí hiệu quy ước của sản phẩm cáp.

150. Mặt cắt thực của ruột

Mặt cắt ngang tính theo trọng lượng thực của ruột có độ dài xác định và trọng lượng riêng của kim loại.

151. Mặt cắt hiệu dụng của ruột

Mặt cắt ngang tính theo giá trị của điện trở ứng với dòng một chiều của ruột có độ dài xác định và điện trở suất của vật liệu.

152. Hệ số lấp kín của ruột

Tỷ số giữa diện tích của mặt cắt ngang của ruột nhiều sợi với diện tích giới hạn bởi đường bao quanh ruột.

153. Hệ số xoắn

Tỷ số giữa đường kính ngoài của phôi hoặc sản phẩm gồm nhiều phần tử xoắn lại với đường kính của phần tử.

154. Hệ số kéo dài của băng

Tỷ số giữa độ dày của băng trước và sau khi quấn.

155. Hệ số mật độ bề mặt của vỏ dệt

Tỷ số giữa phần mặt được che kín bằng vật liệu bện với toàn bộ bề mặt có bện.

156. Hệ số gợn sóng

Tỷ số giữa độ dài của vỏ hoặc màn che gợn sóng được kéo thẳng với độ dài cáp.

157. Độ gợn sóng

Tỷ số giữa đường kính ngoài với phần lồi và phần lõm của vỏ hoặc màn che lượn sóng.

158. Độ dài chế tạo

Độ dài chuẩn của một đoạn sản phẩm cáp được qui định theo tiêu chuẩn hoặc điều kiện kỹ thuật.

ĐẶC TÍNH ĐIỆN CỦA SẢN PHẨM CÁP

159. Điện áp danh định của cáp (dây dẫn, dây dẫn mềm)

Điện áp danh định của hệ thống, sơ đồ hoặc mạch mà cáp (dây dẫn, dây dẫn mềm) làm việc lâu dài ở đó.

160. Điện áp thí nghiệm của cáp (dây dẫn, dây dẫn mềm)

Điện áp có trị số và dạng xác định mà trong thời gian và điều kiện định mức cách điện của cáp (dây dẫn, dây dẫn mềm) phải chịu được, không bị đánh thủng.

161. Điện áp bắt đầu ion hóa của cáp

Trị số nhỏ nhất của điện áp có dạng xác định trong những điều kiện xác định bắt đầu gây ra ion hóa va chạm trong các lớp khí hay bọc khí trong cách điện của cáp.

162. Tang góc tổn thất điện môi của cáp

Tang góc lệch pha giữa các vectơ dòng điện với thành phần điện dung của nó trong cách điện của cáp đặt dưới điện áp xoay chiều.

163. Hệ số tổn thất điện môi của cáp

Tích số giữa độ thẩm điện môi của cách điện cáp với tang góc tổn thất điện môi của nó.

164. Hệ số giảm độ dài sóng trong cáp

Tỷ số giữa tốc độ lan truyền sóng điện từ trong chân không với tốc độ lan truyền của nó trong cáp.

165. Tải phối hợp

Điện trở phức (tác dụng) của tải có giá trị số bằng tổng trở sóng của mạch mà nó được dấu vào ở cuối mạch.

166. Điện trở suất của ruột (sợi dẫn, dây dẫn)

Điện trở của lõi (dây dẫn, sợi dẫn) đối với dòng điện một chiều tính đổi về 1mm2 mặt cắt danh nghĩa và độ dài 1Km (1m)

167. Độ không đối xứng của điện trở tác dụng

Hiệu số điện trở đối với dòng điện một chiều của hai ruột trong đôi dây.

168. Điện dung của một ruột tách riêng

Điện dung của ruột đối với các ruột còn lại khi các ruột này được nối với màn che và (hoặc) vỏ kim loại nối đất

169. Điện dung làm việc của đôi dây

Điện dung giữa hai ruột của đôi dây đo được khi đặt điện áp xoay chiều cùng trị số và thế có dấu khác nhau vào các ruột này còn các ruột khác, màn che và (hoặc) vỏ được nối đất.

170. Điện trở đầu vào của cáp (đôi dây)

Đại lượng phức bằng tỷ số giữa điện áp và dòng điện ở đầu cáp (đôi dây) ứng với tải xác định ở đầu cuối.

171. Thông số truyền sơ cấp

Thông số của cáp thông tin đặc trưng cho tính chất điện từ của đôi dây tính đổi về một đơn vị dài.

172. Thông số truyền thứ cấp

Thông số của cáp thông tin để đánh giá tính chất truyền của đôi dây nó phụ thuộc vào các thông số truyền sơ cấp và tần số sóng điện áp (dòng điện).

Chú thích: Các thông số thứ cấp là: tổng trở sóng, hệ số lan truyền, hệ số tắt dần, hệ số pha.

173. Điện trở sóng của cáp

Đại lượng phức bằng tỉ số giữa điện áp và dòng điện của sóng điện từ lan truyền trong mặt cắt bất kỳ của cáp (đôi dây) khi có tải phối hợp hoặc đường dây dài (theo bước sóng).

174. Hệ số lan truyền

Đại lượng phức đặc trưng cho sự biến đổi của biên độ và pha của sóng điện áp (dòng điện) hình sin khi nó lan truyền qua một đơn vị độ dài của cáp.

175. Hệ số tắt dần

Đại lượng đặc trưng cho sự giảm biên độ của sóng điện áp (dòng điện) hình sin khi nó lan truyền qua một đơn vị độ dài của cáp và bằng phần thực của hệ số lan truyền.

176. Hệ số pha

Đại lượng đặc trưng cho sự biến đổi pha của sóng diện áp (dòng điện) hình sin khi nó lan truyền qua một đơn vị độ dài của cáp và bằng phần ảo của hệ số lan truyền.

177. Độ tự tắt dần

Tích của hệ số tắt dần của cáp với chiều dài của nó.

178. Hệ số phản xạ

Đại lượng phức đặc trưng cho tính không đồng nhất của tổng trở sóng của cáp, bằng tỷ số giữa hiệu và tổng của tổng trở sóng của hai đoạn cáp cạnh nhau.

179. Độ tắt dần không phối hợp

Đại lượng đặc trưng cho tính không đồng nhất của tổng trở sóng của cáp bằng logarit tự nhiên của đại lượng nghịch đảo của môđun hệ số phản xạ.

180. Thông số ảnh hưởng sơ cấp

Các thông số đặc trưng cho sự liên hệ điện từ giữa hai mạch.

Chú thích: Các thông số ảnh hưởng sơ cấp là: thành phần phản kháng của liên hệ điện (liên hệ điện dung) thành phần tác dụng của liên hệ điện, thành phần phản kháng của liên hệ từ (liên hệ điện cảm), thành phần tác dụng của liên hệ từ (liên hệ từ).

181. Thông số ảnh hưởng thứ cấp

Thông số của cáp thông tin để đánh giá ảnh hưởng điện từ tương hỗ của các mạch có độ dài bất kỳ, nó phụ thuộc vào các thông số ảnh hưởng sơ cấp và tần số của điện áp (dòng điện).

Chú thích: Các thông số ảnh hưởng thứ cấp là: độ tắt dần quá độ thử ở đầu gần, độ tắt dần quá độ ở đầu xa, độ bảo vệ.

182. Độ tắt dần quá độ ở đầu gần

Đại lượng đặc trưng cho lượng tương đối của năng lượng truyền từ mạch này qua mạch khác qua liên hệ điện từ ở đầu cáp nối với nguồn năng lượng của mạch gây ảnh hưởng.

183. Độ tắt dần quá độ ở đầu xa

Đại lượng đặc trưng cho lượng tương đối của năng lượng truyền từ mạch này qua mạch khác qua liên hệ điện từ ở đầu cáp, đối diện với đầu có nguồn năng lượng của mạch gây ảnh hưởng.

184. Mức bảo vệ

Đại lượng đặc trưng cho tỷ số giữa năng lượng của tín hiệu có ích của mạch gây ảnh hưởng với năng lượng nhiễu của mạch chịu ảnh hưởng ở mặt cắt cho trước của cáp thông tin.

185. Hệ số liên hệ điện dung. Liên hệ điện dung

Đại lượng đặc trưng cho sự không công bằng của điện dung cục bộ của hai mạch có ảnh hưởng lẫn nhau.

186. Độ không đối xứng của điện dung

Hiệu số giữa các điện dung cục bộ đối với đất của các ruột của mạch chính hoặc của các dây dẫn của mạch nhân tạo.

187. Hệ số che

Đại lượng phức đặc trưng cho hiệu ứng che do sự hấp thụ và phản xạ sóng điện từ ngoài màn che và bằng tỷ số giữa cường độ điện trường hoặc từ trường ở điểm bất kỳ trong cáp có màn che hay phần có màn che của cáp với cường độ điện trường hoặc từ trường tại điểm đó khi không có màn che.

188. Độ tắt dần do tác dụng che

Đại lượng đặc trưng cho sự giảm tương đối của năng lượng điện từ xuyên qua màn che và bằng logarit tự nhiên đại lượng nghịch đảo của môđun hệ số che.

189. Hệ số tác dụng bảo vệ của cáp

Đại lượng đặc trưng cho hiệu ứng che chống với ảnh hưởng của điện từ trường ngoài và bằng tỷ số giữa sức điện động cảm ứng trong ruột cáp khi màn che, vỏ kim loại và đai thép được nối đất với sức điện động cảm ứng trong ruột đó khi không cáo các phần tử kim loại trên.

190. Điện trở liên lạc

Đại lượng đặc trưng cho hiệu ứng che và tỷ số giữa sức điện động cảm ứng trên đơn vị dài của mặt ngoài (trong) màn che hay vỏ, với dòng điện gây nên bởi sức điện động đó đi qua màn che hay vỏ kim loại và qua phần mạch trong (ngoài) so với màn che hoặc vỏ.

191. Xung dò

Xung điện từ có dạng xác định đưa vào cáp để xác định chỗ hỏng hay vị trí và độ không đồng nhất của tổng trở sóng hoặc sự tắt dần quá độ bằng cách phân tích xung phản xạ.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3685:1981 về cáp, dây dẫn và dây dẫn mềm - Thuật ngữ và định nghĩa

Số hiệu: TCVN3685:1981
Loại văn bản: Tiêu chuẩn Việt Nam
Nơi ban hành: ***
Người ký: ***
Ngày ban hành: 01/01/1981
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3685:1981 về cáp, dây dẫn và dây dẫn mềm - Thuật ngữ và định nghĩa

Văn bản liên quan cùng nội dung - [12]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [1]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…